Quản lý năng lượng

Lợi ích kép khi tham gia điều chỉnh phụ tải điện

Thứ sáu, 6/5/2022 | 10:03 GMT+7
Tính đến nay, tại Thủ đô Hà Nội đã có hơn 500 khách hàng có sản lượng tiêu thụ điện trên 1 triệu kWh/năm đồng ý và ký thỏa thuận tham gia chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR). 
Ông Phạm Đức Minh - Trưởng phòng điện, Tòa nhà Lotte.
 
Đây là một trong những hoạt động thuộc chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện (Demand-side-mangement-DSM) giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/3/2018.
 
Chương trình DR được triển khai nhằm khuyến khích khách hàng chủ động giảm nhu cầu sử dụng điện được cung cấp từ hệ thống điện Quốc gia khi có yêu cầu. Khách hàng sẽ chủ động điều chỉnh nhu cầu sử dụng điện như: tiết giảm việc sử dụng các thiết bị điện không cần thiết, không ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất trong khoảng thời gian cụ thể theo đề nghị của ngành Điện.
 
Kể từ khi nhận được thông báo thực hiện sự kiện DR của ngành Điện, doanh nghiệp sẽ thực hiện tiết giảm từ 10-20% lượng điện tiêu thụ so với phụ tải thực tế trong vòng 24h, đồng thời chủ động lựa chọn quy mô loại phụ tải để ngừng hoặc tiết giảm tính toán lựa chọn dây chuyền sản xuất cho những phụ tải khác để tiết giảm nhu cầu sử dụng điện.
 
Việc điều chỉnh phụ tải điện là một hoạt động, giải pháp của toàn ngành Điện lực nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần đảm bảo công tác cung ứng điện liên tục, ổn định, an toàn, đồng thời hạn chế các sự cố trên hệ thống điện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
 
Đối với khách hàng, việc tham gia điều chỉnh phụ tải điện sẽ giảm chi phí sử dụng điện do giảm nhu cầu sử dụng điện vào giờ cao điểm, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ giảm chi phí tiền điện, giảm giá thành sản xuất sản phẩm và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Việc thực hiện DR hoàn toàn được khách hàng chủ động trong việc điều chỉnh các phụ tải sử dụng điện của mình, thực hiện tiết giảm đối với các phụ tải nhỏ lẻ không ảnh hưởng đến dây chuyển sản xuất của đơn vị.
Phân xưởng sản xuất thuộc Công ty TNHH May Đức Giang.
 
Đại diện Tòa nhà Lotte - Hà Nội, ông Phạm Đức Minh cho biết, tòa nhà Lotte có 65 tầng nổi và 5 tầng hầm gồm tổ hợp trung tâm thương mại, nhà hàng và khách sạn, căn hộ dịch vụ. Từ năm 2018 đến nay, lượng điện tiêu thụ hàng tháng của tòa nhà khoảng 2,5 - 2,7 triệu kWh. Đối với những tháng nắng nóng cao điểm, lượng điện tiêu thụ có thể lên tới 3,5 - 3,7 triệu kWh/tháng. Sau khi được EVNHANOI tư vấn về việc tham gia DR, đơn vị đã nhận thức rõ trách nhiệm và lên phương án ký kết thỏa thuận DR phi thương mại với Điện lực. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với EVNHANOI đưa ra phương hướng vận hành điện tối ưu và hiệu quả nhất. Tòa nhà Lotte sẵn sàng sử dụng máy phát điện dự phòng để giảm áp lực truyền tải lên lưới điện thành phố.
 
Đơn vị cũng cho biết thêm, năm 2019, tham gia chương trình DR, đơn vị đã tiết giảm được 25-30% tổng công suất tiêu thụ điện của tòa nhà, tiết kiệm được gần 15% chi phí cho tiền điện, tương đương khoảng 15 tỷ đồng.
 
Là một trong những doanh nghiệp có nhà máy quy mô lớn đặt tại khu vực quận Long Biên - Hà Nội, Công ty TNHH May Đức Giang luôn chú trọng đến các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Từ khi có chương trình điều chỉnh phụ tải điện, Công ty không những sẵn sàng tham gia mà còn là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong chương trình này.
 
“Trước kia, trung bình hàng tháng, chúng tôi phải chi trả khoảng 550-600 triệu đồng tiền điện. Sau khi tham gia chương trình DR, Công ty ước tính đã giảm được khoảng 20-30% chi phí tiền điện, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được EVNHANOI hỗ trợ tối đa trong việc phối hợp xử lý các sự cố điện, tư vấn các giải pháp chống tổn thất, kiểm tra, vệ sinh trạm biến áp, bảo dưỡng hệ thống điện …”- ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Cơ điện, Công ty TNHH May Đức Giang cho biết.
 
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết năm 2022 sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài trong thời gian tới, làm tăng nhu cầu sử dụng điện, tiềm ẩn nguy cơ quá tải của lưới điện. Chính vì vậy, việc thực hiện chương trình DR không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của ngành Điện mà còn là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, từ những khách hàng sử dụng điện sinh hoạt đến những đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Mọi cá nhân, tổ chức đều cần có trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn năng lượng điện an toàn, hiệu quả, tiết kiệm để hướng đến lợi ích chung toàn xã hội và sự phát triển bền vững của nền kinh tế, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.
 
Theo: EVNHANOI