Tin mới nhất

Kỷ niệm ngày truyền thống 21/12, CNVC-LĐ ngành Điện: Làm theo lời Bác dạy

Thứ năm, 6/12/2007 | 11:07 GMT+7

Tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu...

Phát triển sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu là nét nổi bật trong tư duy kinh tế Hồ Chí Minh. Bên cạnh việc động viên khuyến khích thi đua sản xuất, để kháng chiến và kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh tiết kiệm, chống lãng phí... hơn thế nữa, Người coi “Cần với Kiệm phải đi đôi với nhau như hai chân của một con người”. Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mỗi công dân đối với Tổ quốc. Người nhiều lần nhấn mạnh: “Sản xuất mà không tiết kiệm thì khác nào gió vào nhà trống”; “Tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tăng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc”(1)... 2 tháng sau ngày tiếp quản Thủ đô, giữa lúc còn bộn bề công việc đấu tranh và xây dựng, không phải mọi người đã có ý thức đầy đủ về vấn đề tiết kiệm điện. Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên nhắc nhở việc nâng cao ý thức tiết kiệm điện cho nhân dân và cả ở các cơ quan. Trong bài nói chuyện ngắn gọn với cán bộ công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương anh chị em công nhân nhà máy đã ra sức đấu tranh bảo vệ được nhà máy trước khi quân Pháp rút đi. Người động viên công nhân phải đoàn kết và thi đua lẫn nhau. Thi đua nhằm: Tăng năng suất lao động; Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện.

Nhìn một cách toàn diện, lãng phí còn đáng sợ hơn tham nhũng

Tham nhũng chỉ tập trung ở những con người cụ thể, trên một số lĩnh vực cụ thể trong bộ máy công quyền. Tham nhũng gây ra những tác hại cụ thể hơn và dễ nhận diện hơn, có thể tập trung mũi nhọn đấu tranh một cách quyết liệt còn lãng phí có thể có mặt khắp mọi nơi: ở công sở, trên công trường, trong từng gia đình. Lãng phí “mờ ảo” khó nhận diện hơn, dễ lan tràn ở diện rộng hơn. Lãng phí làm “hao mòn” xã hội không chỉ về vật chất, tiền bạc mà cả thời gian, công sức, tâm trí... Nhưng hình như lâu nay người ta chưa đấu tranh quyết liệt với những biểu hiện lãng phí như đã và đang làm với những vụ tham nhũng đã được phát hiện. Hồ Chí Minh nhận xét: “Tham ô là trộm cướp”, và “lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho dân và cho Chính phủ, có khi còn tai hại hơn nạn tham ô” (2). Người đã chỉ rõ căn nguyên của “nạn lãng phí và tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo của các cơ quan nhà nước gây ra” (3). Quan liêu - quan chủ là tiến tới chuyên quyền độc đoán trong tư duy và hành động, đối lập với dân chủ, kìm hãm sáng tạo và phát triển, làm mất lòng tin của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những kiểm tra chống lãng phí tham ô mà còn phải chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh (4), và “Muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu” (5). Từ rất sớm, Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ rằng tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc trong lòng”, “giặc nội xâm”... Người đã xác định chống tham ô, quan liêu, lãng phí “là mặt trận đấu tranh tư tưởng và chính trị”; đây là công việc khó khăn nhưng “là việc rất cần thiết và phải làm thường xuyên”... Đó là công việc của mỗi cá nhân, mỗi cán bộ khi giải quyết những công việc trên cương vị công tác cụ thể của mình, nhưng đồng thời, trên bình diện xã hội, “phong trào chống tham ô, quan liêu, lãng phí ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công”(6). Quan liêu, lãng phí xảy ra không chỉ vì cơ sở vật chất chưa hoàn thiện, không chỉ vì cơ chế quản lý chưa đồng bộ mà còn do trình độ dân trí, do ý thức làm chủ của mỗi người. Khi mỗi người biết làm chủ mọi công việc của mình và biết cách thực hiện những công việc đó với hiệu quả cao nhất sẽ ít gây lãng phí nhất. Vì vậy chống lãng phí trước hết phải bắt đầu từ việc nâng cao ý thức tiết kiệm và hoàn thiện về mặt tri thức để mỗi cá nhân cũng như cả tổ chức có thể thực hành tiết kiệm một cách hiệu quả. Năm 1958, khi nói chuyện với công nhân Nhà máy điện Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ: “Muốn tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm thì phải quản lý tốt. Muốn quản lý tốt thì cán bộ và công nhân phải thông suốt tư tưởng, có thái độ làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp. Muốn quản lý tốt, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải làm đến nơi đến chốn, làm tốt, vượt mọi khó khăn.” (7)

... Những lời Bác dặn vẫn chưa xa công cuộc xây dựng đất nước của chúng ta hôm nay. Chúng ta vươn tới hạnh phúc bằng cả “hai tay”: phát triển sản xuất và thực hành tiết kiệm. Những điều đó cũng không tách rời công việc hàng ngày của cán bộ công nhân ngành Điện...

(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, Tập 11, tr 257

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr. 488.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 81.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 81.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 574.

(6) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, Tập 6, tr 495

(7) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Sđd, Tập 9, tr 261.

Theo: Theo Bản tin CĐ-EVN T12/07