Tư vấn sử dụng điện

Luật Điện lực: Có quy định ngừng cấp điện nếu chậm trả tiền

Thứ ba, 13/10/2009 | 11:07 GMT+7

Một số bạn đọc trú tại đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên gọi điện đến đường dây nóng Báo An ninh Thủ đô thắc mắc về việc một gia đình tại đây bị ngành điện gây khó khăn trong quá trình nộp tiền điện và sau đó bị cắt điện vào ngày 29-9, như vậy việc cắt điện này có đúng quy định không và trong trường hợp nào thì khách hàng bị ngành điện từ chối dịch vụ không cung cấp điện? Về vấn đề trên, chiều 12-10, phóng viên ANTĐ đã trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh - Công ty Điện lực Hà Nội và được biết:

Nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

Theo báo cáo của Điện lực Long Biên gửi Công ty Điện lực Hà Nội về trường hợp ngành điện ngừng cung cấp điện cho một khách hàng như sau: Đơn vị bán điện cho khách hàng Đỗ Thị Ca, trú tại đường Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên thông qua Hợp đồng mua bán điện số 6/16713 qua trạm biến áp Bồ Đề 1. Theo chu kỳ ghi chỉ số công tơ của trạm biến áp này, Điện lực Long Biên (ĐLLB) ghi chỉ số vào ngày mùng 6 hàng tháng và ngày mùng 8 có hóa đơn tiền điện.

Ngày 9-9, thu ngân viên đến đưa thông báo tiền điện và thu tiền điện nhưng khách hàng không nộp và không ký nhận thông báo, thu ngân viên đã phải nhờ tổ trưởng dân phố chứng kiến và xác nhận hộ. Đến 18-9, thu ngân viên tiếp tục đến thu tiền nhưng khách hàng vẫn không nộp tiền, không ký nhận thông báo và thu ngân viên lại phải nhờ tổ dân phố đến chứng kiến, ký xác nhận.

Lần thông báo thứ 3 vào ngày 24-9 cũng xảy ra tình trạng tương tự, khách hàng không ký... Sau 3 lần thông báo đề nghị khách hàng thanh toán tiền điện đã sử dụng nhưng khách hàng vẫn không chịu thanh toán và không hợp tác với ĐLLB và ĐLLB đã ra thông báo cắt điện của khách hàng Đỗ Thị Ca vào ngày 29-9. Sau khi cắt điện, khách hàng mới chịu nộp tiền điện và ngày 30-9, ĐLLB đã đóng lại điện cho khách hàng.

Việc ĐLLB tạm ngừng bán điện cho hộ sử dụng điện Đỗ Thị Ca là đúng theo khoản 6 điều 23 Luật Điện lực: “Trong trường hợp bên mua điện không trả tiền điện và được bên bán điện thông báo ba lần thì sau mười lăm ngày, kể từ ngày thông báo lần đầu tiên, bên bán điện có quyền ngừng cấp điện. Bên bán điện phải thông báo thời điểm ngừng cấp điện cho bên mua điện trước 24h và không chịu trách nhiệm về thiệt hại do việc ngừng cấp điện gây ra”.

Về các trường hợp khách hàng bị ngừng, giảm mức cung cấp điện khẩn cấp đã được quy định trong Luật Điện lực. Đó là do có sự cố xảy ra trong hệ thống điện; Có nguy cơ gây sự cố, mất an toàn nghiêm trọng cho người, thiết bị và hệ thống điện; Do thiếu công suất dẫn đến đe dọa sự an toàn của hệ thống điện; Do bên thứ 3 vi phạm hành lang lưới điện gây nên sự cố mà bên bán điện không kiểm soát được và do sự cố bất khả kháng. Bên cạnh đó, ngành điện sẽ ngừng cấp điện đối với tổ chức, cá nhân theo đề nghị của cơ quan chức năng như Sở Công Thương, UBND quận, huyện để phục vụ việc cưỡng chế, GPMB.

Ông Nguyễn Anh Tuấn thông qua Báo An ninh Thủ đô đề nghị khách hàng trong quá trình mua và sử dụng điện khi có thắc mắc về chất lượng điện năng, thủ tục thanh toán, hóa đơn tiền điện hoặc về thái độ phục vụ khách của nhân viên ngành điện thì cần phản ánh ngay cho đường dây nóng của ngành điện hoặc trực tiếp đến các điện lực để được giải quyết và trả lời thỏa đáng.

Theo: ANTĐ