Ông Bùi Trung Dũng Vụ Đo lường- Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng kiểm tra việc ghi chỉ số công tơ điện tại Mê Linh, Hà Nội.
Đoàn gồm đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), Viện Đo lường Việt Nam; Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.
Theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, Công ty Điện lực Mê Linh (Hà Nội) đã mở hồ sơ công khai 80 kiến nghị và giải đáp kiến nghị của khách hàng trong 3 tháng 4, 5 và 6 được lưu trữ trên máy tính và sổ sách. Khoảng 40% khách hàng kiến nghị kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng khi thấy lượng điện tăng cao. Tất cả khách hàng sau khi được giải thích đều đồng ý với các lý giải của ngành điện và thừa nhận việc sử dụng có tăng lên trong các tháng vừa qua.
Trước những ý kiến nghi ngờ về độ sai số của công tơ điện cũng như cách đo đếm của ngành điện, bà Tô Phương Lan - Trưởng ban Kinh doanh, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội khẳng định việc tuân thủ quy trình kinh doanh điện năng, thực hiện công tác quản lý thiết bị đo đếm điện năng theo hướng dẫn tại các văn bản của cơ quan quản lý và kiểm soát theo đúng quy định. Đợt kiểm tra (theo hình thức kiểm tra xác xuất tại các đơn vị như Quốc Oai, Mê Linh, Hà Nội) của thanh tra Sở Khoa học công nghệ các năm 2019 và 2020 về hệ thống đo đếm điện năng, mọi biên bản kiểm tra cho thấy, tại thời điểm thanh tra đều chấp hành quy định về đo lường và không phát hiện dấu hiệu vi phạm. (Về quy trình ghi chỉ số công tơ và lịch ghi chỉ số đo đếm được công khai minh bạch và thông báo tới khách hàng tại Phòng giao dịch khách hàng, khách hàng được quyền giám sát, các kết quả ghi chỉ số được công khai, minh bạch, khách hàng đều có thể tự truy cập và tra cứu, gọi lên tổng đài, nhắn tin, SMS, zalo, hoặc truy vấn qua đầu số 8088, website chăm sóc khách hàng và chatbox. Việc lập và phát hành hoá đơn thực hiện theo đúng quy trình, quy định…).
Ông Bùi Trung Dũng - Vụ Đo Lường, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) cho biết, theo quy định pháp luật về đo lường, công tơ điện phải được kiểm soát chặt chẽ, kiểm định mẫu và kiểm định ban đầu trước khi đi vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng. Với công tơ điện, theo quy định hiện hành chu kỳ kiểm định công tơ điện tử định kỳ là 6 năm, công tơ cơ khí là 5 năm. Kiểm định ban đầu, mục đích kiểm soát đo lường là đảm bảo đo chính xác, trung thực và công bằng giữa người mua và người bán. Chỉ những công tơ nào đạt yêu cầu kiểm định đo lường mới đưa vào sử dụng. Và theo quy định - đặc biệt với công tơ cơ khí là phải được bọc niêm phong kẹp chì, và trên niêm phong đó thể hiện thời hạn có giá trị kiểm định. Tức là suốt quá trình sử dụng phải đảm bảo đo lường, đảm bảo yêu cầu sử dụng và phát hiện sai, hỏng thì phải dừng ngay việc sử dụng và khắc phục. Chỉ những công tơ nào yêu cầu mới được đem vào mua bán điện.
