Lâm Đồng: Lan tỏa mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời

Thứ tư, 31/7/2019 | 08:50 GMT+7
Huyện Ðức Trọng có nhiều vùng sâu, vùng xa, dân cư sống thưa thớt, việc kéo điện lưới đến từng hộ gặp khó khăn. 
lan toa mo hinh ung dung nang luong mat troi
Lắp đặt pin năng lượng mặt trời dùng để chiếu sáng tại huyện Đức Trọng
 
Công ty Điện lực Lâm Đồng (PC Lâm Đồng) đã cùng địa phương lắp điện mặt trời chiếu sáng, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.

Theo Trưởng thôn Ya Thang (thôn Masara, huyện Đức Trọng), trong thôn, gần như 100% đồng bào người Chu ru sinh sống. Điện lưới nhà nước đã kéo tới trung tâm thôn nhưng chỉ các hộ dân sống ở cụm bên ngoài, gần đường mới có điện, còn người dân ở sâu hơn hoặc trên đồi, thưa thớt nhà cửa, điện lưới chưa vào đến nơi. Do vậy, các hộ dân vẫn phải thắp sáng bằng đèn dầu, nhà khá hơn thì dùng ắc quy.

Vậy nên, khi có điện mặt trời, dù chưa nấu cơm, dùng tivi được, nhưng bà con cũng rất mừng. Trưởng thôn hồ hởi, khi ông mặt trời đi ngủ dưới đèo Tà Năng, bà con bật điện sáng để cả nhà sinh hoạt, trẻ con có điện học bài. Người dân không phải trả đồng tiền điện nào, tiết kiệm cả tiền dầu, tiền công đi sạc ắc quy. Nhiều nhà khá hơn thì mua thêm tấm pin năng lượng về lắp để thêm công suất, mở tivi, radio.
 
Đại diện UBND huyện Đức Trọng cho biết, điện lưới đã kéo tới hầu hết các địa phương trong huyện. Tuy nhiên, cuối năm 2017, còn nhiều hộ chưa có điện lưới, tập trung chủ yếu ở thôn Tân Phú (xã Ninh Gia) 42 hộ; thôn Masara (xã Tà Năng) 32 hộ; thôn Blá (xã Tà Năng) 6 hộ. Các hộ này sống rải rác trên một khu vực rộng, địa hình xa khu vực hạ thế, chưa đủ điều kiện để đầu tư kéo điện đến nơi. Bà con thắp sáng chủ yếu bằng thủy điện nhỏ, máy phát điện nhỏ hay dùng ắc quy, thậm chí đèn dầu để thắp sáng cho sinh hoạt hàng đêm. Vì vậy, việc triển khai Dự án "Xây dựng mô hình ứng dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng sinh hoạt cho các hộ gia đình vùng sâu, vùng xa chưa có lưới điện" nhằm đưa ánh sáng về vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống cho người dân có ý nghĩa quan trọng.
 
Thực hiện dự án, huyện Đức Trọng áp dụng công nghệ điện thắp sáng sinh hoạt bằng năng lượng mặt trời cho một số hộ vùng sâu, vùng xa, với những ưu điểm như nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt, kinh phí đầu tư thấp, phù hợp với hộ gia đình. Dự án hỗ trợ cho 30 hộ dân, mỗi hộ 1 mô hình chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, gồm 2 bóng đèn Led bulb 12V/3W, công suất tiết kiệm chỉ 3W nhưng chiếu sáng khá ổn định. 23 hộ của thôn Masara (xã Tà Năng) và 7 hộ của thôn Tân Phú (xã Ninh Gia) được tham gia dự án. Đây là những hộ gia đình có hộ khẩu thường trú nhưng có điều kiện gia đình khó khăn, không sử dụng điện lưới hay các thiết bị tạo ra điện như pin năng lượng mặt trời hay máy phát điện.
 
Đặc biệt, chi phí đầu tư cho một hệ thống năng lượng mặt trời chiếu sáng khá rẻ, chỉ khoảng 2.000.000 đồng, bao gồm pin năng lượng, đèn LED và bình ắc quy. Trong đó, chỉ có bình ắc quy có tuổi khoảng 2 năm phải thay mới, còn tấm pin năng lượng và đèn LED tuổi thọ cao, về lâu dài rất tiết kiệm chi phí cho bà con. Tuy nhiên, do công suất thấp, hệ thống chiếu sáng năng lượng mặt trời không sử dụng được các thiết bị công suất cao. Nhưng với điều kiện xa xôi, điện lưới chưa tới các hộ vùng sâu, vùng xa của huyện Đức Trọng, ánh sáng điện hàng đêm đã cải thiện rất nhiều chất lượng sống của các hộ gia đình. Đại diện của PC Lâm Đồng cho biết, mô hình bước đầu không những hỗ trợ việc học tập, sinh hoạt ban đêm của con em, hộ dân mà còn góp phần nâng số hộ được sử dụng điện trên địa bàn.
 
Với ưu điểm lắp đặt đơn giản, gọn nhẹ, chi phí thấp, nên việc áp dụng chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời, nhất là với những hộ xa xôi, khó khăn về điện lưới, sẽ được ngành điện và địa phương nhân rộng.
Theo: Báo Công Thương