Thông tin đầu tư

Miền Trung thu hút nhiều dự án trong lĩnh vực năng lượng

Thứ ba, 4/5/2021 | 09:17 GMT+7
Với tiềm năng về nắng và gió, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu, đề xuất các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương miền Trung, như Ninh Thuận, Phú Yên,…
 
Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã quan tâm nghiên cứu, đề xuất các dự án năng lượng tái tạo tại các địa phương miền Trung, như Ninh Thuận, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị…
 
Sôi động
 
Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi của tỉnh Bình Định. Trong đó, Tập đoàn PNE (CHLB Đức) đăng ký đầu tư dự án quy mô công suất 2.000 MW, Công ty CP Đầu tư năng lượng Phát Đạt đăng ký 2.600 MW, Công ty cổ phần Xây lắp điện I đăng ký 1.000 MW. Đặc biệt, siêu dự án của Tập đoàn PNE đang được xúc tiến mạnh để triển khai với kế hoạch xây dựng 154 - 166 tua-bin (12 - 13 MW/tua-bin), dự kiến sản lượng điện 6,5 - 7 tỷ kWh/năm. Với tiềm năng như vậy, UBND tỉnh đã kiến nghị Trung ương xem xét thẩm định phê duyệt bổ sung các dự án điện mặt trời và điện gió trên địa bàn tỉnh vào Quy hoạch Phát triển điện lực, để có cơ sở triển khai thực hiện, thu hút nhà đầu tư.
 
Tại Quảng Trị, địa phương này đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung. Đến nay, Quảng Trị có 13 dự án năng lượng đã đi vào hoạt động, với công suất 276 MW. Riêng về điện gió, Quảng Trị có 31 dự án được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 1.177,2 MW. Mới đây, Quảng Trị đã ký chấp thuận chủ trương đầu tư 3 dự án điện gió với tổng vốn đầu tư lên đến gần 5.800 tỷ đồng.
 
Giữa tháng 4/2021, Tập đoàn Trung Nam (Trungnam Group) đã đưa Nhà máy Điện gió Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận vào hoạt động. Đây được xem nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam và khi kết hợp với nhà máy điện mặt trời thì tổ hợp năng lượng điện gió, điện mặt trời của Trung Nam đạt 950 triệu - 1 tỷ kWh/năm. Tính đến hết năm 2020, Trungnam Group đã đầu tư tại Ninh Thuận hơn 1,5 tỷ USD, mỗi năm mang lại doanh thu trên địa bàn hơn 5.400 tỷ đồng.
 
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trên địa bàn Ninh Thuận đang một làn sóng đầu tư vào năng lượng tái tạo, với nhiều nhà đầu tư chiến lược. “Ninh Thuận sở hữu tiềm năng về năng lượng gió, năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước. Phát triển năng lượng tái tạo là lĩnh vực ưu tiên, đột phá để Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo”, ông Nam nói.
 
Động lực tăng trưởng
 
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group cho biết: “Năm 2021, Trungnam Group sẽ hoàn thành 3 nhà máy điện gió tại Đắk Lắk, Ninh Thuận và Trà Vinh, hơn 600 MW phải được hoà lưới điện quốc gia trước ngày 31/10/2021. Trungnam Group đang tiếp tục thực hiện nhiều dự án năng lượng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2027 sẽ đưa thêm 10 GW hòa lưới hệ thống điện quốc gia”.
 
Các địa phương miền Trung đang đua nước rút để sớm đưa các dự án năng lượng tái tạo vào hoạt động, nhằm tạo động lực phát triển.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng cho biết, Quảng Trị phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung với quy mô công suất khoảng từ 13.000 MW đến 15.000 MW. Đến năm 2025, phấn đấu đạt quy mô công suất phát điện khoảng 4.000 MW. Đến nay, trên địa bàn Quảng Trị có 53 dự án năng lượng được quy hoạch với tổng công suất 4.746MW, trong đó có 15 dự án tổng công suất 77 MW đã được đưa vào vận hành, 38 dự án tổng công suất 2.959 MW đang triển khai đầu tư xây dựng. Ngoài ra, hơn 70 dự án với tổng công suất khoảng 10.700 MW đã được UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét đưa vào quy hoạch.
 
Tại tỉnh Ninh Thuận, địa phương này đặt kế hoạch năm 2021 phải hoàn thành 737 MW điện thuộc các dự án năng lượng trên địa bàn. Tuy nhiên, nhiều dự án đang chậm tiến độ, như Nhà máy Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, quy mô 30 MW; Nhà máy Điện gió Adani Phước Minh (Thuận Nam) với quy mô 27,3 MW; 2 dự án nhà máy Điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3… Vì vậy, Ninh Thuận đang đốc thúc các chủ đầu tư, chỉ đạo các ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo để sớm đi vào hoạt động, đặc biệt là dự án điện gió, bởi dự án điện gió muốn được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ thì phải hoàn thành trước ngày 30/10/2021…

Link gốc
Theo: Báo Đầu tư