Tin trong nước

Màu áo tôi yêu!

Thứ hai, 13/7/2020 | 15:36 GMT+7
Dọc qua mỗi con đường liên thôn, trải dài qua các thôn xóm, qua những khu công nghiệp, khu du lịch có quy mô lớn… Hòa Vang (Đà Nẵng) hôm nay như khoác lên mình chiếc áo mới hiện đại. 
Người thợ áo cam nỗ lực xử lý sự cố sớm cấp điện trở lại phục vụ khách hàng.
 
Đời sống của người dân nơi đây cũng đang đổi thay từng ngày. Và để góp phần vào sự phát triển chung ấy là sự đồng hành, tận tụy của những người thợ áo cam trong nỗ lực cải tạo, duy trì vận hành lưới điện an toàn, ổn định phục vụ đời sống nhân dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
 
Với địa bàn quản lý rộng, gồm 8 xã thuộc huyện Hòa Vang, Điện lực Hòa Vang chủ yếu cấp điện cho các phụ tải khu vực trung du và miền núi. Từ đặc thù đó, hệ thống dây dẫn sau công tơ của khách hàng thường không đảm bảo an toàn, khách hàng sử dụng dây tiết diện nhỏ, nhiều mối nối; dây treo tạm bợ trên các cành cây hoặc đi xuyên qua các bụi rậm… rất dễ gây gián đoạn nguồn điện. Cao điểm mùa nắng nóng, có thời điểm điện lực phải nhận từ 35 đến 40 cuộc gọi xử lý sự cố trong một ngày. Do vậy, thông thường mỗi ca trực xử lý sự cố (XLSC) được bố trí 2 người, thì nay đơn vị đã phải tăng cường lên từ 4 đến 6 nhân lực để kịp thời xử lý mọi phản ánh của khách hàng.
 
Anh Nguyễn Quốc Tú - Công nhân Tổ trực XLSC cho biết: “Mùa nắng nóng năm nay, địa chỉ khách hàng yêu cầu xử lý sự cố nhiều lắm. Mỗi lần vào ca trực, anh em phải chạy ngược chạy xuôi khắp nơi (do địa bàn nông thôn trải rộng - PV) để khắc phục sự cố lưới điện cho khách hàng. Nhiều hôm, mải làm việc, anh em bỏ cơm là chuyện bình thường”. Đang dở dang câu chuyện với chúng tôi, tiếng chuông điện thoại báo địa chỉ khách hàng cần xử lý sự cố. Chúng tôi theo chân các anh để được cảm nhận rõ hơn về công việc vất vả của những người thợ áo cam.
 
Tranh thủ thời gian di chuyển trên đường, anh Tú bộc bạch: “Mùa nắng nóng này bọn anh cực lắm, phải di chuyển nhiều hơn, có khi gần cả 100 cây số một ngày. Bất kể đêm hay ngày, cứ nơi nào người dân báo mất điện là anh em phải tức tốc đến ngay”. Nói rồi, anh kể lại những tình huống bất ngờ, nguy hiểm trong lúc làm việc mà có lẽ người công nhân điện nào cũng đã từng nếm trải: “Trên trụ điện bây giờ đâu chỉ có mỗi dây điện, có lần khi đang sửa điện bất ngờ cáp viễn thông có tín hiệu kết nối, anh bị điện giật. Tuy không nguy hiểm tính mạng, nhưng dễ khiến anh em giật mình và buông tay té ngã”. 
 
Đến địa chỉ khách hàng tại thôn Phú Túc, xã Hòa Phú (cách Điện lực Hòa Vang 17 km), các anh gặp khách hàng là một bác gái tầm 60 tuổi, người dân tộc Kơ Tu thuộc diện hộ nghèo neo đơn. Thấy các anh, bằng giọng Kinh lơ lớ bác nói: “Nhà mình bị cháy điện rồi, nhà không có điện không chạy quạt được mà thời tiết nóng quá”. Sau khi kiểm tra, phát hiện dây tải trong nhà bị cháy, các anh vội chạy xuống trung tâm xã Hòa Phú, tự bỏ kinh phí mua dây dẫn về lắp đặt và đấu nối khôi phục điện lại cho bác gái. 
 
