Ảnh minh họa.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai cho biết, điện năng lượng mặt trời là cách chuyển quang năng (năng lượng bức xạ mặt trời) thành điện năng trực tiếp nhờ các tấm pin mặt trời ghép lại với nhau thành mô đun và thông qua bộ chuyển đổi điện để tạo ra dòng điện cung cấp cho tải tiêu thụ điện. Các thiết bị này lắp đặt trên mái nhà hoặc gắn với công trình xây dựng do tổ chức hoặc cá nhân làm chủ đầu tư có đấu nối và bán điện lên lưới điện quốc gia hiện đang được Chính phủ khuyến khích người dân sử dụng.
PV: Thưa ông, chính sách mua lại điện từ hệ thống năng lượng mặt trời của Nhà nước hiện nay được áp dụng ra sao?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Các dự án điện mặt trời áp mái được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều. Ngành điện ghi chỉ số công tơ điện 1 lần/tháng cùng với kỳ ghi chỉ số công tơ chiều mua điện từ lưới của chủ đầu tư. Đối với chủ đầu tư là khách hàng sử dụng điện ghi chỉ số công tơ nhiều kỳ mỗi tháng thì ngành điện ghi chỉ cố công tơ chiều bán điện lên lưới điện cùng kỳ với kỳ ghi chỉ số công tơ cuối cùng trong tháng.
Giá mua bán điện được quy định cụ thể như sau: Trước ngày 1-1-2018, giá mua điện từ hệ thống điện mặt trời của khách hàng là 2.086 đồng/kWh. Từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2018, giá mua điện là 2.096 đồng/kWh. Từ ngày 1-1-2019 đến 31-12-2019, giá mua điện là 2.134 đồng/kWh đối với hợp đồng mua bán điện mặt trời được ký kết trước ngày 1-7. Tất cả các mức giá trên chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện được xác định theo từng năm và được tính bằng tiền Việt Nam đồng.
PV: Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại pin khác nhau, người dân nên chọn các thiết bị này như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Hiện nay trên thị trường có 3 loại pin mặt trời chính là đơn tinh thể, đa tinh thể và loại màng mỏng. Phần lớn tấm pin được sử dụng trên thị trường hiện nay là loại đa tinh thể do tính thẩm mỹ cao và giá thành thấp.
Hiện tại có nhiều nhà cung cấp tấm pin mặt trời như: Công ty First Solar, IREX Solar, Vina Solar, Trina Solar, Canadian Solar... Bên cạnh các pin mặt trời được sản xuất trong nước, còn có các tấm pin mặt trời được nhập khẩu từ nước ngoài như: tấm pin LG của Hàn Quốc, tấm pin Antaris của Đức, tấm pin Canadian của Canada… Mỗi loại có giá thành khác nhau nên tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện kinh tế của khách hàng để lựa chọn tấm pin cho phù hợp.
Ngành điện chỉ tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, thiết bị về lắp đặt, đấu nối hệ thống điện năng lượng mặt trời với lưới điện nếu đạt các yêu cầu. Việc lựa chọn, sử dụng thiết bị loại nào là do người dân toàn quyền quyết định lựa chọn, ngành điện không bán hay khuyến cáo sử dụng bất kỳ sản phẩm của thương hiệu nào.
PV: Người dân có nên sử dụng thiết bị tích điện không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Hiện ngành điện đang khuyến khích chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời hoạt động ở cả chế độ bám lưới (lưới điện quốc gia) và chế độ độc lập với lưới khi lưới điện bị mất điện, hệ thống tích trữ điện (nếu cần thiết) để sử dụng lượng điện phát ra từ hệ thống điện mặt trời của khách hàng khi lưới điện bị sự cố mất điện.
PV: Người dân cần liên hệ ở đâu khi có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời?
Ông Nguyễn Ngọc Thành: Khi người dân có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời có thể liên hệ qua các kênh sau: Phòng Giao dịch điện lực, website Trung tâm chăm sóc khách hàng của Tổng công ty điện lực miền Nam, website của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai, Tổng đài chăm sóc khách hàng của Tổng công ty điện lực miền Nam để được hỗ trợ 19001006 hoặc 19009000, Tổng đài của Công ty TNHH một thành viên điện lực Đồng Nai 0251.222.0000 hoặc các phòng giao dịch của điện lực…
Người dân, doanh nghiệp cần cung cấp thông tin ban đầu về địa điểm và công suất dự kiến lắp đặt của hệ thống năng lượng mặt trời, mã khách hàng sử dụng điện (nếu là khách hàng đang sử dụng điện lưới quốc gia) để tiện liên hệ và khảo sát đấu nối.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nhu cầu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời đang ngày càng tăng một phần nguyên nhân là do giá điện tăng, bên cạnh đó việc sử dụng điện năng lượng mặt trời giúp người dân tiết kiệm chi phí và không bị phụ thuộc quá nhiều vào điện quốc gia. Đây là xu hướng chung trong việc sử dụng năng lượng sạch của các nước trên thế giới.
Xu hướng kinh doanh điện mặt trời
Không chỉ các doanh nghiệp, hộ gia đình bắt đầu có nhu cầu lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mà gần đây một số doanh nghiệp có xu hướng kinh doanh điện từ lĩnh vực này. Theo đó, một số đơn vị tìm điểm có vị trí thuận lợi để thuê hoặc có các hình thức hợp tác để kinh doanh bán điện lại cho Nhà nước. Do ngày càng nhiều nhà cung cấp thiết bị năng lượng mặt trời nên giá thành lắp đặt đã có phần hạ hơn thời điểm ban đầu, các thiết bị cũng đa dạng hơn giúp nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn.
|