Ông Nguyễn Đức Tuyển (áo trắng ghi, đứng thứ 6 từ trái qua tặng quà động viên CBCNV trên công trường.
Nhân dịp kỷ niệm 33 năm ngày thành lập CPMB (7.7.1988-7.7.2021), phóng viên đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc CPMB về những thành quả của đơn vị đạt được trong suốt chặng đường 33 năm qua.
Phóng viên (PV): Xin ông đánh giá những nét khái quát về các công trình, dự án tiêu biểu, gắn với các bước phát triển mà CPMB đã đảm nhiệm với vai trò thay mặt Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) quản lý, điều hành dự án trong suốt 33 năm qua?
Ông Nguyễn Đức Tuyển: Ngày 7-7-1988, Ban Quản lý công trình điện trực thuộc Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực Miền Trung), là tiền thân của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung (CPMB) ngày nay, được thành lập theo Quyết định số 842/NL-TCCB của Bộ trưởng Bộ Năng lượng. Trải qua các giai đoạn, CPMB đã có nhiều tên gọi khác nhau. Cụ thể, giai đoạn từ ngày 13-3-1990 đến 15-10-1991 thành lập Sở Truyền tải điện 1, trên cơ sở Ban quản lý công trình điện, thuộc Công ty Điện lực 3 vừa làm nhiệm vụ quản lý dự án và quản lý vận hành.
Sau đó, đến 15-10-1991, Ban quản lý dự án các công trình điện được thành lập, tách ra từ Sở Truyền tải điện 1 và thuộc Công ty Điện lực 3. Ngày 28-6-1995, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung được thành lập trên cơ sở Ban Quản lý dự án các công trình điện, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và sau đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ năm 2006. Ngày 1-7-2008, CPMB được chuyển về trực thuộc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia.
Ngay khi thành lập, CPMB chỉ có gần 30 CBCNV, với nhiệm vụ đại diện Công ty Điện lực 3 là chủ đầu tư điều hành một số dự án lưới điện 35kV, 110kV và 220kV trong điều kiện hết sức khó khăn như sự thiếu thốn về cơ sở vật chất kỹ thuật, trụ sở làm việc, phương tiện hoạt động. Giai đoạn này, miền Nam thiếu điện gay gắt, ngay tại Tp. Hồ Chí Minh, vào mùa khô phải luân phiên cắt điện tới 5 lần mỗi tuần. Miền Trung cũng rơi vào tình trạng “đói điện”, toàn miền chủ yếu được cấp điện bằng các nguồn điện nhỏ, rải rác.
Trong giai đoạn này, những người làm công tác quản lý dự án truyền tải điện đã khắc phục gian khổ, khẩn cấp xây dựng hàng loạt các công trình trạm biến áp và đường dây tải điện 110, 220kV tuyến Vinh - Quảng Ngãi vào vận hành truyền tải điện từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, khắc phục tình trạng cắt điện thường xuyên trong suốt hàng chục năm trước đó, đánh dấu bước phát triển của toàn ngành Điện nói chung và hệ thống lưới điện Quốc gia nói riêng.
Và đến năm 1990, các đường dây 220-110kV từ Vinh nối vào Đà Nẵng hoàn thành. Đường dây 220kV Vinh-Đồng Hới đóng điện vận hành tạm với cấp điện áp 110kV và thông qua đường dây 110kV Đồng Hới- Đông Hà- Huế, trạm 110kV Đông Hà vào đến trạm 110kV Xuân Hà- Đà Nẵng, bước đầu xóa tình trạng đói điện của thành phố Đà Nẵng. Vào thời khắc này, người dân phấn khởi lần đầu tiên đón nhận ánh sáng từ điện lưới Quốc gia, đó chính là món quà tinh thần vô giá đối với tập thể Ban lúc đó. Đến năm 1992, đường dây 110kV tiếp tục vào đến Quảng Ngãi rồi đến Bình Định, vượt qua hơn 600 km và cung cấp với sản lượng khoảng 300 triệu kWh.
Ông Nguyễn Đức Tuyển- Giám đốc CPMB.
Từ năm 1991-1998, đội ngũ CBCNV được tăng lên 62 người, đáp ứng sự phát triển vượt bậc của Ban trong giai đoạn này. Lúc này, CPMB được giao quản lý nhiều dự án và các dự án cũng có quy mô ngày càng lớn hơn, như: Đường dây 220kV Pleiku-Quy Nhơn, đường dây 220kV KrôngBuk- Nha Trang và các trạm biến áp (TBA) 220kV KrôngBuk, Nha Trang, hệ thống đường dây và TBA 35-110kV trên địa bàn các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam- Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai. Các dự án đóng điện trong giai đoạn này đánh dấu bước phát triển ngày càng vượt bậc trong quản lý dự án của CPMB.
