Việc đảm bảo an ninh năng lượng trong những năm tới sẽ rất khó khăn
Bên cạnh đó, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường tạo ra áp lực lớn đối với ngành Điện. Chính vì vậy cần tìm hướng đi cho việc đảm bảo an ninh năng lượng từ này đến năm 2030.
Thách thức không nhỏ
Theo ông Hoàng Quốc Vượng – Thứ trưởng Bộ Công Thương, dự báo từ nay đến năm 2030, nền kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng cao (từ 6,5 -7%/năm), dẫn đến nhu cầu năng lượng cũng tăng rất nhanh. Dự kiến sản lượng điện thương phẩm đạt gần 500 tỷ kWh vào năm 2030 (năm 2017 đạt trên 190 tỷ kWh).
Những thách thức chủ yếu mà ngành năng lượng Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt là nguy cơ thiếu hụt nguồn điện cho phát triển kinh tế đất nước do hạn chế về nguồn cung năng lượng sơ cấp trong nước, dẫn đến sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, đặc biệt nhiên liệu cho phát điện.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong bối cảnh nợ công tăng cao và quá trình cổ phần hóa chưa thuận lợi. Cùng với đó, là thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng do nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh, đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.
Cùng với những thách thức trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng việc bảo đảm điện nói riêng, bảo đảm an ninh năng lượng nói chung thực tế rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh chúng ta đã quyết định dừng các dự án điện hạt nhân nhưng các nguồn điện thay thế cho điện hạt nhân chủ yếu là năng lượng tái tạo đang còn rất nhiều bất cập chưa được giải quyết.
Mặc dù đang gặp thách thức không nhỏ trong việc đảm bảo điện trong những năm tới, nhưng EVN đã chủ động tính toán nhiều phương án khác nhau để đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030.
Trong đó EVN xây dựng phương án cơ sở, các thành phần nguồn huy động từ năm 2019 đến năm 2030 phụ thuộc vào 3 thành phần chủ yếu: than, khí, các nguồn thủy điện và năng lượng tái tạo. Đối với phương án cao, khả năng thiếu điện sẽ có thể xảy ra bởi nước ở các hồ thủy điện không ổn định, nguồn khí ngày càng hạn chế.
Ông Ngô Sơn Hải – Phó Tổng giám đốc EVN cho biết: “Việc đảm bảo cung cấp điện đến năm 2030 sẽ có nhiều tiềm ẩn, rủi ro bởi các nguồn điện đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với Quy hoạch VII điều chỉnh. Nhiều dự án nguồn điện lớn, đặc biệt nguồn điện trong miền Nam đang bị chậm so với tiến độ. Nguồn nhiên liệu tiềm ẩm nhiều rủi ro, khí thiên nhiên suy giảm, khí thay thế đưa vào khó”.
Ông Hải cho rằng cần đảm bảo tiến độ đưa vào vận hành các công trình nguồn điện. Đảm bảo cung cấp đủ khí cho phát điện. Có cơ chế về khung giá mua điện từ Lào để đẩy nhanh việc đàm phám với phía Lào nhằm thu gom các nguồn điện tại Nam Lào và các đường dây đấu nối để nhập khẩu về Việt Nam qua các đường dây 220kV hiện hữu…
Thay đổi tư duy tiếp cận
Bên cạnh giải pháp cung cấp nguồn điện, ông Ngô Sơn Hải cho biết, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), ưu tiên cho khu vực miền Nam. Trong đó, cần có cơ chế của nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải.
Ngành chức năng kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức về sử dụng năng lượng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đồng thời, lựa chọn áp dụng quy trình và mô hình quản lý sản xuất tiên tiến, biện pháp công nghệ phù hợp và thiết bị công nghệ có hiệu suất cao.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán và các dự án điện mặt trời tại các khu vực khả thi về đấu nối. Đặc biệt, hỗ trợ và khuyến khích khách hàng sử dụng điện (sinh hoạt, khu công nghiệp, thương mại dịch vụ) đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời áp mái, đặc biệt ở khu vực miền Nam.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Chúng ta muốn đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trước hết cần phải thay đổi tư duy tiếp cận, thay vì chỉ đi lo làm sao sản xuất cho đủ nguồn cung, ngành Điện cần xử lý ở khía cạnh tiêu dùng, tức là giải quyết vấn đề về giá điện.
PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn: “Tư duy về an ninh năng lượng của chúng ta hiện đang rất giống với tư duy về an ninh lương thực. Tức là ngày trước, khi đói kém, chúng ta chỉ mong làm sao để có đủ ăn. Nhưng bây giờ khi đã sản xuất được lượng lúa gạo lớn, có thể xuất khẩu rồi, hay nói cách khác là thừa gạo để ăn rồi, chúng ta vẫn lo đi giữ đất mà không tìm ra những phương pháp chuyển đổi, vì thế đời sống người nông dân vẫn rất khó khăn”.
Tư duy đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay cũng tương tự như vậy. Cách tiếp cận về tư duy an ninh năng lượng vẫn mang dáng dấp “hầu cung”, còn phía cầu tiêu thụ điện hiệu quả sử dụng còn thấp, quá tốn kém, công nghệ thấp khai thác tài nguyên nhiều, nền sản xuất chủ yếu gia công là chính nên tiêu thụ năng lượng rất lớn.
Trên cơ sở phân tích đó, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng, lời giải cho bài toán nguy cơ thiếu điện, chúng ta phải quan tâm đến quản lý phía cầu trong đảm bảo an ninh năng lượng, chứ không chỉ nhăm nhăm đi lo nguồn cung. Theo đó, cách tiếp cận phải nằm trong sự phát triển của nền kinh tế, nghĩa là phải thay đổi và tính toán giá điện theo cơ chế thị trường, do thị trường quyết định.
PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng "phải lấy giá cả để điều tiết nguồn cung năng lượng. Nếu để giá điện quá thấp, nền kinh tế không thể phát triển được, phía tiêu dùng vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây lãng phí trong tiêu thụ năng lượng”.