Các nước châu Âu đang áp dụng nhiều giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Reuters.
Phát triển hợp tác xã năng lượng tái tạo
Cung cấp năng lượng cho Trung tâm hỗ trợ nghệ thuật dành cho người hưu trí tại Bỉ của bà Bernadette Vandercammen ở thị trấn phía Bắc Eeklo là một thách thức ngay cả trong thời điểm thuận lợi nhất, chưa kể khi giá năng lượng tăng cao đã khiến hàng triệu người châu Âu phải vật lộn để trả các hóa đơn điện hàng tháng.
Tuy nhiên, bà Bernadette Vandercammen hiện chỉ phải trả khoảng một nửa số tiền mà bà sẽ phải trả cho một nhà cung cấp năng lượng thương mại, đơn giản vì bà là thành viên của một trong hàng chục hợp tác xã năng lượng tái tạo địa phương của Bỉ - các sáng kiến do công dân làm chủ đầu tư vào năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng.
Những hợp tác xã như trên dựa vào khả năng sản xuất năng lượng của chính họ thay vì mua từ các thị trường biến động, nơi đã chứng kiến nhu cầu tăng đột biến do cuộc khủng hoảng năng lượng và đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Nhà cung cấp của bà Vandercammen là một hợp tác xã có tên là Ecopower, cung cấp năng lượng cho các hộ gia đình với chi phí sản xuất bao gồm phí lưới điện và thuế, cũng như chi phí vận hành chính nó.
Phía Ecopower cho biết, họ đã nhận thấy nhu cầu tăng mạnh đến mức phải ngừng tiếp nhận thành viên mới. Bởi không có năng lực sản xuất dự phòng sẽ khiến họ phải mua điện trên thị trường thương mại - khi giá đang ở mức cao kỷ lục - để cung cấp nhiều hơn cho các thành viên.
Ông Margot Vingerhoedt, phát ngôn viên của Ecopower cho biết: “Chúng tôi không đảm bảo luôn là đơn vị cung cấp năng lượng rẻ nhất. Nhưng chúng tôi đưa ra lời giải cho cuộc khủng hoảng ba mặt là biến đổi khí hậu, phụ thuộc địa chính trị, cũng như lạm phát giá cả và nghèo đói về năng lượng".
"Giá năng lượng cao ngất trời khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và các công ty năng lượng truyền thống không giải quyết được vấn đề đó bởi vì trọng tâm chính của họ là lợi nhuận", ông Margot Vingerhoedt nói.
Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, đầu năm nay, Bỉ có tỉ lệ lạm phát năng lượng cao nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và chính phủ liên bang đã cắt giảm thuế VAT đối với điện, một trong số các biện pháp nhằm giảm hóa đơn tiêu dùng.
Được thành lập vào năm 1991, Ecopower hiện là hợp tác xã năng lượng lớn nhất của Bỉ, với các tuabin gió và tấm pin mặt trời sản xuất 80 triệu kWh điện vào năm ngoái và cung cấp điện cho khoảng 55.000 hộ gia đình. Các thành viên có thể mua tối đa 20 cổ phiếu với giá 250 euro mỗi cổ phiếu, nhận cổ tức giới hạn ở mức 6% từ doanh số thặng dư và có quyền đồng quyết định nơi đầu tư tiếp theo.
“Điều rất quan trọng là phải tự mình giữ mọi thứ trong tay. Với một hợp tác xã như Ecopower, bạn có tiếng nói. Điều đó rất quan trọng, nếu không bạn đang phụ thuộc vào địa chính trị" - bà Vandercammen nói trong chuyến thăm trung tâm nghệ thuật.
Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho biết, đảm bảo cung cấp ổn định từ các nguồn năng lượng tái tạo và chi phí lưu trữ cao là một trong những trở ngại hiện nay để mở rộng mô hình lợi ích này.
Đầu tư lâu dài
Các hợp tác xã khác của Bỉ cũng đã chứng kiến nhu cầu tăng vọt trong môi trường lạm phát cao hiện nay, trong đó xung đột tại Ukraine đã làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng năng lượng và khí hậu liên quan.
Đơn cử như tại Hợp tác xã Energent, trong năm 2022, họ đã giúp 694 hộ gia đình lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời, với số lượng người đăng ký mới chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 3 đã vượt qua số liệu của cả năm 2020 và 2021, và yêu cầu về vật liệu cách nhiệt cho ngôi nhà cũng tăng vọt.
Ông An Van Hemeldonck, một lãnh đạo của Hợp tác xã Energent, cho biết: "Giá cả hiện nay đang tăng điên cuồng và mọi người tập trung vào điều đó. Nhưng sẽ có nhiều người chuyển sang các hợp tác xã năng lượng hơn khi những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ ràng".
Tại thủ phủ vùng Flemish, Antwerp, Bỉ, hợp tác xã ZuidtrAnt đã phải từ chối nhiều người tìm cách kết nối với hệ thống sưởi của họ bởi nó có giá cố định trong vài năm.
Theo ông Oscar Guell từ liên đoàn quốc tế REScoop, người thay mặt cho gần 2.000 hợp tác xã từ Tây Ban Nha đến Áo, cho biết, có khoảng 40 hợp tác xã năng lượng cung cấp điện cho khoảng 2% số hộ gia đình của Bỉ, nhưng để phát triển được thì cần phải có nhiều luật hỗ trợ hơn.
“Chúng tôi ủng hộ việc chuyển đổi khỏi các quy định lỗi thời từ một hệ thống năng lượng được thiết kế tập trung cho các công ty năng lượng lớn và nhiên liệu hóa thạch, để hướng tới một mô hình năng lượng phi tập trung hơn” - ông Guell nói.
Bà Zuhal Demir - Bộ trưởng Năng lượng của vùng Flanders, nằm ở phía Bắc Bỉ, cho biết, bà là người ủng hộ mạnh mẽ các hợp tác xã năng lượng. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng liên bang của Bỉ cho biết, họ cần thêm thời gian để đưa ra tuyên bố chính thức về việc này.
Anh Jan De Pauw, một kỹ sư của Ecopower cho biết, các hợp tác xã năng lượng của Bỉ hiện đang hợp lực để tiến hành đấu thầu ra nước ngoài trong năm tới, đây sẽ là trường hợp đầu tiên ở châu Âu với mức đầu tư lên tới 450 triệu euro.
Anh De Pauw cho biết: “Chúng tôi muốn độc lập nhất có thể với thị trường tài chính và thị trường năng lượng. Đó là lý do tại sao giá cả tại các hợp tác xã rất ổn định ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng này, bởi vì chúng tôi chủ động được việc sản xuất năng lượng”.
Hàng loạt giải pháp, trong đó có những biện pháp chưa từng có tiền lệ, đã được các Chính phủ châu Âu triển khai để cứu vãn tình trạng khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, trong bối cảnh có quá nhiều yếu tố bất lợi như hiện nay, triển vọng đảm bảo năng lượng của cả Mỹ và châu Âu vẫn được cho là còn phải đối mặt thách thức lớn.