"Lương cán bộ hạt nhân phải gấp nhiều lần lương Bộ trưởng"

Thứ sáu, 24/8/2012 | 16:51 GMT+7
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng Chính phủ cần có chế độ ưu đãi đặc biệt cho những người làm trong nhà máy điện hạt nhân với mức lương cao hơn nhiều lần Bộ trưởng, vì họ luôn phải đối mặt với rủi ro nguy hiểm.
 


Bộ trưởng Nguyễn Quân.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo về phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia hôm qua. Trong đó, ông nhấn mạnh đến sự phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng, nhưng việc thu hút cán bộ trong lĩnh vực điện hạt nhân còn gặp nhiều trở ngại do chính sách ưu đãi còn thấp.

- Việt Nam đã thực hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở điện hạt nhân như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Sau khi Quốc hội cho phép xây dựng điện hạt nhân, Chính phủ đã khẩn trương hợp tác với Nga, Nhật Bản, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) để tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân Việt Nam. Nhất là sau sự cố Fukushima, Việt Nam đặt vấn đề an toàn là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết.

Việt Nam tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng pháp lý, pháp quy an toàn và nguồn nhân lực cũng như hệ thống hạ tầng dành cho nghiên cứu hạt nhân. Đây là bước quan trọng chuẩn bị cho khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta vào năm 2014.

Trong quá trình thực hiện, Việt Nam gặp một số khó khăn như phải dựa hoàn toàn vào các đối tác. Bên cạnh đó, chúng ta chủ trương xây điện hạt nhân vào thời điểm xảy ra sự cố Fukushima nên dấy lên làn sóng không đồng thuận trong xây dựng nhà máy hạt nhân.

- Nguồn nhân lực là một trong những hạ tầng mang tính quyết định đến vận hành nhà máy điện hạt nhân. Nhưng trong cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Nguyên Thiện Nhân đánh giá triển khai kế hoạch đào nhân lực còn triển khai quá chậm. Ý kiến của ông như thế nào?

- Chính phủ đã thành lập hai Ban Chỉ đạo Quốc gia phục vụ cho nhà máy điện hạt nhân. Một Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì và một Ban Chỉ đạo riêng về nguồn nhân lực do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phụ trách.

Hiện nay, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo nhân lực cho ngành điện hạt nhân. Nguyên nhân là do chính sách đối với người đi học và người sẽ được làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và nhà máy điện hạt nhân nói riêng cho đến giờ phút này vẫn chưa công bố một cách công khai.

Thứ hai, việc lựa chọn được người đi học trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi điều kiện khó khăn hơn. Người đi học trong lĩnh vực hạt nhân phải có trình độ nhất định, qua tuyển chọn khắt khe hơn và nhất là phải chấp nhận rủi ro lớn.

Những năm qua, Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học trẻ. Riêng trong 3 năm vừa rồi Việt Nam đã gửi 200 người sang Nga và khoảng 300 người tới các quốc gia khác để học tập ngắn hạn và dài hạn về năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân.

Chúng tôi cho rằng, nếu sớm công bố công khai chế độ đãi ngộ đối với những người đi học và sau này làm việc trong nhà máy điện hạt nhân thì việc tuyển chọn người đi học và làm việc chắc chắn thuận lợi hơn rất nhiều.

- Chế độ đãi ngộ gây ảnh hưởng như thế nào đối với đào tạo nhân lực?

- Chính phủ cho phép những người làm việc trong lĩnh vực điện nguyên tử và hạt nhân được hưởng phụ cấp từ 30 - 70% mức lương được hưởng. Sắp tới sẽ có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc trả phụ cấp cho cán bộ nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực này ở mức hấp dẫn. Ví dụ người đi học, ngoài học bổng của Chính phủ và quốc gia đối tác có thể còn có thêm một phụ cấp đặc biệt để bảo đảm cuộc sống của người thân. Sinh viên học ngành điện hạt nhân ở các trường đại học lớn của Việt Nam sẽ được hỗ trợ học bổng 100% và được chi phí ăn ở.

Tuy nhiên, theo tôi như thế vẫn chưa đủ hấp dẫn, chúng tôi đã đề nghị cần công bố công khai chế độ đãi ngộ và phụ cấp đặc biệt cho họ và gia đình họ.

Với người làm ở lĩnh vực điện hạt nhân, trước hết phải là tình nguyện và có trình độ cao, sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong quá trình học tập cũng như xây dựng, vận hành nhà máy, nên mức lương phải cao hơn mức lương của bộ trưởng nhiều lần mới đủ thu hút được nhân lực có chất lượng cao.

- Từ 1/9 tới, Việt Nam sẽ đưa du học sinh sang học tập và nghiên cứu tại một số nước nói trên. Bộ trưởng có thể cho biết cụ thể về Đề án liên kết đào tạo này?

- Chính phủ đã dành ra một ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước cho chương trình đào tạo cán bộ điện hạt nhân. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng dành ra một khoản ngân sách 1.000 tỷ đồng cho đào tạo cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành của điện hạt nhân.

Hiện nay, chúng ta đã khởi động chương trình đào tạo dài hạn ở nước ngoài. Trong nước, đã giao nhiệm vụ cho 5 trường đại học lớn như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Điện lực… đào tạo kỹ sư về điện hạt nhân trong nước sau đó thì sẽ gửi đi nước ngoài để thực tập.

Mục tiêu đặt ra là đến 2020 sẽ có đủ người làm việc trong nhà máy điện hạt nhân cũng như các cơ quan pháp quy về hạt nhân tại Việt Nam.

- Điểm chuẩn đầu vào các khoa Điện hạt nhân của các trường đại học được giao đào tạo rất thấp. Số sinh viên theo học chuyên ngành này đến cùng rất ít. Vậy liệu đến 2020 mà Việt Nam vẫn thiếu nhân lực, Ban Chỉ đạo sẽ ứng phó như thế nào?

- Nhiều quốc gia làm điện hạt nhân sử dụng nhân lực nước ngoài hoàn toàn. Còn Việt Nam muốn nhà máy điện hạt nhân phải được quản lý và điều hành bằng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật Việt Nam. Vì thế chúng ta phải đặt ra chương trình đào tạo.

Đúng là sinh viên vào học ngành này hiện nay điểm đầu vào chưa cao hay nói cách khác chuyên ngành này chưa hấp dẫn được người giỏi theo học. Nguyên nhân, như tôi nói ở trên, đó là xuất phát từ chính sách ưu đãi và chế độ đãi ngộ của đối với những người đi học và người sẽ làm việc trong lĩnh vực điện hạt nhân chưa được công bố công khai nên nhiều người thấy chưa có hấp dẫn để theo đuổi một nghề có nhiều nguy hiểm và rủi ro. Tôi hy vọng Chính phủ sớm công bố chính sách này.
 
Theo: VnExpress