Tư vấn sử dụng điện

Làm gì khi nhận hóa đơn tiền điện tăng cao?

Thứ tư, 22/4/2020 | 16:19 GMT+7
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa nắng nóng, những bức xúc vì hóa đơn tiền điện tăng cao lại rộ lên. Vấn đề là ta đã thực sự quan tâm tiết kiệm điện đúng cách chưa? Và khi có thắc mắc thì nên làm gì?
 
 
Hóa đơn tiền điện của một hộ gia đình vào mùa nắng nóng tại TP.HCM.
 
Chúng ta đã tiết kiệm điện thật chưa?
 
Theo dõi khá nhiều các phản ánh trên báo và mạng xã hội, tôi thấy phổ biến là ai cũng cho rằng mình đã có ý thức tiết kiệm điện, đã thực hành tiết kiệm, đã chủ động dùng ít hơn…
 
Nhưng dù có ý thức tiết kiệm, thì từ ý thức đến hành vi luôn là một khoảng cách. Và chỉ một người trong gia đình có ý thức không đủ. Phải biến thành hành vi, thành thói quen của tất cả các thành viên trong gia đình.
 
Ví dụ dù luôn nhắc nhau không nên cài máy lạnh ở nhiệt độ thấp nhất nhưng nhiều thành viên trong gia đình lại chỉ thích lạnh nhanh, nên mỗi lần mở máy lạnh là bấm đặt chế độ làm lạnh nhanh. Khi đó, máy sẽ chạy với công suất cao nhất, nhiệt độ đặt là 18 độ C liên tục trong 30 phút. Sau đó, máy sẽ chuyển qua chế độ tự động "dừng - chạy" để duy trì nhiệt độ 18 độ C. Nếu quên không cài lại nhiệt độ, máy sẽ làm lạnh ở 18 độ C cả buổi. Thế là tốn điện mặc dù đều biết về tiết kiệm điện.
 
Tập thói quen tắt các thiết bị điện không sử dụng khi ra khỏi phòng - Ảnh: NGUYỆT NHI
 
Nếu mở tủ lạnh nhiều lần; ủi đồ trong phòng máy lạnh hay không ủi nhiều đồ một lần; không chuẩn bị sẵn đồ để nấu ăn liên tục một lần… là những việc không tiết kiệm điện nhưng không phải ai cũng thực hiện. Để làm những việc này đúng là rất khó nhưng cần tạo thành thói quen.
 
Thường xuyên tự theo dõi tình hình sử dụng điện của gia đình
 
Điện cũng là một loại hàng hóa, công cụ đo lường là cái đồng hồ điện. Pháp luật đã có quy định cụ thể, đầy đủ về quản lý "cái cân" này để đảm bảo công bằng giữa bên bán và bên mua.
 
Nhưng khác với cái cân ngoài chợ hoàn toàn nằm trong tay người bán thì đồng hồ điện tuy thuộc về bên bán, nhưng lại được đặt trong tầm thấy được, quản lý toàn thời gian của bên mua. Nếu luôn có ý thức kiểm tra, giám sát thì không bên nào dễ dàng tác động được.
 
Vài ba tháng bạn nên ghé mắt qua cái đồng hồ điện, để đối chiếu chỉ số đồng hồ với thông báo của ngành điện. Kiểm tra ngay trong ngày điện lực ghi điện là tốt nhất, vì điện lực thường phát hành hóa đơn sau 1-2 ngày ghi hóa đơn, nên nếu phát hiện sai sót thì báo ngay để điện lực điều chỉnh trước khi ra hóa đơn.
 
Nhiều người dù nói rằng mình quan tâm đến sử dụng điện, đến tiết kiệm điện nhưng lại không hề biết các tiện ích như trang web hay app chăm sóc khách hàng của ngành điện. 
 
Hãy thử truy cập vào trang web chăm sóc khách hàng của ngành điện và tạo tài khoản cho mình. Tại đây, bạn có thể kiểm tra thông báo và hóa đơn tiền điện của mình, xem chỉ số mới, chỉ số cũ, điện năng tiêu thụ trong kỳ. Bạn có thể xem điện năng tiêu thụ của nhiều tháng trước đó. 
 
