Thông tin đầu tư

Kiên Giang sốt ruột với dự án nhiệt điện tỷ đô của Tân Tạo

Thứ sáu, 19/9/2014 | 10:35 GMT+7
Khó khăn về tài chính, Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương đang đối mặt nguy cơ có thể phải kéo dài thêm 10 năm nữa mới có thể phát điện tổ máy đầu tiên.
Mặt bằng Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương.
 
Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh bày tỏ lo lắng về tiến độ triển khai Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương đã kéo dài 7 năm và nay, có thể tiếp tục kéo dài thêm 10 năm nữa mới có thể phát điện tổ máy đầu tiên.
 
Theo tính toán của Vụ Quản lý đầu tư BOT (Bộ Công thương), thời gian đàm phán các tài liệu cho Dự án của bộ hồ sơ hợp đồng BOT thông thường phải mất 3 - 4 năm. Sau đó, mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, thủ tục vay vốn đầu tư…, cộng với thời gian thi công, thì phải mất thêm 8 năm nữa mới có thể vận hành nhà máy. Như vậy, trường hợp nhanh nhất, cũng phải đến năm 2025, Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 cùng các trạm và đường dây 500 kV… mới có thể vận hành.
 
Với thực trạng trên, theo ông Mai Văn Huỳnh, một số hộ dân đã và đang bao chiếm trở lại diện tích đất thu hồi bỏ trống, gây phức tạp cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, do quy hoạch cảng trung chuyển than cho Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương tại xã Nam Du (huyện Kiên Hải) đến nay vẫn còn “treo”, nên nhiều dự án trên đảo cũng phải tạm dừng.
 
Chia sẻ lo lắng với chính quyền địa phương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 triển khai từ năm 2007, nay chuyển từ BOO sang BOT, nên đang vướng nhiều vấn đề pháp lý.
 
“Theo quy hoạch Tổng sơ đồ VII, đến năm 2020, Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm điện lực của cả nước. Tôi hết sức quan ngại, vì nếu Nhiệt điện Kiên Lương triển khai chậm, thì sau năm 2020, tình hình điện cho khu vực tỉnh An Giang, Kiên Giang và nối lưới điện sang Campuchia sẽ rất khó khăn. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ cố gắng giải quyết trong phạm vi thẩm quyền, nếu có vướng mắc sẽ báo cáo Chính phủ”, ông Vũ Huy Hoàng chia sẻ. 
 
Dự án Nhiệt điện Kiên Lương có giá trị đầu tư 6,7 tỷ USD, được các cấp chính quyền phê duyệt giao Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư  theo hình thức BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu) và khởi công từ năm 2007.
 
Theo kế hoạch cam kết được duyệt, năm 2012, sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 1 công suất 600 MW trong tổng công suất 4.400 MW của toàn Dự án. Thế nhưng, đến năm 2010, nhà đầu tư mới san lấp mặt bằng được 88 ha (đủ để xây dựng nhà máy chính) trong tổng diện tích trên 600 ha đất tại huyện Kiên Lương (bao gồm khoảng 200 ha đất lấn biển liền kề). Chi trả bồi thường cho 245/269 hộ dân, tương đương 95,44% diện tích cần thu hồi. Riêng khu nhà ở tái định cư 18 ha chủ đầu tư đã nhận mặt bằng, nhưng chưa triển khai xây dựng. Từ năm 2010 đến nay, Dự án hoàn toàn “đắp chiếu”, vì khó khăn về tài chính và Chính phủ không phê duyệt bảo lãnh vay vốn tín dụng quốc tế. 
 
Theo: Báo Đầu tư