Người dân đảo Lý Sơn sử dụng điện trong sinh hoạt.
Theo thống kê, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, Điện lực Lý Sơn đã thực hiện sản lượng điện thương phẩm là 5.418.617 kWh, tăng 9,41% so với cùng kỳ; tổn thất điện năng thực hiện 6,93%, giảm -6,20% so với cùng kỳ và số khách hàng lắp đặt công tơ có 6.673 công tơ (trong đó có 6.349 công tơ 1 pha và 324 công tơ 3 pha).
Để đảm bảo ổn định lưới điện mùa nắng nóng, từ đầu năm Điện lực Lý Sơn đã có các phương hướng để cấp điện cho người dân cũng như các dịch vụ tại huyện đảo Lý Sơn. Ông Đoàn Yên, Giám đốc Điện lực Lý Sơn cho biết: “Mùa nắng nóng năm 2020, Điện lực Lý Sơn đã tổ chức kiểm tra các điểm kể cả ngày đêm tại các trạm biến áp phụ tải, đặc biệt những trạm biến áp cung cấp cho tưới tiêu của người dân trên đảo để đảm bảo cấp điện ổn định. Ngoài các biện pháp về quản lý vận hành, Điện lực Lý Sơn cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm…”.
Từ khi có điện lưới quốc gia, sự phát triển kinh tế xã hội tại Lý Sơn đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Ông Đặng Tấn Thành, Phó Chủ tịch huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Năm 2014, huyện đảo Lý Sơn chính thức được đón nhận điện lưới Quốc gia, cũng từ đó Lý Sơn mở ra một phát triển mới về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng; trong phát triển về kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại dịch vụ rất nhanh. Cuối năm 2019, cơ cấu về thương mại nông nghiệp chỉ còn lại là 40 %, thương mại dịch vụ tăng lên 50%, người dân đã tự chuyển sang thương mại nhà hàng, khách sạn chủ yếu để phục vụ các du khách từ đất liền ra đảo tham quan và lưu trú. Năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo tại Lý Sơn có trên 12%, năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 5%. "Ngành điện hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu của người dân góp phần phát triển các ngành nghề trên 2 đảo Lớn và đảo Bé, nhưng chúng tôi cũng mong muốn thời gian tới ngành điện tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng để thu hút các nhà đầu tư tại huyện đảo Lý Sơn"- ông Thành cho biết.
Về phát triển các dịch vụ, nghề cá, nông nghiệp, buôn bán đến nghiệp vụ công tác học hành đều có dấu ấn đi lên từ điện quốc gia rõ nét nhất là lượng du khách đến đảo tham quan tăng đột biến kéo theo một lượng lớn nhà hàng khách sạn được xây dựng mới trên đảo. Nếu như trước năm 2013, khách du lịch tới đảo hằng năm chỉ dưới 10 ngàn lượt, thì nay lượt khách tăng lên gấp 23 lần. Ông Trần Đình Đinh, Giám đốc Điều hành Khách sạn & Resort Đảo Ngọc, Lý Sơn, Quảng Ngãi đã chia sẻ: “Khi có điện lưới quốc gia đưa ra đảo thì toàn bộ thay đổi hoàn toàn từ đời sống đến kinh tế".
Điện mặt trời tại đảo Bé, Lý Sơn, Quảng Ngãi.
Cũng như ngành nghề kinh doanh khác đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân tại Lý Sơn, theo ông Võ Son, thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, một trong những cơ sở sản xuất đá lạnh, nước lọc tinh khiết, tâm sự: “Nhờ có điện được ổn định nên việc sản xuất cũng có hiệu quả hơn xưa rất nhiều so với trước đây, cho nên, các cơ sở sản xuất tại đảo chủ yếu phục vụ cho khách hàng đánh bắt xa bờ cũng như các dịch vụ của bà con trên đảo tạm đầy đủ và đem lại hiệu quả kinh tế rất cao”.
Không những các dịch vụ, sản xuất trên đảo, các em học sinh cũng vui mừng khi có điện. Theo em Tiêu Thị Thanh An sinh năm 2002, trú tại thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn, (học lớp 12): “Trước đây, điện không ổn định, việc học hành rất khó khăn; nay, có điện, có internet và rất nhiều tiện ích khác giúp ích cho sinh hoạt, hỗ trợ rất nhiều cho việc học. Cháu có thể tham khảo từ internet mà có thể nắm bắt, hiểu thêm nội dung bài vở với thời lượng có hạn trên lớp thầy cô không thể truyền tải đến được, nhất là mùa dịch Covid-19 vừa qua”.
