Tin trong nước

Kiên quyết xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện

Thứ sáu, 7/4/2023 | 15:10 GMT+7
Theo số liệu của Công ty Điện lực Thanh Hóa, năm 2022 trên lưới điện của công ty quản lý đã xảy ra hơn 104 vụ sự cố do vi phạm hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ) trên tổng số 720 vụ sự cố lưới điện toàn công ty (chiếm 14,44%), giảm 608 vụ (tương đương 84,44%) so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 là 712 vụ).

Công ty Điện lực Thanh Hóa ra quân giải phóng cây cối ảnh hưởng đến hành lang an toàn lưới điện.

Mặc dù số vụ sự cố do vi phạm HLATLĐ giảm so với năm 2021, song những con số trên đã gây hậu quả nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động của công ty.

Diễn biến phức tạp

Công ty Điện lực Thanh Hóa hiện đang quản lý và vận hành 21 trạm biến áp/38 MBA110kV với tổng công suất đặt là S=1614 MVA và 47 đường dây 110kV, với tổng chiều dài là 755,62 km trải rộng trên khắp các vùng địa hình trong tỉnh, trong đó có các tuyến đường dây của 11 huyện miền núi chủ yếu đi qua vùng đồi, núi với nhiều rừng cây, gây không ít khó khăn cho công tác quản lý vận hành, đặc biệt là việc bảo vệ HLATLĐ.

Riêng năm 2022, trên lưới điện của công ty quản lý đã xảy ra hơn 104 vụ sự cố do vi phạm HLATLĐ. Trong đó, sự cố do cây vi phạm hành lang gây nên là 67 vụ, do người dân thả diều, bóng bay chạm vào đường dây 4 vụ; do xe cẩu, xe ben gây nên 8 vụ; do động vật, vật lạ gây nên 25 vụ. Điển hình nhất là sự cố do dây diều vướng vào cả 2 đường dây tại khoảng cột 149 - 150 đường dây 171 E9.8 Nông Cống - 173 E9.10 Nghi Sơn, gây mất điện trên diện rộng với nhiều khách hàng lớn của công ty, như: Công ty CP Xi măng Công Thanh, Công ty Xi măng Nghi Sơn, Công ty Xi măng Long Sơn và các xã, phường: Phú Lâm, Phú Sơn, Trường Lâm, Tân Trường, Mai Lâm (thị xã Nghi Sơn)...

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Thanh Hóa, nguyên nhân dẫn đến mất an toàn HLATLĐ là do một số địa phương chưa quyết liệt trong việc xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm HLATLĐ dẫn đến người dân vẫn trồng cây, xây dựng nhà cửa, công trình vi phạm HLATLĐ; đào đất gây sạt lở móng cột, san lấp mặt bằng vi phạm khoảng cách pha - đất, gây sự cố lưới điện và nguy cơ gây tai nạn điện. Việc giao đất và cấp phép xây dựng công trình nhà ở tại một số địa phương cho các hộ dân chưa quan tâm đến công trình lưới điện hiện có, nên đã không trừ phần HLATLĐ hoặc không đưa ra điều kiện để hạn chế khả năng sử dụng đất, khoảng không gian giữa dây dẫn và công trình, nhà ở. Một số hộ do thiếu hiểu biết đã liều lĩnh dùng sào hoặc gậy luồng để đẩy chống dây dẫn hoặc lấy ống nước để bọc dây dẫn điện khi xây dựng. Tình trạng san lấp mặt bằng nhà ở, khu dân cư, các dự án hạ tầng đường giao thông tại một số địa phương đã làm thay đổi (giảm) khoảng cách an toàn giữa dây dẫn với mặt đất so với hiện trạng thiết kế ban đầu, dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn theo quy định có chiều hướng gia tăng. Tình trạng người dân tự ý bẫy chim tại trạm điện, cột điện, câu cá gần đường dây điện cao thế vẫn diễn ra... để lại hậu quả và hệ lụy vô cùng nghiêm trọng không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý, vận hành điện mà còn liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân. Sau mỗi sự cố, các đơn vị ngành điện phải mất rất nhiều thời gian, nguồn lực, kinh phí để khắc phục.

Nhiều năm qua, Công ty Điện lực Thanh Hóa và các đơn vị điện lực trong tỉnh cũng như các địa phương đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo đảm HLATLĐ, giảm sự cố do vi phạm HLATLĐ, giảm các vụ tai nạn điện trong dân. Tuy nhiên, thực trạng vi phạm HLATLĐ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, điển hình nhất là việc các tổ chức, cá nhân khi thi công công trình, trồng cây công nghiệp,... đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện nên năm 2022 vẫn xảy ra 3 vụ tai nạn điện trong dân.

