Sự kiện

Kỷ niệm sâu sắc trong những ngày tiếp quản Công ty Điện khí Đông Dương

Thứ năm, 3/10/2024 | 14:14 GMT+7
Tiếp quản nhà máy xí nghiệp, bảo đảm sản xuất an toàn, để ổn định mọi mặt hoạt động của thành phố là công tác được Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong đó giữ ánh sáng của Thủ đô đón đại quân về trong ngày giải phóng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Trịnh Trọng Thực- Nguyên cán bộ Cục Điện lực (1955-1960), Tổng cục Điện lực (1961-1963), Bộ Công nghiệp nặng (1963-1970). Nguồn: Sách “Thiên sử vàng của quân dân Thủ đô anh dũng”, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, NXB Hà Nội-2014

Ông Trịnh Trọng Thực, nguyên đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Ủy viên Hội Ái hữu Việt Nam ở Paris 1947-1950. Năm 1950, ông về nước học trường cải cách ruộng đất và trường tiếp quản Trung ương. Những ngày lịch sử ông ở trong đoàn cán bộ của Hội nghị Phù Lỗ, trở về thành phố thân yêu, nơi ông đã từng học Trường Bưởi và làm việc tại Sở Mỏ địa chất. Ký ức của ông trong những ngày tiếp quản được thể hiện chân thực và sinh động.

Ngày đầu mới vào tôi gặp Giám đốc S.I.E. là Drouin, kỹ sư tiến sĩ, Huân chương Bắc đẩu Bội tinh theo như danh thiếp ông ta đưa cho tôi.

Ông ta nói: “Chúng tôi để lại nguyên si các hồ sơ kỹ thuật và cả hai tủ đầy tạp chí điện RGE, cái mà tôi biết là ông đã đọc quen vì thấy có bài đăng nghiên cứu của ông từ mấy năm trước đây (tôi chột dạ, sao hắn lại biết mình trước khi mình về nước?)(1). Tôi rất quý bộ tạp chí này nên đã giữ nó từ năm 1923, như ông thấy đấy, ít người khai thác nên chúng còn như mới, vả lại hằng năm tôi cho đóng gáy vải, in chữ vàng cho từng tập 6 tháng một và lưu trong hai tủ kính riêng. Mai tôi về nước, chúc ông ở lại mạnh khỏe và thành công".

Công nhân nhà máy điện đấu tranh giữ máy móc. Ảnh tư liệu EVN Hà Nội.

Quả nhiên, những ngày sau đó, tôi tìm hiểu các tủ hồ sơ kỹ thuật trong văn phòng, trong phòng thiết kế còn nguyên các công văn thư từ trao đổi giữa S.I.E Hà Nội và S.I.E Paris về việc mua sắm các máy móc thiết bị và phụ tùng cần thiết cho cả Bờ Hồ và Yên Phụ, cả những chỉ dẫn thuyết minh của các nhà chế tạo, các tính toán hướng dẫn, điều chỉnh cho những trường hợp mắc mứu. Tôi còn thấy cả những đề án xây dựng đường dây 66kV Hà Nội-Quảng Ninh và điện khí hóa đường xe lửa Vân Nam-Hải Phòng và nhà máy thủy điện 50mW ở hồ Ba Bể.

Cụ Xuân, nhân viên cao tuổi nhất phòng thiết kế đã trình bày cho tôi xem các bản vẽ mọi thứ, nào là thiết kế các cột điện, mẫu đang hiện hành, loại cột có mắt hình chữ nhật dùng cho các cột điện hạ thế, loại cột mắt chéo cho điện cao thế, các loại móng cho các loại cột thẳng, cột góc, cột hãm, cột sắt... và bản đồ các đường dây nổi chìm dọc theo các phố, tất cả để được cắt ra thành từng mảnh hình chữ nhật 10x20cm dán lên vải thưa để gập lại như một cuốn sách mà không bị nhàu nát và bỏ vào trong các hộp giấy để lưu trữ.

Rồi các đồ thị tính toán, các công thức dùng trong các thiết kế thi công từ các đường dây cao, hạ thế, đến các trạm to nhỏ từ 6,6kV-30kV xây hay treo trên cột.

Cụ tỏ ra là một người biết sử dụng các tài liệu đã được cấp sau khi được huấn luyện tại chỗ, chứ không qua trường lớp đào tạo nào.

Nhà máy đèn Bờ Hồ trên đường F.Garnier bên cạnh hồ Hoàn Kiếm (nay là phố Đinh Tiên Hoàng). Ảnh tư liệu EVN

Tôi xuống phòng thí nghiệm và công-tơ, ở đây có một kỹ sư trẻ A.M Pháp làm chủ nhiệm và anh Hà kỹ sư hàm thụ của trường Toàn năng Paris làm trợ lý. Trang bị tuy sơ sài nhưng cũng đủ dùng: Băng thử nghiệm hiệu chỉnh các đồng hồ đo đếm 1 pha, 3 pha các cỡ, một số cầu đo dùng để tìm chỗ hỏng của cáp ngầm. Khi cần thí nghiệm cao áp thì họ đem nối các TU 30kV lại với nhau trên các ghế có chân sứ cách điện: thủ công tạm bợ thôi.

Tôi sang kho do ông Quang phụ trách, thấy kho tàng được xếp ngăn nắp sạch sẽ đủ các loại hàng từ các loại sứ cao hạ thế, các đồng hồ đo mới, các cầu dao hạ thế, bình ắc quy, thùng dầu cách điện... sắt thép xây dựng, thép hình để làm cột điện, trạm điện thì xếp trên các giá sắt, trong nhà cũng có, ngoài hiên cũng có.

