Đây là lần đầu tiên một cuộc thi trực tuyến về chủ đề tiết kiệm năng lượng được tổ chức trên nền tảng số.
Cuộc thi là tiền đề đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về năng lượng và tiết kiệm năng lượng, hướng tới mọi đối tượng không phân biệt vị trí địa lý, lứa tuổi.
Năng lượng là đầu vào quan trọng của rất nhiều ngành sản xuất, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của toàn xã hội.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang sử dụng chưa hiệu quả nguồn năng lượng, khi cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế (hệ số tăng trưởng điện/GDP) hiện vẫn đang ở mức cao hơn nhiều quốc gia. Từ một quốc gia xuất khẩu ròng về năng lượng Việt Nam đã phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ năm 2015 và sắp tới sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng cho phát điện.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, "theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Vì vậy, tiết kiệm điện là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp giảm áp lực trong việc khai thác, chế biến và cung ứng các dạng năng lượng, giúp cải thiện hiệu quả của nền kinh tế. Đồng thời giúp đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại Thỏa thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, cũng như tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu COP26 về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050…"
Theo các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng/tiết kiệm điện hiệu quả hơn kể từ khi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành (năm 2010) và có hiệu lực từ năm 2011 cũng như thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng.
Số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, trong giai đoạn 2010 - 2021, cả nước đã tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với hơn 66.780 tỷ đồng tiền điện. Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm.
Tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong các ngành kinh tế, đặc biệt là trong khối doanh nghiệp công nghiệp còn rất lớn, có thể lên tới 20-30%, nếu được áp dụng các giải pháp để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Phát biểu tại Lễ phát động, TS Phạm Thị Thu Hoài - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp đánh giá cao việc Văn phòng Ban Chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) đã lựa chọn giảng đường Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp (TP Hà Nội) là địa điểm tổ chức Lễ phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022” cũng như tổ chức diễn đàn tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm, bởi quy mô của trường hiện có tới 16.000 sinh viên được đào tạo bậc cử nhân và kỹ sư từ 22 chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật công nghiệp.
"Cuộc thi sẽ góp phần nâng cao nhận thứcn kiến thức, kỹ năng cộng đồng cho người dân, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên thanh thiếu niên đại diện cho thế hệ trẻ- thế hệ tương lai của đất nước về tầm quan trọng trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần đưa tiết kiệm điện thành thói quen và thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội hiện nay".
Cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2022” được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại địa chỉ:
https://cuocthi.tietkiemnangluong.com.vn/, bắt đầu từ 08h00 ngày 20/9/2022 đến 12h00 ngày 23/10/2022 và được chia thành 05 kỳ thi. Tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài đang sống, học tập và làm việc trong nước và ngoài nước đều có thể tham gia cuộc thi. Tại mỗi kỳ thi, thí sinh tham gia trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm theo hình thức trực tuyến với thời gian trả lời tối đa là 30 phút.
Người thi có thể tham gia thi từ máy tính cá nhân hoặc các thiết bị di động. Mỗi người được tham gia thi tối đa mỗi kỳ là 5 lần. Hệ thống sẽ tính lần tham gia có kết quả cao nhất. Người đạt giải là người trả lời đúng nhiều câu hỏi nhất trong thời gian ngắn nhất. Mỗi kỳ thi, Ban tổ chức sẽ trao 07 phần thưởng cho 07 người thi có kết quả cao nhất với trị giá 1.000.000 đồng/giải. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 35.000.000 đồng.
Nhu cầu năng lượng của Việt Nam đã không ngừng tăng trưởng với tốc độ cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chỉ riêng tăng trưởng điện quốc gia của Việt Nam luôn ở mức hai con số, với mức tăng trưởng trung bình hơn 10% một năm trong suốt 20 năm qua. Từ một quốc gia xuất khẩu ròng về năng lượng Việt Nam đã phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp từ năm 2015 và sắp tới sẽ phải nhập khẩu khí hóa lỏng cho phát điện.
Tuy nhiên, Việt Nam đang sử dụng chưa hiệu quả nguồn năng lượng, khi cường độ sử dụng năng lượng của nền kinh tế (hệ số tăng trưởng điện/GDP) hiện vẫn đang ở mức hơn 1,41 - cao hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Việc tiêu tốn quá nhiều năng lượng dẫn đến hệ quả không chỉ phụ thuộc nhập khẩu, mà còn thể hiện sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế thấp.