Trên hóa đơn điện tử còn có biểu đồ điện năng tiêu thụ các tháng năm nay và năm trước, giúp ta so sánh được tiêu thụ điện cùng kỳ, cũng như thấy được xu thế chung trong khu vực dân cư cùng trạm điện với mình. Từ đó, bạn sẽ chủ động kiểm soát việc sử dụng điện.
 
Hãy cài đặt ứng dụng (app) Chăm sóc khách hàng của ngành điện trên thiết bị di động của mình. Nếu trên địa bàn TP.HCM, bạn còn có thể đăng ký vào trang EVNHCMC trên Zalo.
 
Hiện nay, nhiều nơi đã được thay gắn đồng hồ điện đo xa. Bạn sẽ không còn thấy cảnh nhân viên điện lực gõ cửa để ghi chỉ số. Trong tương lai, khi tất cả chuyển sang dùng đồng hồ đo xa, sẽ không còn cảnh ghi sai phiên (trừ những ngày nghỉ dài ngày như lễ, tết), vốn cũng là vấn đề hay gây ra thắc mắc. Và có một tính năng hữu ích nữa là đồng hồ điện đo xa còn giúp khách hàng theo dõi điện năng tiêu thụ hằng ngày.
 
Làm gì nếu thấy điện năng tiêu thụ trong kỳ tăng?
 
Khi bạn nghi ngờ đồng hồ điện không chính xác, hãy liên hệ Trung tâm chăm sóc khách hàng, thay vì phản ánh trên mạng xã hội mà không giải quyết được vấn đề. Hiện nay có 5 trung tâm chăm sóc khách hàng của ngành điện trên cả nước, nên bạn cần lưu ý để liên hệ đúng trung tâm phụ trách khu vực của bạn.
Nhiều tòa nhà ở phố đi bộ Nguyễn Huệ hưởng ứng Giờ Trái đất tối 28-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
 
Thêm một gợi ý nhỏ là đừng chọn cách gọi điện thoại cho tổng đài. Bởi vì bất cứ tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện hay ngành nào khác thì cũng chỉ có số lượng tổng đài viên hữu hạn, nên việc gọi vào đây rất dễ bị kẹt, nhất là vào mùa cao điểm. Thay vào đó, bạn có thể gửi yêu cầu bằng email, hoặc qua ứng dụng chăm sóc khách hàng của điện lực. Ngành điện vẫn sẽ giải quyết, bạn sẽ tránh được bực mình bởi kẹt tổng đài (tổng đài này tiếp nhận cả cuộc gọi phản ánh sự cố về điện, an toàn điện).
 
Khi bạn yêu cầu kiểm tra đồng hồ điện, điện lực sẽ mang điện kế mẫu đến để kiểm chứng đồng hồ nhà bạn. Điện kế mẫu (PTS) là thiết bị chuyên dụng dùng để kiểm chứng độ chính xác của điện kế. Thiết bị này được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường kiểm tra định kỳ hằng năm và dán tem.
 
Nếu bạn vẫn chưa hài lòng, điện lực sẽ tháo đồng hồ, cùng bạn niêm phong rồi đưa kiểm định độc lập. Nhớ rằng bạn có quyền chọn đơn vị kiểm định. Hiện trên địa bàn TP.HCM có 2 đơn vị kiểm định độc lập là Trung tâm Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 và Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng TP.HCM (thuộc Chi cục Đo lường chất lượng TP.HCM, Sở KH-CN TP.HCM).
 
Khi có kết quả kiểm định, nếu đồng hồ không chính xác so với tiêu chuẩn quy định thì trong điều 20, nghị định 137/2013 của Chính phủ cũng quy định rõ điện lực sẽ phải bồi hoàn hoặc truy thu. Như vậy, có đủ pháp lý để đảm bảo công bằng cho cả đôi bên.
Theo: Tuổi trẻ