Với giới hạn căn bản về khí thải và phương pháp giám sát được phê chuẩn theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFPCCC), CDM sẽ tạo điều kiện thuận lợi để dự án của các nước nghèo giành được các nguồn tín dụng có thể đem trao đổi khi các dự án này giảm khí thải và thúc đẩy phát triển bền vững.
Mỗi nguồn tín dụng giảm khí thải (CER) này được cấp tương đương với giảm 1 tấn dioxit cácbon.
Các CER có thể được trao đổi hay bán, và được sử dụng ở các nước phát triển để đáp ứng một phần các chỉ tiêu giảm khí thải của các nước này theo Nghị định thư Kyoto.
Chương trình CDM mới cũng nhằm hỗ trợ điện khí hóa nông thôn các nước đang phát triển bằng các nguồn năng lượng sạch. Chương trình này sử dụng động lực thị trường để thúc đẩy thực hiện 2 thách thức bức xúc nhất thế giới đương đại là giảm khí thải và phát triển bền vững.
Mỗi dự án trong khuôn khổ Chương trình này phải sử dụng phương pháp mới được CDM phê chuẩn để xác định lượng khí thải hiện hành và trước dự án, cũng như để giám sát lượng khí thải một khi dự án đi vào hoạt động.
Phương pháp đánh giá mới có thể được sử dụng để áp dụng các công nghệ phát điện mới bằng năng lượng tái sinh như điện Mặt Trời cho các cộng đồng dân cư chưa tiếp cận được điện lưới quốc gia.
Công ty cung cấp năng lượng Mặt Trời, ToughStuff, cam kết cung cấp nguồn điện này chi phí thấp với các tấm pin điện và ắcquy lâu bền cho 33 triệu người nghèo ở 10 nước châu Phi và 5 nước châu Á trong chương trình xóa đói nghèo của Liên hợp quốc.
Theo số liệu của công ty ToughStuff, với chương trình điện Mặt Trời của công ty, người tiêu dùng điện ở 15 nước châu Á và châu Phi sẽ tiết kiệm được 520 triệu USD nhờ chuyển từ sử dụng đèn dầu hỏa hoặc khí ga sinh học sang sử dụng năng lượng Mặt Trời và nhờ đó giảm được 1,2 triệu tấn khí thải cácbon vào năm 2016./.
Thông tấn xã Việt Nam