Tin thế giới

Luật Điện lực mới của Jordan: Khuyến khích đầu tư vào lưu trữ năng lượng

Thứ tư, 13/11/2024 | 09:53 GMT+7
Jordan vừa ban hành Luật Điện lực mới, thay thế luật cũ có hiệu lực từ năm 2002, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chính sách năng lượng của quốc gia Trung Đông.

Ảnh minh họa. Nguồn: ess-news.com

Luật này thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư (PPP), khuyến khích đầu tư vào các cơ sở lưu trữ năng lượng và dự án hydro xanh nhằm tăng cường tính tự chủ năng lượng, hỗ trợ phát triển bền vững và hiện đại hóa lĩnh vực điện lực của Jordan.

Những điểm mới quan trọng

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và tài nguyên Khoáng sản, ông Saleh Kharabsheh, nhấn mạnh rằng luật mới có nhiều quy định đột phá dành cho các đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực truyền tải, sản xuất hoặc phân phối điện. Theo đó, các đơn vị này được phép phát triển và vận hành các cơ sở lưu trữ năng lượng - yếu tố quan trọng giúp ổn định lưới điện và tăng cường tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo. Nhờ vào các cơ sở này, điện năng sản xuất dư thừa trong thời gian thấp điểm có thể được lưu trữ và sử dụng vào các thời điểm nhu cầu cao, giảm áp lực lên lưới điện quốc gia.

Một điểm nổi bật khác là luật cho phép các cá nhân tự xây dựng và vận hành trạm lưu trữ năng lượng riêng. Điều này không chỉ tăng cường an ninh lưới điện mà còn khuyến khích người dân tham gia vào các giải pháp năng lượng bền vững. Ngoài ra, luật mới còn hỗ trợ mạnh mẽ cho các dự án hydro xanh, cho phép sản xuất và truyền tải điện độc lập mà không cần kết nối vào lưới điện quốc gia. Những quy định đó góp phần giúp Jordan trở nên bền vững và linh hoạt hơn, cả về môi trường và kinh tế, đồng thời nâng cao vị thế của quốc gia trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo.

Hướng tới một thị trường điện cạnh tranh

Luật Điện lực mới được kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân nhờ vào việc thúc đẩy môi trường cạnh tranh. Chính phủ tập trung vào năng lượng tái tạo, không chỉ nhằm tăng cường sự linh hoạt của lưới điện mà còn phù hợp với xu hướng toàn cầu về giảm phát thải carbon và nâng cao hiệu quả năng lượng. Thông qua môi trường cạnh tranh này, Jordan hy vọng sẽ thúc đẩy đổi mới và tăng hiệu quả hoạt động, từ đó giảm chi phí cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ các sáng kiến về năng lượng xanh.

Jordan hiện là một trong những quốc gia nhập khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, với hơn 90% năng lượng phải mua từ nước ngoài. Điều đó khiến Jordan dễ bị tổn thương trước những biến động về giá và nguồn cung trên thị trường năng lượng quốc tế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2022, hơn 47% năng lượng của Jordan đến từ dầu mỏ và hơn 41% từ khí tự nhiên. Năng lượng tái tạo chỉ chiếm 7,7% tổng nguồn cung năng lượng của cả nước, nhưng lại đóng góp đến 74% lượng năng lượng sản xuất trong nước.

Chính phủ Jordan đã đạt được nhiều tiến bộ trong tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió, vào lưới điện quốc gia. Với luật mới, quốc gia Trung Đông này đặt mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh các thành tựu đã đạt được, khuyến khích đầu tư vào các công nghệ tiên tiến như hydro xanh, một giải pháp bền vững phục vụ các ứng dụng công nghiệp và mở ra cơ hội xuất khẩu.

Việc Chính phủ đặt trọng tâm vào hydro phù hợp với xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu và hỗ trợ chiến lược năng lượng quốc gia của Jordan nhằm đa dạng hóa nguồn năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và tạo ra cơ hội kinh tế mới.

Mô hình hợp tác công - tư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và đổi mới trong lĩnh vực này, cho phép các công ty tư nhân hợp tác với Chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng cho sản xuất, lưu trữ và truyền tải hydro xanh. Mô hình này giúp chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa khu vực công và tư, mang lại những ưu đãi hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững của Jordan.

Link gốc

Theo: Đại biểu Nhân dân