Một số nhà phân tích cảnh báo chính phủ Nam Phi sẽ chỉ làm cản trở quá trình việc làm được tạo ra trong một lĩnh vực mới.
Các công ty năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới đang “xếp hàng” xin đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của Nam Phi, qua đó góp phần giúp cải thiện tình trạng thiếu năng lượng triền miên, điều đã đẩy nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Phi rơi vào suy thoái trước cả khi dịch bệnh Covid-19 có những ảnh hưởng trực tiếp tới quốc gia này.
Thế nhưng những bản kế hoạch đầu tư các nhà máy, trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo vẫn chưa thể được thông qua do vướng phải hàng loạt thủ tục hành chính phức tạp, bên cạnh đó là quy trình xét duyệt “nhập nhằng”, làm xấu đi cam kết của chính phủ Nam Phi khi hứa coi sản xuất điện gió và mặt trời là những ưu tiên hàng đầu.
Các nhà máy nhiệt điện của Eskom, công ty đang ngập trong nợ nần, sản xuất đến 80% tổng lượng điện năng của Nam Phi, không thể nào đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao. Đỉnh điểm là trong năm ngoái, nhiều vụ cắt điện xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ tới các ngành công nghiệp trong điểm của nền kinh tế.
Các chuyên gia năng lượng cho biết việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là một trong những cách thức nhanh và tốn ít chi phí nhất nhằm chấm dứt tình trạng thiếu hụt điện năng và giúp nền kinh tế Nam Phi hồi phục sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng.
Dựa trên kế hoạch bổ sung 2,6 GW điện từ nguồn năng lượng mặt trời và gió vẫn chưa được khai thác trong giai đoạn từ năm 2022, quốc gia này có thể thu về hơn 2 tỷ USD tiền đầu tư vào lĩnh vực này, theo một chuyên gia phân tích của Reuters.
Hàng tỷ USD sẽ được đổ thêm vào Nam Phi nếu như nhu cầu kêu gọi đầu tư diễn ra thường xuyên, giúp đóng góp lớn cho quốc gia “khô hạn” tăng trưởng kinh tế này, vốn đang chịu nhiều áp lực ngân sách từ dịch bệnh Covid-19.
“Nam Phi có một nguồn tài nguyên năng lượng mặt trời phong phú, thu hút được sự quan tâm từ các doanh nghiệp năng lượng trong và ngoài nước”, theo Wido Schnabel, đến từ Canadian Solar, đơn vị đang tham vọng đầu tư một loạt dự án mới tại đây. “Tại sao chúng ta còn phải chờ đợi?“
Khi lần đầu tiên tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại vào lĩnh vực năng lượng tái tạo vào năm 2011, Nam Phi là quốc gia đi tiên phong trong quá trình chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, thân thiện với môi trường, theo Anton Eberhard, một giáo sư tại trường đại học Cape Town.
“6 năm sau, Nam Phi lại tỏ ra hụt hơi và tụt lại phía sau”, Eberhard cho biết. Ông cũng chính là người cố vấn cho Tổng thống Cyril Ramaphosa trong quá trình cải tổ lại tập đoàn Eskom.
“Engie sẽ chắc chắn tham gia đấu thầu các dự án ở cả hai mảng năng lượng mặt trời và điện gió”, theo Mohamed Hoosen, trưởng phòng khí đốt và năng lượng châu Phi tại tập đoàn năng lượng Engie của Pháp.
Enel Green Power của Italia cũng sẽ cân nhắc nộp hồ sơ thầu nến như các điều kiện ưu đãi được duy trì như trước đó, người phát ngôn của công ty này cho biết.
Chậm trễ
Tại một nhà máy điện trong tháng 10/2019, chính phủ Nam Phi đã đặt ra mục tiêu nâng mức sản lượng điện gió và điện mặt trời lên gấp 6 lần, ở mức hơn 26 GW vào năm 2030. Thế nhưng, sau hơn 7 tháng, không một MW điện năng gia tăng nào trong kế hoạch đó được đưa vào sử dụng.
Bộ trưởng Năng lượng Gwede Manntashe phát biểu trong tháng 2 rằng ông đang hướng tới một thỏa thuận với Nersa, cơ quan quản lý năng lượng Nam Phi, nhằm thực hiện kế hoạch. Tháng 3, Nersa cho biết họ cần khoảng 6 tháng để tiểu ban điện năng của cơ quan này đệ trình phương án thực hiện. Đây cũng là khoảng thời gian họ tham khảo ý kiến công chúng trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Ngay cả một dự án điện năng công suất lên tới 2.000 MW, được coi là ưu tiên và đã được Nersa chấp thuận hồi tháng trước, cũng chưa thể đi vào triển khai thực hiện.