Chưa kịp cảm nhận niềm vui của khách hàng thì chuông điện thoại lại vang lên, nhóm công tác nhận yêu cầu xử lý sự cố tại địa chỉ khách hàng ở thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc (cách vị trí hiện tại khoảng 20 km). Mặc dù giữa trưa trời nắng nóng, di chuyển đường xa và bụi mịt mù, nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận rõ tinh thần làm việc hăng hái, nụ cười vẫn luôn thường trực trên khuôn mặt rám nắng, nhễ nhại mồ hôi của các anh. Trên đường đi, nhiều cuộc điện thoại gọi tới, các anh nhanh chóng tiếp nhận, lấy sổ ghi chép lại và sắp xếp khoa học để kịp thời gian xử lý phục vụ khách hàng.
 
Chia sẻ thêm về công việc mình đang làm, anh Tú cho biết nhiều hôm gặp phải tình huống “dở khóc dở cười” như khách hàng cho địa chỉ không chính xác, hay khi vừa đến nơi nhưng không có ai ở nhà, hoặc điện đã được kết nối nhưng khách hàng không báo lại… khiến các anh phải “vắt sức” mà chạy; dẫu vậy, anh em vẫn luôn giữ tinh thần làm việc vui vẻ, giao tiếp đúng chuẩn mực với khách hàng. Chưa kể mỗi lần gió lốc, mưa giông bất ngờ, cây cối ngã đổ đè lên đường dây; mái tôn, biển hiệu quảng cáo rơi làm đứt dây…toàn đội phải căng mình để khắc phục nhanh sự cố, bố trí thêm nhân lực để vừa xử lý vừa cảnh báo an toàn cho người dân.
 
Niềm vui của khách hàng tại thôn Phú Túc, huyện Hòa Vang sau khi anh em xử lý sự cố.
 
Tới địa chỉ khách hàng ở thôn Nam Yên, giữa cái nắng buổi trưa như thiêu đốt, thân cột điện lúc chúng tôi sờ vào có cảm giác nóng bỏng tay. Nhìn cách các anh đeo dây đai an toàn rồi thoăn thoắt leo lên cột, mồ hôi tuôn ướt đẫm cả khuôn mặt, đôi bàn tay đen sạm, chai sần dùng kềm cắt dây, đấu nối lại để có điện cho bà con, chúng tôi cảm phục xen lẫn xúc động, tự hào về màu áo cam mà những người thợ điện đang khoác trên mình.
 
Đó chỉ là một trong nhiều nhóm công tác của điện lực tỏa đi khắp các ngõ hẻm, lặng thầm ngày đêm di chuyển qua từng địa chỉ của khách hàng để khắc phục sự cố, nối mạch điện sáng đến với người dân. Chuyện trò cùng các anh, chúng tôi nhận thấy có một điểm chung giữa các Tổ trực XLSC đó là tinh thần làm việc hăng say, không quản khó khăn vì mục tiêu mang đến sự an toàn, an tâm, tin tưởng cho mỗi khách hàng sử dụng điện.  
 
Chỉ vài tiếng theo chân các anh đến các địa chỉ vùng xa, chứng kiến công việc xử lý cấp điện cho người dân trong những tháng cao điểm mùa hè, người viết phần nào thấm thía bao nỗi vất vã, nhọc nhằn của những người thợ áo cam. Tạm biệt các anh, trong mỗi chúng tôi là hình ảnh màu áo cam “đội nắng”, phơi mình giữa cái nóng bỏng rát, khắc nghiệt của mùa hè để phục hồi dòng điện phục vụ sinh hoạt cho bà con. Có lẽ vì thế, nên dù ở đâu hay trong hoàn cảnh nào, người thợ điện cũng được ví như những "người lính" giữa thời bình, chẳng ngại gian khó giữ bình yên cho dòng điện quê hương.
Theo: CPC