Trong tiến trình đổi mới của đất nước, sau những chặng đường chập chững với những thành quả đầu tiên, để đảm bảo cung cấp điện năng, phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam, ngày 27-5-1994, đường dây 500kV Bắc- Nam mạch 1 chính thức được đưa vào vận hành. Cũng từ sau giai đoạn này, sau khi chính thức chuyển đổi thành Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung vào ngày 28-6-1995, trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và sau đó là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, CPMB đã phát triển cả về số lượng, chất lượng các dự án được giao, mở rộng khu vực hoạt động không chỉ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên mà còn vào các tỉnh phía Nam và ra các tỉnh phía Bắc.
Giai đoạn từ năm 1999 là giai đoạn phát triển vượt bậc, đánh dấu những mốc son trong quá trình trưởng thành của Ban. Đường dây 500kV Yaly-Pleiku đóng điện năm 1999 là dự án cấp điện áp 500kV đầu tiên được giao cho CPMB thực hiện quản lý dự án (thời điểm mà các Ban A miền khác mới quản lý dự án đến cấp 220kV); Đường dây 500kV Pleiku- Phú Lâm đóng điện tháng 4/2004, góp phần quan trọng vào việc chuyển tải công suất qua lại giữa ba miền Bắc- Trung- Nam và tạo sự tin cậy, ổn định vận hành hệ thống điện 500kV của Việt Nam. Đây là đường dây 500kV mạch 2 quy mô lớn nhằm truyền tải điện từ Nhà máy Thủy điện Yaly (công suất 720 MW) phục vụ cho chương trình công nghiệp hóa ở các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Tp. Hồ Chí Minh mà CPMB được giao quản lý dự án, vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải vào dự lễ khởi công.
Rồi đường dây 500kV Pleiku- Dốc Sỏi- Đà Nẵng đóng điện tháng 11/2004 và đường dây 500kV Đà Nẵng- Hà Tĩnh đóng điện tháng 5/2005 giải quyết kịp thời tình trạng thiếu điện trên diện rộng vào năm 2005 cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc. Còn các đường dây 220kV mua điện Trung Quốc qua Hà Giang như: Thanh Thủy- Hà Giang- Tuyên Quang, Tuyên Quang- Thái Nguyên và đường dây 110kV kết hợp 220kV Sóc Sơn- Thái Nguyên đóng điện tháng 4/2007, đường dây 220kV Tuyên Quang- Bắc Kạn- Thái Nguyên đóng điện tháng 6/2008 là giải pháp mua điện từ Trung Quốc hữu hiệu và kịp thời nhất, "cứu" điện cho khu vực quanh Thủ đô Hà Nội trong năm 2007 và những năm tiếp theo ở thời kỳ Việt Nam thiếu điện nghiêm trọng.
Việc hoàn thành những công trình đó đã được lãnh đạo các cấp và lãnh đạo EVN đánh giá cao về sự điều hành linh hoạt, quyết liệt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giao, đồng thời khẳng định được năng lực và xây dựng hình ảnh của Ban A Miền Trung (CPMB). Đóng góp vào những thành công này tôi cho rằng còn là sự phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các địa phương và các đơn vị trong và ngoài ngành, cùng với quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, quan trọng hơn nữa là sự thống nhất một lòng từ trên xuống của CPMB.
TBA 500kV Dốc Sỏi.
PV: Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, CPMB cũng gắn liền với sự phát triển đó và ghi dấu ấn bằng việc tiếp tục đảm nhiệm quản lý, điều hành những công trình điện trọng điểm của đất nước. Theo ông, đây có phải là thời kỳ đánh dấu bước phát triển mới của CPMB không ?
Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển: Theo tôi, cho dù được phát triển trong giai đoạn nào, nhưng chính sự đoàn kết, nhất trí của tập thể CBCNV qua các thời kỳ đã giúp CPMB lớn mạnh lên từng ngày. Đặc biệt, từ năm 2008, thời điểm Tổng công ty truyền tải Quốc gia (EVNNPT) được thành lập, CPMB cũng chuyển qua trực thuộc EVNNPT vào ngày 01/7/2008. Đây được xem là thời kỳ mới cho sự phát triển của CPMB.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm cấp bách đã được khẩn trương đầu tư xây dựng, đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu như: các TBA 500kV Sơn La, Hiệp Hòa, Lai Châu, Việt Trì, Chơn Thành, Pleiku 2, nâng công suất TBA 500kV Dốc Sỏi; các đường dây 500kV Quảng Ninh- Hiệp Hòa, Vũng Áng rẽ Hà Tĩnh, Đà Nẵng, mạch 3 Pleiku- Mỹ Phước- Cầu Bông; các đường dây 220kV Vũng Áng- Hà Tĩnh; Đồng Hới- Ba Đồn; mạch 2 Đồng Hới- Đông Hà- Huế, Xêkaman 1 (Hatxan)- Pleiku 2 (phần trên lãnh thổ Việt Nam); các TBA 220kV Ba Đồn, Phong Điền, Đắk Nông….
Trong vài năm gần đây Ban đã kịp thời đưa vào vận hành các dự án cấp bách giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo như nâng công suất TBA 220kV Tháp Chàm, đường dây 220kV Bình Long- Tây Ninh, TBA 220kV Ninh Phước, TBA 220kV Vân Phong; các dự án giải tỏa nguồn BOT Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Mới đây, ngày 29-6, đơn vị đã hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Dốc Sỏi- Pleiku 2, một trong 3 dự án thành phần thuộc dự án đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng- Quảng Trạch- Dốc Sỏi- Pleiku 2 và ngày 30/6 vừa qua, tiếp tục đóng điện TBA 220kV Lao Bảo thuộc dự án TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà- Lao Bảo. Đây là các dự án thi đua lập thành tích chào mừng 13 năm ngày thành lập EVNNPT (1.7.2008-1.7.2021) và 33 năm ngày thành lập Ban (7.7.1988-7.7.2021).
Đáng chú ý, việc đóng điện dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV mạch 3 trong 6 tháng cuối năm nay sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với đơn vị nói riêng và EVNNPT nói chung, góp phần khắc phục nguy cơ sự cố trên các đường dây truyền tải Bắc- Trung, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an ninh năng lượng và giảm chi phí vận hành chung của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện miền Bắc và miền Trung vào miền Nam, tạo điều kiện vận hành kinh tế hệ thống điện sau năm 2025.
Như vậy trong suốt 33 năm qua, CPMB đã hoàn thành 11.143 km đường dây và tổng dung lượng máy biến áp 26.060 MVA, với tổng giá trị đầu tư 49.705 tỷ đồng. Với những kết quả, thành quả nêu trên tập thể CBCNV CPMB đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương lao động hạng 3 năm 1999; Huân chương lao động hạng 2 năm 2004; Huân chương lao động hạng 1 năm 2009; Huân chương độc lập hạng 3 năm 2013 và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ năm 2021 và giai đoạn 2021-2025 với giá trị đầu tư ngày càng tăng cao, những khó khăn vướng mắc cũng sẽ còn nhiều, vì vậy tôi cho rằng CBCNV CPMB càng phải phấn đấu, nỗ lực hơn nữa nhằm góp phần thực hiện sứ mệnh của EVNNPT. Đó là: “Đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam”.
Ảnh minh họa.
PV: Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc đơn vị, ông có thể chia sẻ bí quyết hay bài học kinh nghiệm nào đã giúp CPMB có truyền thống làm nên những kết quả thành công đó trong suốt chặng đường 33 năm qua, nhất là yếu tố con người?
Giám đốc Nguyễn Đức Tuyển: Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc, tôi nhận thấy trước hết, Ban Chấp hành Đảng bộ/Ban Lãnh đạo cùng toàn thể CBCNV phải là tập thể đoàn kết, thống nhất, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật; triển khai quán triệt nghiêm túc và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp, lãnh đạo và giải quyết đúng các vấn đề về chiến lược, các nhiệm vụ cấp bách. Đồng thời, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội; vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của đơn vị.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời phát hiện xử lý những vấn đề nảy sinh; xây dựng đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, trong từng đảng bộ, chi bộ; Tạo sự chuyển biến thực sự và đồng bộ trong công tác cán bộ trên tất cả các khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng và chính sách cán bộ. Đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, trọng dụng nhân tài; phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, phân công cụ thể, đánh giá, động viên kịp thời, thực hiện tốt các mối quan hệ phối hợp. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, giám sát, năng lực và phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ủy lãnh đạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
PV: Xin cảm ơn ông !