Sông Mekong chảy qua Lào và một phần là biên giới tự nhiên với Thái Lan được coi là nguồn cung cấp điện năng chính của Lào.
Trong năm 2019, Lào dự kiến chỉ sản xuất được 33.658 kWh do tình trạng hạn hán cuối năm làm các hồ chứa nước không đạt lượng chứa nước. Việc tăng lượng điện sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện trong nước với mức tăng 7-8%/năm, cũng như bán điện ra các xung quanh nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Lào. Hiện nay, Lào có 71 cơ sở sản xuất điện và dự kiến cuối 2019, đầu 2020, sẽ có bốn dự án thủy điện đi vào hoạt động với công suất 12.294 kWh một năm.
Lào hiện đã ký hợp đồng và biên bản ghi nhớ việc mua bán với Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, trong đó đã ký biên bản ghi nhớ và hợp đồng mua bán điện với Việt Nam 5.000 MW và đã xuất được 540 MW. Theo các nguồn tin tại Lào cho biết, hiện Chính phủ Việt Nam đã có văn bản xác nhận việc mua điện của Lào, bao gồm: Cụm thủy điện Nặm Xăm 465 MW, đập thủy điện Nặm Mộ 505 MW, các đập thủy điện phía Nam (Nặm Kông 2, 3 và Nặm Y Mun) 304 MW và đã ký kết biên bản ghi nhớ về thủy điện và điện gió 600 MW.
Riêng với các nước khác trong ASEAN, Lào đã lên kế hoạch liên kết hệ thống truyền tải mua bán điện và trao đổi điện. Lào là nước đầu tiên bắt đầu xuất khẩu điện theo kiểu liên kết khu vực, đã ký kết hợp đồng mua bán điện với Malaysia qua Thái Lan (Lào - Thái Lan - Malaysia), đến nay, Lào đã xuất 100 MW, năm 2020 sẽ xuất được 300 MW, đồng thời sẽ đàm phán mua bán điện với Singapore.
Lào kỳ vọng sẽ trở thành nhà cung cấp điện làm từ thủy điện chính trong khu vực ASEAN do có tiềm năng sản xuất điện từ thủy điện. Hiện Lào liên doanh với nhiều nước trong khu vực, trong đó có cả Việt Nam để sản xuất điện trên cả dòng chính và dòng phụ các con sông tại Lào, trong đó có sông Mekong.
Theo: Nhân Dân