"Mỏ vàng" điện rác

Thứ hai, 28/8/2017 | 14:11 GMT+7
Nhận thấy rác thải là những “mỏ vàng” có thể tái chế thành năng lượng thu lời cao, một nhà đầu tư đã không ngần ngại lên kế hoạch bỏ ra hàng chục triệu đô la Mỹ vào những dự án biến rác thành điện tại TPHCM, Tây Ninh, Bình Dương...
Nhà máy xử lý rác thải thành điện tại Gò Cát. Ảnh: Văn Nam
 
Thông tin từ ông Đồng Minh Toàn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước, lượng rác thải mỗi ngày tại TPHCM lên đến 8.600 tấn rác thải sinh hoạt; 1.500 tấn rác thải công nghiệp và khoảng 400 tấn rác thải y tế. Đây là nguồn nguyên liệu lý tưởng để ông thử cơ hội kiếm tiền từ những dự án phát điện bằng nguyên liệu rác thải. Ông đã quyết định đầu tư sang một lĩnh vực hoàn toàn mới bằng việc rót hơn 30 tỉ đồng cho Công ty TNHH Thủy lực - Máy (một doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên về xử lý rác thải thành năng lượng) làm thí điểm dự án xử lý rác thải công nghiệp thành năng lượng tại bãi rác Gò Cát. Những thông số bước đầu cho thấy dự án diễn tiến khá thuận lợi.
 
Trao đổi với TBKTSG hồi tuần trước, ông Toàn cho biết qua tính toán, mỗi kWh điện được ngành điện mua với giá khoảng 2.200 đồng, cộng với nguồn thu từ chi phí xử lý chất thải công nghiệp được các chủ nguồn thải chi trả, thì khả năng thu hồi vốn rất khả thi. Ông nói: “Qua tính toán ban đầu, tôi dự định sẽ đầu tư thêm 40 triệu đô la Mỹ nữa để nâng công suất dự án điện rác tại Gò Cát lên 20 MW, xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày”. Cũng theo ông Toàn, tuần tới, ông sẽ có buổi làm việc với chính quyền tỉnh Tây Ninh để xúc tiến triển khai một dự án phát điện từ rác công suất 10 MW trong năm nay, vốn đầu tư ước khoảng 300 tỉ đồng. “Sau TPHCM và Tây Ninh, chúng tôi cũng có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Bình Dương”, ông Toàn cho biết.
 
Ông Toàn nhận định nguồn rác thải công nghiệp dồi dào cộng với lượng rác còn tồn hơn 5 triệu tấn tại bãi Gò Cát là cơ sở để dự án điện rác tại Gò Cát hoạt động lâu dài. Còn ông Nguyễn Gia Long, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Lực - Máy thì cho biết tính đến thời điểm cuối tháng 6-2017, nhà máy thí điểm sản xuất điện từ rác tại Gò Cát đã xử lý 500 tấn rác thải công nghiệp, công suất phát và hòa vào lưới điện quốc gia đạt 7 MW.
 
Ông Long cho hay công nghệ của nhà máy nhằm chuyển hóa vật chất từ dạng rắn sang dạng khí bằng phương pháp nhiệt hóa trong điều kiện thiếu oxy. Đầu tiên, sản phẩm của công đoạn khí hóa (quá trình chuyển hóa nhiên liệu từ dạng rắn sang dạng khí) là khí tổng hợp (syngas) và than carbon (than sạch). Sau đó, nguồn năng lượng này được sử dụng làm nhiên liệu cho động cơ đốt trong phát điện - công đoạn cuối cùng trong chuỗi phát điện và hòa lưới điện quốc gia.
 
“Đây là dây chuyền tự động, khép kín quá trình khí hóa trong điều kiện thiếu oxy nên không phát thải thứ cấp, không ảnh hưởng đến môi trường. Sản phẩm sau rác là năng lượng điện. Đặc biệt, công nghệ điện rác giúp TPHCM có thêm giải pháp xử lý chất thải, giảm dần việc xử lý rác bằng chôn lấp, mang lại lợi nhuận kinh tế và lợi ích môi trường”, ông Long chia sẻ thêm.
 
Còn theo tính toán của ông Đồng Minh Toàn, thông thường, thời gian thu hồi vốn của các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió... là phải trên 10 năm, trong khi khả năng hoàn vốn một dự án điện rác có thể chỉ chừng năm năm. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của điện rác là khá lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, điều ông Toàn lo ngại nhất là tính ổn định của đầu vào nguyên liệu rác thải cho các nhà máy mà ông chuẩn bị đầu tư. Ông cho biết trong đề án triển khai dự án được công ty trình UBND thành phố sắp tới đây, có thể ông sẽ đề xuất cơ quan chức năng cam kết đảm bảo ổn định nguồn rác nguyên liệu đầu vào cho nhà máy hoạt động.
 
Bên cạnh dự án tại Gò Cát, gần đây có khoảng năm nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn tham gia các dự án đốt rác phát điện tại TPHCM. Trong đó, phải kể đến các dự án: liên doanh giữa Công ty Tiến Phước với một doanh nghiệp nước ngoài; dự án của Công ty Trisun Green Energy; dự án của Công ty Hitachi Zosen...
 
Trao đổi với TBKTSG, đại diện Ban Quản lý các khu xử lý chất thải TPHCM cho biết hiện chính quyền TPHCM đang thẩm định và yêu cầu các dự án xử lý rác thải chuyển đổi công nghệ hiện đại, kể cả những dự án đốt rác phát điện, để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Vị này cũng cho rằng về hiệu quả kinh tế lẫn môi trường, việc thu hút đầu tư các dự án đốt rác phát điện công nghệ hiện đại là điều rất đáng làm trong bối cảnh lượng rác thải tại thành phố ngày càng tăng, tạo áp lực về diện tích đất nếu vẫn xử lý theo công nghệ chôn lấp.
 
Còn theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện các khu xử lý chất thải lớn tại thành phố như Đa Phước, Tâm Sinh Nghĩa, Vietstar... đều đang có đề án chuyển đổi một phần sang công nghệ hiện đại hơn, hướng tới giảm lượng rác chôn lấp, tăng lượng rác xử lý theo công nghệ tái chế hoặc bằng đốt phát điện. 
 
Việc thu hút đầu tư các dự án đốt rác phát điện công nghệ hiện đại là điều rất đáng làm trong bối cảnh lượng rác thải tại thành phố ngày càng tăng, tạo áp lực về diện tích đất nếu vẫn xử lý theo công nghệ chôn lấp.
Theo: The Saigon Times