Thông tin đầu tư

Lệ Thủy sắp trở thành “thủ phủ” mới về năng lượng tái tạo

Thứ hai, 2/4/2018 | 14:49 GMT+7
Việc Tập đoàn UPC Renewwables Asia I Limited tiến hành khảo sát lần 2 kế hoạch xây dựng nhà máy điện gió tại ven biển Lệ Thủy (Quảng Bình) tạo kỳ vọng về “thủ phủ” mới của ngành CN năng lượng tái tạo.
 

 
Sau 2 lần khảo sát vào tháng 1 và tháng 2 năm 2018, Tập đoàn UPC Renewables Asia I Limited (UPC) đã có buổi làm việc với lãnh đạo và các sở, ngành của tỉnh Quảng Bình để báo cáo về việc tập đoàn này có ý định đầu tư điện gió tại Quảng Bình. Cụ thể, UPC dự định triển khai xây dựng Nhà máy Điện gió UPC - Lệ Thủy và Nhà máy Điện gió UPC - Quảng Bình trên địa bàn huyện Lệ Thủy trong thời gian 13 tháng, dự kiến vận hành vào trước tháng 12/2020.
 
Trong đó, Dự án Nhà máy Điện gió UPC - Lệ Thủy có diện tích 16 ha, công suất 50 MW, điện lưới đấu nối 110kv, sản lượng điện 158 triệu KW/năm, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng. Dự án Nhà máy Điện gió UPC - Quảng Bình có diện tích 130 ha, công suất thiết kế 250 MW, điện lưới đấu nối 220kv, sản lượng điện 760 triệu KW/năm, tổng mức đầu tư trên 10.200 tỷ đồng.
 
UPC được xem là doanh nghiệp hàng đầu thế giới về phát triển các dự án năng lượng tái tạo, với hàng loạt dự án năng lượng gió và mặt trời được thực hiện khắp nơi, từ các khu vực núi non, sa mạc, núi lửa tại Hoa Kỳ, các đảo của Indonesia, các khu vực đồng bằng ở Ấn Độ cho đến các thảo nguyên khu vực Mông Cổ... Do vậy, việc tập đoàn này đầu tư vào Quảng Bình đang tạo ra nhiều kỳ vọng làm thay đổi diện mạo khu vực được biết đến với hình ảnh “chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình” này.
 
Ông Phan Văn Thường, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình cho biết, vị trí được Tập đoàn UPC Renewables Asia I Limited đề xuất là khu vực cồn cát ven biển giáp ranh xã Hưng Thủy và xã Sen Thủy của huyện Lệ Thủy. Hiện nhà đầu tư đã được UBND tỉnh Quảng Bình cho phép lắp đặt cột đo gió để khảo sát thu thập số liệu.
 
“Nhà đầu tư rất quyết tâm để thực hiện dự án. Theo quy định của Bộ Công thương, phải sau 12 tháng khảo sát đo đạc gió thì mới được tiến hành đầu tư. Thời gian này, nhà đầu tư sẽ lập hồ sơ gửi Bộ Công thương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện lực tỉnh”, ông Thường cho biết.
 
Ông Phạm Quang Năm, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy nhìn nhận, việc phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối là hoàn toàn phù hợp với điều kiện tự nhiên của khu vực ven biển Lệ Thủy. Lĩnh vực này ít gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường. “Đặc biệt, với điện mặt trời, người dân địa phương có thể tận dụng được lớp đất phía dưới các tấm pin năng lượng để thâm canh cây ngắn ngày”, ông Năm nói.
 
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Bình, ngoài Tập đoàn UPC, còn có 2 nhà đầu tư khác cũng xin đăng ký đầu tư dự án điện gió tại Quảng Bình. Cụ thể, Công ty cổ phần Điện gió B&T đăng ký đầu tư dự án có tổng công suất 200 MW tại xã Gia Ninh, Hải Ninh, huyện Quảng Ninh và xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy. Dự án thứ hai là của Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu với tổng công suất 300 MW, đang lắp đặt cột đo gió tại xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa.
 
Trong lĩnh vực điện mặt trời, Tập đoàn Dowha Hàn Quốc đã tiến hành đầu tư nhà máy điện mặt trời với công suất 49,5 MW, thuộc Tổ hợp Dự án Điện năng lượng tái tạo Dohwa Lệ Thuỷ (công suất 550 MW, tổng vốn hơn 55 triệu USD, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018).
 
Tại Hội nghị “Gặp gỡ Hoa Kỳ 2018” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Tiến Hoàng cho biết, du lịch dù được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nhưng lĩnh vực công nghiệp, trong đó có công nghiệp năng lượng tái tạo, vẫn được tỉnh hết sức chú trọng. “Quảng Bình mong muốn được đón và cam kết tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh”, ông Hoàng khẳng định.
Theo: Môi trường và đô thị