Thôn Bắc An Bình, đảo Bé, có 111 hộ chủ yếu làm nông (hành, tỏi), các năm trước đây có 19 hộ cận nghèo, 9 hộ nghèo; hiện giờ các hộ cận nghèo và hộ nghèo tại thôn đã vượt qua, hiện hộ nghèo tại thôn chỉ còn 2% nhờ vào dịch vụ du lịch phát triển trên thôn. Các năm trước đây, người dân trên đảo Bé không có điện chỉ sử dụng năng lượng mặt trời trích vào bình accu để dùng ban đêm, cho nên mọi người trên đảo Bé ai cũng thầm mong muốn có điện. Thấu hiểu được tâm nguyện của người dân và góp phần vào phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tại khu vực, ngoài cung cấp điện tại đảo Lớn bằng cáp ngầm, ngành điện đã tiếp tục đầu tư lưới điện tại đảo Bé để người dân nơi đây có điện sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất. Nguồn điện trên đảo hiện tại có 2 hệ thống là điện mặt trời và Diesel đảm bảo cấp điện 24/24 giờ.
Đảo Bé, giờ đang khoác trên mình một chiếc áo mới, trước đây khách du lịch qua đảo Bé một thời gian ngắn trở lại đảo Lớn vì thiếu điện, thiếu nước ngọt; giờ đảo Bé đã có nguồn điện ổn định du khách có thể lưu trú qua đêm tận hưởng những thú vị của hòn đảo này. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có chủ trương chấp thuận Dự án năng lượng sóng biển tại đảo Bé với công suất là 100kW tiến độ thực hiện vào năm 2020 – 2021 do công ty INGINE đầu tư.
Theo ông Đoàn Yên, Giám đốc Điện lực Lý Sơn, tại đảo Bé, Điện lực Lý Sơn đang quản lý, vận hành đường dây 0,4kV với chiều dài 2,673 km, gồm 2 xuất tuyến, lũy kế tháng 4 năm 2020 có 121 khách hàng, với Pmax là 48,4 kW, Ptb là 26,7 kW. Có 4 tổ máy trong đó có 2 tổ máy Cumins công suất mỗi máy là 88kW; 2 tổ máy Doosan công suất mỗi máy là 113kW, hiện nay 2 tổ máy này đang được dự phòng (tài sản của thôn Bắc An Bình) và hệ thống năng lượng mặt trời với tổng công suất là 96 kWp. Về mùa mưa không có năng lượng, để đảm bảo cấp điện 24/24 chúng tôi cho phát diesel, với số lượng dầu tại bồn chứa là 10.000 lít dự kiến sẽ đảm bảo cấp điện phục vụ người dân trên đảo được 2 tháng.
Bây giờ điện đã tỏa sáng khắp đường, khắp nẻo, ngay cả trong rẫy vẫn có điện. Mọi người rất phấn khởi, đời sống sinh hoạt đổi mới tiến bộ, tiện lợi rất nhiều. Chị Nguyễn Dư, thôn Bắc An Bình, Lý Sơn, vui mừng kể: “Trước đây gia đình chỉ sử dụng năng lượng mặt trời trích vào bình accu để dùng ban đêm, việc nấu ăn chỉ dùng bếp gas, củi; nay có điện cả ngày cả đêm nên đỡ vất vả hơn nhiều, trả tiền điện theo giá nhà nước quy định, có điện sinh hoạt gia đình rất thuận tiện so với trước đây rất nhiều. Gia đình tôi ngoài công việc làm nông đã xây dựng thêm homestay để cho khách du lịch thuê, cho nên kinh tế cũng có thu nhập thêm đỡ vất vả hơn trước đây nhiều”.
Vượt biển ra huyện đảo Lý Sơn, điện lưới quốc gia đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt của huyện đảo, góp phần phát triển vượt bậc về kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. “Điện” là bước ngoặt thay đổi toàn diện cuộc sống của người dân trên đất đảo, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. 6 năm, từ khi có điện, Lý Sơn dường như vừa xong cơn “chuyển mình” và giờ là lúc một Lý Sơn đang trên đà phát triển mạnh mẽ.