Ông Dũng cho biết thêm, kiểm định công tơ điện được coi là hoạt động dịch vụ kỹ thuật, được quy định rõ trong quy định đo lường. Hoạt động này đã được xã hội hoá và nhiều thành phần kinh tế tham gia. Chỉ riêng địa bàn Hà Nội hiện có ít nhất 8 tổ chức kiểm định công tơ điện, gồm 3 đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp tư nhân. Có thanh tra và kiểm tra hàng năm, nếu thanh kiểm tra phát hiện có vấn đề về minh bạch thì sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Bùi Trung Dũng, cho biết, "hiện nay hoạt động kiểm định công tơ điện đã được quy định rất rõ trong quy định pháp luật về đo lường, cụ thể là Luật đo lường và các văn bản liên quan. Đây là hoạt động kinh doanh dịch vụ có điều kiện và đã được quy định cụ thể ở Nghị định số 105 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Hoạt động kiểm định này rất quan trọng nên cơ quan chúng tôi có quy định chặt chẽ, có đánh giá yêu cầu nhân viên kiểm định phải được đào tạo và cấp thẻ chứng chỉ viên. Thứ 2 là trang thiết bị phải hiệu chuẩn hàng năm, đặc biệt là quy trình và trình tự kiểm định công tơ điện để đảm bảo chính xác thì phải được TCTCĐL chất lượng ban hành, công khai và thống nhất thực hiện. Các tổ chức kiểm định của ngành điện đều phải tuân thủ quy định, đảm bảo tuân thủ nguyên tắc hoạt động đo lường công khai, minh bạch khách quan, tuân thủ các quy định đảm bảo trình tự thủ tục, chúng tôi không phân biệt bất cứ tổ chức kiểm định bên ngoài hay ngành điện.. Đồng thời phải tuân thủ các quy định của Luật đo lường và các quy định pháp luật liên quan tại Nghị định 105 và đảm bảo trình tự thủ tục kiểm định hợp chuẩn theo đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".
Trước những câu hỏi liệu có khả năng tác động vào việc kiểm định không, ông Bùi Trung Dũng - Vụ Đo Lường, Tổng Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KHCN) khẳng định khó có thể tác động vào vì các thiết bị kiểm định công tơ điện hiện nay đã chạy tự động và toàn bộ phần mềm khó can thiệp, người công nhân chỉ xem và đọc kết quả nên đảm bảo tính khách quan.
Ông Nguyễn Anh Sơn - Phó Trưởng phòng Đo lường Điện - Viện đo lường cũng cho rằng, quá trình đo đếm, kiểm tra là chặt chẽ ở từng khâu. Trong khâu kỹ thuật với phương tiện đo, đều có văn bản pháp luật quy định tuân thủ thực hiện. Thiết bị đo đếm đều treo khám, không có can thiệp nên tất cả đều rất tin cậy. Kiểm soát số liệu trong kiểm định đều có thanh kiểm tra định kỳ với từng đơn vị, đảm bảo quá trình thực hiện giảm thiểu sai sót. Tuy nhiên, công tơ điện liên quan trực tiếp đa số người dân, vì vậy, cần phải chỉ rõ hơn cho người dân trong quá trình sử dụng điện, có thể từ chính các thu thập và ứng dụng công nghệ đem lại hiệu quả nhiều cho quản lý, nhưng cũng mang lại lợi ích rất lớn với người sử dụng, cần cập nhật thông tin sớm hơn, hướng dẫn người dân cách kiểm tra và theo dõi thông tin hàng ngày, biết con số rõ ràng về mức tiêu thụ.
Theo thống kê, Tổng công ty Điện lực Hà Nội đang bán điện cho mục đích sinh hoạt là 2.316.836 khách hàng (chiếm tỷ lệ 88,54% tổng số công tơ của đơn vị này quản lý, bán điện). Đáng lưu ý, lượng khách hàng sinh hoạt có sản lượng điện tăng từ 30% trở lên so với tháng liền kề trong các 4, 5 và 6 tăng cao, nhiều khách hàng sử dụng điện tăng tới 100%, thậm chí tăng trên 300%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số điện tiêu dùng của không ít khách hàng sử dụng đã “nhảy” lên các bậc (lũy tiến) có mức giá cao hơn, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao gấp nhiều lần so với các tháng trước đó.
