Tư vấn sử dụng điện

Kiểu dùng bình nóng lạnh khiến bạn méo mặt với hóa đơn điện

Thứ tư, 1/7/2020 | 15:39 GMT+7
Những thói quen khi sử dụng bình nóng lạnh khiến hóa đơn tiền điện tăng vùn vụt.
 
Chọn dung tích bình nóng lạnh không phù hợp
 
Khi chọn mua bình nóng lạnh thì việc lựa chọn dung tích của bình như thế nào cho phù hợp với nhu cầu là điều rất quan trọng, vì điều đó ảnh hưởng đến công suất sử dụng và khả năng tiêu hao điện năng. Nếu chọn bình nóng lạnh có dung tích càng lớn thì càng tiêu hao nhiều điện năng tiêu thụ, ví dụ như gia đình có 4 người và 2 phòng tắm thì nên lắp loại bình 20 lít là vừa đủ.
 
Vừa tắm vừa bật bình nóng lạnh
 
Vừa tắm vừa bật bình nóng lạnh là sai lầm tai hại vừa gây nguy hiểm vừa tốn điện mà nhiều người vẫn đang mắc phải. Mặc dù nhà sản xuất luôn quảng cáo thiết bị của họ có khả năng chống rò điện, an toàn khi sử dụng nhưng chúng ta vẫn nên đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra. Sau một thời gian dùng, các bộ phận, chi tiết của bình bị hao mòn, không còn hoạt động hiệu quả như ban đầu. Điện có thể rò vào nước bất cứ lúc nào, nguy hiểm cho người dùng.
 
Trước khi tắm, tốt nhất bạn nên ngắt điện hẳn rồi mới sử dụng.
 
Bật bình nóng lạnh 24/24
 
Nếu bạn thường xuyên để bình bật 24/24 không chỉ bình sẽ bị quá tải gây tốn điện mà là nguy cơ gây nguy hiểm cho người sử dụng nhất. Cách an toàn lại tiết kiệm điện nhất là bật bình cho sôi một lần rồi ngắt điện hẵng sử dụng. Nên để bình hoạt động trước 10 phút sau đó tắt đi để sử dụng, nếu có những người tắm tiếp đó cũng làm theo quá trình này.
 
Cần chú ý sử dụng bình nóng lạnh đúng cách để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện.

Không bảo dưỡng bình nước nóng theo kỳ hạn
 
Thông thường, mỗi bình nước nóng cần bảo dưỡng ít nhất mỗi năm một lần (một số nhà sản xuất khuyến cáo 3 tháng một lần), đặc biệt là trước mùa lạnh do có nhu cầu sử dụng nhiều. Sau một thời gian sử dụng, thanh đun bị hao mòn, có thể bị mất lớp chống dẫn điện và bị đóng cặn canxi. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro về rò rỉ điện, cháy nổ hoặc đơn giản là hiệu quả làm nóng kém đi, tiêu hao nhiều điện năng hơn.
 
Hiện nay việc vệ sinh thanh đun có chi phí chỉ khoảng dưới 500.000 đồng, thậm chí thay hoàn toàn thanh đun này cũng chỉ khoảng dưới một triệu đồng. Việc vệ sinh và kiểm tra bộ phận chống giật ELCB cũng cần được làm thường xuyên để đảm bảo an toàn.
 
Dùng nước nóng trong việc vệ sinh cọ rửa, giặt giũ
 
Hiện nay nhiều gia đình sử dụng nước nóng cho các công việc vệ sinh như thế rất lãng phí điện năng, nếu bạn không chịu được nước lạnh các phương pháp khác như dùng găng tay cao su sẽ rất hữu hiệu.
Theo: Vietnamnet