Cột ống khói phía xa là Nhà máy Đèn Bờ Hồ. Ảnh tư liệu

Qua cổng sau sang bên kia đường là xưởng sửa chữa các động cơ máy phát, máy biến thế đủ các cỡ, các cấp điện thế đang lưu hành trong S.I.E. Nhiều nhất là đại tu các máy biến thế, có máy lọc dầu, tái tạo dầu. Xưởng có một pa-năng điện chạy trên trần, điều khiển ở dưới đất để nâng các vật nặng, còn loại vừa thì có các pa-năng xích dựng tại chỗ, ngoài ra còn có nơi gò hàn, tiện, phay đủ để phục vụ nội bộ.

Nhà máy Đèn Bờ Hồ rực rỡ ánh đèn trong Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh tư liệu vanhoavaphattrien.vn

Ở giữa sân và quay mặt ra hồ Hoàn Kiếm là nhà chia điện và trạm phát điện một chiều 600V cấp cho xe điện. Gọi là nhà chia điện vì từ Yên Phụ về đây chỉ có một số tuyến cáp ngầm sau khi chạy qua một số trạm dọc tuyến đưa điện về trạm này, để chia cho nhiều tuyến cáp ngầm, cấp cho các trạm điện rải rác trên các phố còn lại của thành phố. Hà Nội lúc bấy giờ có hơn 70 trạm rải trên các phố. Từ mỗi trạm này mới tỏa ra một mạng lưới điện hạ thế 110V/220V vươn ra trong bán kính khoảng 500-1.000m, cấp điện cho đèn công cộng và nhà dân, cửa hàng. Các khách hàng lớn thường thì có hẳn một trạm riêng 6,6kV/0,2kV cỡ 50 tới 1.000kVA.

Đường phố Hà Nội trước Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh tư liệu

Trạm phát điện một chiều 600V cấp cho xe điện nằm ngay trong nhà chia điện. Có hai bộ chuyển điện gồm mỗi bộ một động cơ 300kW kéo một máy phát điện một chiều 600V-300kW. Hai bộ máy luân phiên nhau chạy, đủ cho các tuyến xe điện chạy hằng ngày từ 5 giờ đến 21 giờ.

Ngoài ra đường dây liên tỉnh do ông Quế phụ trách có nhiệm vụ xây dựng và quản lý các đường dây và các trạm đi các tỉnh.

S.I.E có độc quyền bán điện trong phạm vi châu thổ sông Hồng từ năm 1933, nên mới có việc mở rộng thêm Nhà máy Điện Yên Phụ và xây 4 tuyến đường dây 30-33kV xuất phát từ Yên Phụ đi các tỉnh: Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên và Nam Định. Đường Hải Phòng có nhánh ở Hải Dương rẽ đi Mạo Khê-Đông Triều, đường Nam Định có nhánh đi Phủ Lý. Trừ tuyến Hà Nội-Hải Phòng, tất cả các tuyến khác đều bị chiến tranh phá hỏng, chỉ còn trơ những cột bê-tông trên ruộng.

Toàn cảnh (phía sau) Nhà máy điện Yên Phụ năm 1954. Ảnh tư liệu: EVN

Phòng đường dây Hà Nội quản lý và xây dựng các đường dây và trạm trong nội thành, cả chìm, cả nổi, lại quản lý đèn đường nữa.

Trong những tháng đầu thời kỳ mới tiếp quản nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu chứ không phải giải quyết công việc thường ngày, nên cũng dễ bị giao làm công việc bên ngoài nhà máy có tầm quan trọng đặc biệt: Bảo đảm điện ở Nhà khách Chính phủ, Quảng trường Ba Đình.

Cũng trong những ngày này, tôi còn tham gia tiếp quản tất cả các nhà máy Nước Yên Phụ, Đồn Thủy, Bạch Mai, Ngô Sĩ Liên trong nội thành với đồng chí Tĩnh, sau làm Ủy viên Ủy ban Kế hoạch nhà nước.

Công ty Xe điện có trụ sở và xưởng sửa chữa ở phố Thụy Khuê. Tôi cùng viên Phó giám đốc Tây lai đi kiểm tra, đi khắp các tuyến xe điện Bờ Hồ đi Bưởi, Vọng, chợ Mơ, Yên Phụ qua Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, dọc đê Yên Phụ tới gần ngã tư xuống đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên).

Lại còn nhiệm vụ ngoại giao hằng ngày sau giờ làm việc với các chuyên gia Pháp ở lại Nhà máy Đèn Bờ Hồ, vì Bác Hồ chỉ thị phải đối xử tốt với họ, để họ tận tình với ta. Những ngày đầu vì chưa nắm được bản chất tốt đẹp của chế độ ta nên họ tỏ ra sốt ruột, mong sớm đến thời hạn để về nước. Nhưng về sau, khi ta đề cập đến việc hết hạn của họ, thì họ lại có ý muốn xin ở lại làm thuê cho ta vì sợ về nước sẽ thất nghiệp!

Vì vậy, nếu trước đây công tác tư tưởng của tôi với họ là giữ sao cho họ an tâm ở lại, lúc bấy giờ do hết hạn quy định lại phải làm công tác tư tưởng ngược lại, nhưng cái chính họ cũng cảm thấy họ là người thừa, vì mọi công việc cán bộ ta đã làm thay họ từ lâu rồi! Bởi vậy, cuối cùng cuộc ra đi của họ cũng diễn ra trong bầu không khí vui vẻ.

Ngoài ra hai lần tôi gặp Thủ tướng để trình bày thêm về dây truyền sản xuất ở nhà máy nhiệt điện, sau khi đã đưa cuốn giáo trình bằng tiếng Pháp cho đồng chí đọc...

Nguồn: Hồi ký của đồng chí Trịnh Trọng Thực, tr.32-35. Bản lưu tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Link gốc

 

Theo: Nhân dân