Bộ Năng lượng Nam Phi chia sẻ luật pháp quốc gia này quy định rõ quy trình một dự án được thực hiện và họ đang làm việc theo đúng trình tự.
Một đại diện Bộ Năng lượng từ chối trả lời câu hỏi liệu việc các thủ tục hành chính đang góp phần cản trở quá trình, trong khi một người phát ngôn của Nersa cho biết rằng những quy định được đặt ra nhằm đảm bảo quá trình lắp đặt diễn ra một cách an toàn.
Các công ty khai thác mỏ, những đơn vị sử dụng rất nhiều năng lượng và đóng góp một phần quan trọng vào nền kinh tế của Nam Phi, đã vận động hành lang chính phủ thông qua một hiệp hội công nghiệp nhằm mục đích thuyết phục các cơ quan chức năng gỡ bỏ các quy định khắt khe, qua đó, họ có thể tự xây dựng những nhà máy điện năng lượng mặt trời riêng.
Họ có thể gạt bỏ đi được rất nhiều khó khăn khi có thể đảm bảo đủ nguồn năng lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất, đồng thời, đóng góp nguồn năng lượng dư thừa cho điện lưới quốc gia, qua đó, làm dịu đi những quan ngại liên quan đến vấn đề phát thải khí carbon từ các doanh nghiệp khai thác mỏ này.
Nhưng các công ty, bao gồm Sibanye-Stillwater và Gold Fields, cho biết các quy định và sự không rõ ràng về chi phí đang góp phần làm chậm lại quá trình triển khai các kế hoạch.
Cho dù Bộ Năng lượng Nam Phi đã có những chỉnh sửa liên quan đến quy định áp dụng đối với doanh nghiệp sản xuất năng lượng nhỏ trong tháng 3, vẫn còn nhiều quy định cấp phép ngặt nghèo với những nhà máy có công suất trên 1 MW. Sibanye muốn tăng thêm khoảng 150 MW vào tổng công suất điện mặt trời trong khi đó Gold Fields cũng nhắm tới mục tiêu bổ sung thêm 40 MW.
Bộ Năng lượng Nam Phi cho biết các quy định “đang tích cực khuyến khích các doanh nghiệp chủ động tự chủ nguồn năng lượng của riêng họ”.
Một người phát ngôn Hội đồng Khoáng sản Nam Phi cho biết những thay đổi trong tháng 3“không hỗ trợ gì cho những kế hoạch tự sản xuất năng lượng trên quy mô mà các công ty khai thác mỏ đang nhắm đến”.
Thay thế than đá
Không phải tất cả khó khăn đều đến từ sự quan liêu của các cơ quan chức năng. Các chuyên gia phân tích đổ lỗi cho Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vì đã lưỡng lự trong việc thông qua các dự án năng lượng tái tạo.
Các hiệp hội, đại diện cho Eskom và các mỏ than đang cung cấp nguồn nguyên liệu hóa thạch cho nhà máy của tập đoàn này, ra sức phản đối kế hoạch xây dựng dự án năng lượng tái tạo vì họ sợ những dự án đó sẽ khiến cho nhiều lao động khai thác than bị mất việc làm. Với tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 30% trước cả khi dịch bệnh Covid-19 nổ ra, ANC hoàn toàn có lý do để lo lắng.
“Lĩnh vực năng lượng tái tạo được cung cấp không gian để phát triển. Nhưng không gian đó không được làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp khai thác than”, theo Sello Helepi, một chuyên gia tư vấn cao cấp cho Bộ Năng lượng.
Ông nhấn mạnh rằng đã có một vài dự án năng lượng tái tạo được triển khai tại tỉnh Mpumalanga, địa đanh được coi là cái nôi của ngành sản xuất than Nam Phi, và là một “thành trì” vững chắc của ANC.
“Giả sử chúng ta cho đóng cửa tất cả những nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, chúng ta sẽ phải giải thích như thế nào với người dân của Mpumalanga?”, ông đạt ra câu hỏi.
Những người ủng hộ kế hoạch phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cho biết điều này sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động trong ngành than và sự ngần ngại của chính phủ Nam Phi sẽ chỉ làm cản trở quá trình việc làm được tạo ra trong một lĩnh vực mới.
Max Bogl, công ty xây dựng của Đức, chuyên lắp đặt các tua-bin gió, lên kế hoạch đầu tư một nhà máy sản xuất điện gió tại Nam Phi, nơi có thể tạo ra khoảng 400 công việc mới.
Nhưng công ty này vẫn đang chờ đợi hành động tiếp theo của chính phủ Nam Phi, theo Bruno Geadas, một lãnh đạo của công ty từng vài lần tới Nam Phi trong năm ngoái để đánh giá các điều kiện đầu tư tại đây.
“Chúng tôi đang chờ đợi một lời cam kết ở mức độ cao hơn từ phía chính phủ”, ông cho biết.
LInk gốc