Gói thầu 1XL-HB “Thi công xây lắp công trình thủy điện Hòa Bình mở rộng” là gói thầu lớn nhất của toàn bộ dự án với giá trị gói thầu lên đến hơn 3.100 tỷ đồng, có tính chất phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, phạm vi khối lượng thi công rất rộng. Thành phần phạm vi công việc bao gồm từ xây dựng công trình thủy điện, xây dựng 2 đường hầm dẫn nước và lắp đặt toàn bộ thiết bị nhà máy và đường ống áp lực bằng thép trong hầm. Gói thầu này có giao diện ảnh hưởng với toàn bộ gói thầu khác quyết định đến tiến độ hoàn thành chung dự án.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu, EVN đã chỉ đạo Ban QLDA Điện 1 thực hiện bằng phương thức lựa chọn nhà thầu rộng rãi trong nước qua mạng. Đây là gói thầu xây lắp lớn nhất từ trước đến nay thực hiện theo hình thức này. Căn cứ kết quả lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt, Liên danh Tổng công ty xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần xây dựng 47 – Công ty cổ phần Lilama 10 là tổ hợp nhà thầu có nhiều năng lực và kinh nghiệm trong công tác thi công nhà máy thủy điện lớn của nước ta, như các công trình thủy điện: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, …
Phát biểu tại Lễ ký hợp đồng thi công xây lắp cho dự án, Chủ tịch HĐTV EVN Dương Quang Thành đã yêu cầu Liên danh nhà thầu tập trung nguồn lực, nhân lực, thiết bị hoàn thành gói thầu đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng và đảm bảo các yêu cầu về môi trường, xã hội trong quá trình triển khai xây dựng theo đúng quy định của Hợp đồng.
Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và giao Ban QLDA Điện 1 làm đại diện Chủ đầu tư. Dự án có tổng công suất đặt 480MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân hàng năm khoảng 488,3 triệu kWh/năm.
Dự án sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành sẽ mang lại các hiệu quả: (i) Tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện quốc gia, tạo điều kiện khai thác tối đa nguồn nước xả thừa hàng năm vào mùa lũ của nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu để phát điện; (ii) Nâng cao khả năng điều tần, ổn định tần số của hệ thống điện quốc gia; góp phần giảm chi phí của hệ thống; (iii) Giảm cường độ làm việc của các tổ máy hiện hữu, qua đó kéo dài tuổi thọ của thiết bị, tiết kiệm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa.
Bùi Hải