Đơn cử, số liệu so sánh của 3 tháng 4, 5 và tính đến ngày 22/6/2020, nếu tháng 4, số khách hàng sử dụng điện ở bậc 1 (dưới 50kWh/tháng) trên địa bàn TP Hà Nội có tỷ lệ là 9,13% thì đến tháng 6 đã giảm xuống còn 6,38%. Với khách hàng sử dụng ở bậc 2 (từ 50-100kWh) cũng giảm đáng kể, từ 11,3% trong tháng 4 xuống còn 5,93% trong tháng 6... Trong khi đó, các mức sử dụng ở bậc giá cao lại tăng tương đối nhanh. Đáng kể, hộ dân sử dụng từ 300kWh đến 400kWh/tháng trong tháng 4 là 12,33% thì đến tháng 6 là 15,59%; Lượng khách hàng tiêu dùng từ mức 400kWh-500kWh đã tăng từ tỷ lệ 6,29% lên 10,48%; từ 500-600kWh/tháng tăng từ 3,29% lên 6,93%... Ở mức cao nhất, đối với khách hàng sử dụng trên 1.000kWh/tháng nếu như trong tháng 4 chỉ là 1,07% thì đến 22/6 là 4,7%…
Trước thực tế này, nhiều ý kiến kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán lại biểu giá điện bậc thang sao cho phù hợp hơn với nhu cầu tiêu dùng điện hiện nay. Bà Đỗ Thị Thu Trang- chuyên viên Phòng giá điện và phí, Cục Điều tiết Điện lực cho biết, "khi sản lượng điện tăng 1,7 thì hóa đơn tiền điện tăng lên hơn 2 lần, nghĩa là có một độ chênh nhất định giữa việc tăng sản lượng và tăng giá. Việc tăng sản lượng điện sử dụng ảnh hưởng rất lớn đến hóa đơn tiền điện tăng cao. Có thể khẳng định rằng điện năng không phải là hàng hoá khuyến khích sử dụng nhiều, nên không có chuyện mua nhiều thì sẽ được hưởng giá thấp, bởi vì điện sản xuất ra từ rất nhiều nguồn, trong đó có các dạng nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch như than, dầu và khí là những dạng năng lượng không tái tạo. Việc đưa ra biểu giá bậc thang sẽ giúp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng tăng cao thì độ rộng của bậc thang là bao nhiêu và khoảng cách chênh lệch về giá giữa các bậc thang là bao nhiêu cũng là bài toán mà Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu sửa đổi".
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Võ Quang Lâm - Phó TGĐ EVN khẳng định, trước những sai sót của một số cán bộ, nhân viên trong việc ghi chỉ số công tơ sai, dẫn đến việc nhầm lẫn đáng tiếc, ngoài việc xử lý nghiêm, ngay trong tháng 7 này, EVN sẽ tăng cường áp dụng công nghệ gắn với biện pháp kiểm tra chéo trong toàn Tập đoàn để kiểm soát chặt chẽ hơn, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. "Chúng tôi sẽ đặt những cái ngưỡng để khi mà có sự biến động bất thường thì việc xác nhận chéo chỉ số đó sẽ được người khác xác nhận để giảm bớt sự sai sót của một cá nhân. Như vậy là sẽ có nhiều cá nhân hơn tham gia vào quá trình này, và đặc biệt các cấp lãnh đạo quản lý phải tham gia trực tiếp vào công tác kiểm tra và phúc tra chỉ số hóa đơn".
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, qua thực tế kiểm tra ngẫu nhiên, nghe ý kiến phản ánh của các hộ tiêu dùng, có thể thấy công tác tuyên truyền của ngành điện cần phải tăng cường hơn nữa, để người dân hiều hơn chính sách về giá điện của nhà nước. "Chúng tôi nghĩ là ngành điện cần phải chủ động tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách, thứ 2 là tuyên truyền để người dân có kiến thức sử dụng điện một cách tiết kiệm nhất".