Điện đã về tận làng, tạo nên sức sống mới cho bà con làng Ktu Dơng.
Những ngôi nhà xây nhỏ nhắn, những nếp nhà sàn nằm xen giữa màu xanh mát của vườn hồ tiêu, cà phê, bời lời, chanh dây, ruộng lúa… trải dọc theo triền đồi. Sau gần 10 năm định canh định cư tại đây, người dân trong làng đã bắt nhịp được với cuộc sống mới, từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.
Năm 2011, làng Ktu Dơng (thuộc xã Hà Ra, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) là ngôi làng định canh, định cư tập trung của 57 hộ dân tộc Bahnar chuyển đến từ làng Kon Cha Rã. Để tạo sức bật cho phát triển kinh tế, không cách nào khác là phải hoàn thiện kết cấu hạ tầng điện - đường - trường - trạm. Trong đó, đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện phục vụ sản xuất và đời sống người dân là một trong những ưu tiên hàng đầu của PC Gia Lai nói chung và Điện lực Mang Yang nói riêng. Theo đó, TBA Ktu Dơng được đầu tư có công suất 25kVA, tổng chiều dài đường dây trung thế là hơn 1km, tổng chiều dài đường dây hạ thế là 1km. Ban đầu TBA cấp điện cho 50 khách hàng, sản lượng điện thương phẩm trung bình là 1000kWh/tháng. Đến tháng 5 năm 2020, TBA cấp điện cho 94 khách hàng, sản lượng điện thương phẩm trung bình là 3.000kWh/tháng.
Ktu Dơng hôm nay có nhiều nhà mái ngói đỏ tươi, đường vào làng được đổ bê tông phẳng lì, xe cộ vào ra tấp nập, nhộn nhịp, các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh như: Hệ thống lưới điện hạ áp, đường dây điện thoại, trường học, trạm y tế, nhà rông văn hóa và đặc biệt là trạm thu phát truyền hình...
Theo ông Hồ Đức Huấn - Giám đốc Điện lực Mang Yang: “Để hoàn thành công trình cho kịp tiến độ ổn định khu kinh tế mới là sự nỗ lực hết mình của CBCNV Điện lực Mang Yang nói riêng và PC Gia Lai nói chung. Quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn nhưng những người làm điện luôn làm hết sức mình với tâm niệm, phải đưa ánh sáng điện tới vùng đất trên”. Bà con nơi đây đón chào ánh sáng điện trong nỗi vui mừng khôn xiết. Cuộc sống của người dân Ktu Dơng cũng chuyển mình từ đó. Việc giao lưu buôn bán với các làng khác, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã bắt đầu trở thành thói quen thường nhật của người dân nơi đây. Đường sá đi lại thuận lợi, kinh tế dần phát triển, cuộc sống của bà con bắt đầu thay da đổi thịt. Người dân được chăm sóc sức khỏe, trẻ em được cắp sách đến trường.
Ông Đinh Dư, một người dân ở làng Ktu Dơng xúc động chia sẻ: “Trước đây cái đói luôn thường trực trong gia đình tôi. Mỗi năm, có đến vài ba tháng chúng tôi phải tiết kiệm từng bữa ăn, nay no mai đói. Nhưng từ khi có điện, mua được tivi, tủ lạnh, được tiếp xúc với thông tin, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất lúa nước, làm nương rẫy, trồng cây cà phê, chăn nuôi, nên không còn lo đói cái bụng nữa. Tôi cũng cho 2 con học chữ, biết làm kinh tế, bớt vất vả rất nhiều so với những năm trước đây”.
Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Mang Yang, cho biết: “Từ 57 hộ dân ban đầu, hiện tại làng Ktu Dơng đã có 92 hộ với hơn 400 nhân khẩu. Làng hiện có 40 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. So với ngày đầu chuyển đến thì bây giờ đời sống của bà con trong làng đã có nhiều khởi sắc. Bà con đã dần quen với nơi ở mới, tích cực đầu tư sản xuất, từng bước xóa đói giảm nghèo. Có được điều này, ngoài sự quan tâm của Đảng và Nhà nước còn có sự nỗ lực đóng góp không nhỏ của ngành điện trong việc đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định để phát triển kinh tế của làng”.
Nhờ có nguồn điện lưới quốc gia chính là nền tảng để người dân ổn định cuộc sống, chủ động tìm hướng phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.