Cần sự vào cuộc quyết liệt

Trước thực trạng trên, để bảo đảm vận hành lưới điện an toàn, liên tục, phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân cũng như thực hiện sự chỉ đạo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh Thanh Hóa, năm 2022, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền về an toàn sử dụng điện, an toàn bảo vệ hành lang lưới điện cao áp xuống các thôn, bản, trường học...; treo 27 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ HLATLĐ cao áp tại các địa phương và đăng hàng trăm bản tin, bài viết tuyên truyền về bảo vệ HLATLĐ cao áp trên website nội bộ và trên các trang mạng xã hội: facebook, zalo của EVNNPC, PC Thanh Hóa; phát động 8 đợt ra quân giải phóng cây vi phạm hành lang tại một số huyện, thị xã, thành phố... Kết quả, trong năm đã thực hiện chặt tỉa cây (trong, ngoài) vi phạm HLATLĐ được 89.924/76.200 cây các loại, vượt 118%/tổng số cây theo thống kê (một số đơn vị đã thực hiện chặt tỉa cây đạt vượt từ 150 - 250% kế hoạch, như các đơn vị điện lực: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Quan Hóa...). Xử lý được 15/17 vụ nhà cửa, công trình vi phạm HLATLĐ, đạt 88,24% tổng số vụ vi phạm. Xử lý được 27/43 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất, đạt 62,79% tổng số vụ vi phạm.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên lưới điện do Công ty Điện lực Thanh Hóa quản lý đang còn tồn tại 2 vụ nhà cửa công trình vi phạm HLATLĐ cao áp; 16 vị trí vi phạm khoảng cách pha - đất; 1.909 khoảng cột còn tồn tại cây cối trong và ngoài hành lang, với số lượng khoảng 49.835 cây các loại, đặc biệt là các tuyến đường dây trên địa bàn các huyện: Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống, Thạch Thành, thị xã Nghi Sơn, TP Thanh Hóa...

Để triển khai có hiệu quả công tác quản lý HLATLĐ, góp phần giảm sự cố, đảm bảo an toàn cho con người và cung cấp điện ổn định, bên cạnh sự nỗ lực của ngành điện thì việc nâng cao ý thức chấp hành bảo vệ HLATLĐ của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân nhằm bảo vệ tài sản và tính mạng là rất cần thiết. 

Vì vậy, Công ty Điện lực Thanh Hóa mong muốn sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố vào cuộc quyết liệt trong việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm sự cố lưới điện, giảm thiểu tai nạn điện trong dân. Trong đó, phát động các đợt ra quân giải phóng vi phạm hành lang, đặc biệt là giải phóng cây trồng ở gần đường dây điện có nguy cơ đổ, va quẹt gây sự cố lưới điện. Vận động nhân dân thực hiện xã hội hóa trong việc ngăn chặn, xử lý và giải tỏa các điểm vi phạm HLATLĐ tại các địa phương. Chính quyền các cấp trước khi cấp đất và cấp phép xây dựng công trình cần quan tâm đến HLATLĐ cao áp, đồng thời tạo điều kiện phê duyệt mặt bằng cấp đất cho các tuyến đường dây trung và hạ áp hiện chưa có hoặc chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý công trình điện do lịch sử để lại. 

Đề nghị UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu trước khi thi công các dự án đường giao thông, san lấp mặt bằng các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, công trình ngầm tại những nơi có các trạm biến áp, đường dây điện giao chéo đi phía trên và ngầm ở dưới phải có phương án cải tạo hoặc di dời trạm biến áp, đường dây điện ra khỏi mặt bằng đảm bảo HLATLĐ mới thi công dự án. Có cơ chế quy định rõ ràng trong việc được trồng các cây trong hành lang lưới điện và các cây ngoài hành lang gần đường dây điện, để người dân không được trồng cây lấy gỗ, cây phát triển nhanh trong và ngoài hành lang lưới điện, vi phạm HLATLĐ gây sự cố lưới điện; Tăng cường các hình thức xử lý vi phạm và xử phạt hành chính đối với các trường hợp cố tình vi phạm HLATLĐ...

Link gốc

 

Theo: Báo Thanh Hóa