Tin thế giới

Mỹ đi đầu phát triển năng lượng mặt trời

Thứ năm, 28/5/2020 | 08:56 GMT+7
Với những điều kiện của mình, Mỹ đang dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời.

Năng lượng mặt trời được phát triển mạnh tại Mỹ.
 
Bộ Nội vụ Mỹ vừa thông qua lần cuối dự án năng lượng mặt trời lớn nhất ở Mỹ, trị giá lên tới 1 tỷ USD ở tại tiểu bang Nevada, có thể cung cấp điện cho khoảng 260.000 hộ gia đình, đủ để đáp ứng nhu cầu của dân cư tại Las Vegas. Dự án năng lượng mặt trời Gemini sẽ được triển khai trên một vùng đất sa mạc rộng khoảng 28km2, cách khu vực Đông Bắc Las Vegas khoảng 53km.
 
Dự án này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như môi trường, tạo ra hàng ngàn việc làm trong lĩnh vực xây dựng và sản xuất ra nguồn năng lượng sạch có thể bù đắp lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của khoảng 83.000 chiếc xe hơi. Giai đoạn đầu xây dựng sẽ hoàn thành vào năm 2021 và hoạt động hết công suất vào năm 2023. Hỗ trợ tài chính cho dự án trên có NV Energy Inc., một công ty con thuộc tập đoàn Berkshire Hathaway Inc của nhà tỷ phú Warren Buffet và Quinbrook Infrastructure Partners, một công ty cổ phần tư nhân. Năm ngoái, hai công ty này đã ký một thỏa thuận có thời hạn 25 năm để phát triển 690 megawatts điện năng lượng Mặt trời.
 
Trước đó, Mỹ cũng đã từng có 2 dự án nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới tại bang California (Mỹ). Bang California ( Mỹ) có khoảng 102.750 km2 là sa mạc nắng nóng. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển điện mặt trời. Tại đây, năm 1982, nhà máy quang điện công suất 1 MW đầu tiên trên thế giới đã được xây dựng.
 
Trong giai đoạn 2011 – 2014, tại California đã xây dựng 2 nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới. Đó là Trang trại quang điện Topaz (công suất 550 MW). Chủ sở hữu Topaz (Công ty MidAmerican Renewables) đã đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD và bắt đầu xây dựng trại quang điện này từ năm 2011. Topaz được hoàn thành, đi vào hoạt động vào tháng 11/2014. Có khoảng  hơn 400 công nhân tham gia lắp đặt gần 9 triệu tấm pin mặt trời trên diện tích gần 25 km2. Đây là loại pin quang năng Cadmium-telluride (CdTe) dạng mỏng, do Công ty First Solar (Mỹ) chế tạo.
 

Nhà máy điện mặt trời Ivanpah
 
Nhà máy điện mặt trời Ivanpah (công suất 392 MW) có tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích khoảng 13km2, tại sa mạc Mojave, bang California. Chủ đầu tư dự án là Công ty Năng lượng NRG, BrighSource và Google. Nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 10/2010, đi vào vận hành từ tháng 2/2014.
 
Ivanpah được trang bị khoảng 347.000 chiếc gương điều khiển bằng máy tính, mỗi chiếc cao khoảng 2,13m và rộng khoảng 3,05m. Hệ thống gương này được điều chỉnh để tập trung ánh sáng mặt trời vào 3 ngọn tháp cao gần 140m. Tại đây, nhiệt năng sẽ làm nước bốc hơi và chạy tuabin phát điện. Khi vận hành hết công suất, hệ thống  Ivanpah sẽ cấp điện đủ cho 140.000 hộ gia đình.
 
Trong năm 2019 Hoa Kỳ đã sản xuất 720,4 TWh điện tái tạo với các nguồn như điện mặt trời hoặc năng lượng địa nhiệt, tăng 19% so với năm trước.
 
Nghiên cứu "Triển vọng năng lượng tái tạo" do Cơ quan Thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ tiến hành cho thấy Mỹ là một trong những nước sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực này, có thể sản xuất điện năng phần lớn từ năng lượng tái tạo vào năm 2050.
 
Nghiên cứu nói trên cho rằng Mỹ có thể sản xuất ra 80% điện năng từ năng lượng tái tạo bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện. Nghiên cứu cũng dự báo khả quan về triển vọng phát triển năng lượng tái tạo nhằm cung ứng điện năng trên cả nước vào mọi thời điểm trong năm và hiện Mỹ có nhiều hướng đi để đạt được mục tiêu này.
 
Để thực hiện, Mỹ đã đề ra chính sách năng lượng sạch lâu dài nhằm tạo ra một thị trường bền vững cho năng lượng tái tạo, khuyến khích và hỗ trợ việc tích hợp năng lượng tái tạo, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển lĩnh vực này. Đồng thời, Mỹ cũng đưa ra nhiều biện pháp kịp thời như nỗ lực cải thiện lưới điện bằng cách tăng cường hạ tầng cơ sở truyền dẫn để tích hợp được một lượng lớn năng lượng tái tạo, kết hợp với kế hoạch hóa phát triển lưới điện tiên tiến hơn để duy trì tính tin cậy và bền vững của loại năng lượng này.
 
Trong đó, năng lượng mặt trời được chú trọng bởi đó là thành phần chủ yếu trong hệ thống năng lượng tái tạo của Mỹ. Trong những năm qua, chi phí cho hệ thống sản xuất điện mặt trời đã giảm đáng kể, góp phần mang lại cho các gia đình và doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với năng lượng sạch và giá thành phải chăng. Thông qua hạng mục đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), Bộ Năng lượng Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy phát triển và mở rộng thị trường năng lượng mặt trời trên cơ sở hài hòa, bền vững, phát triển sản xuất điện đi đôi với cơ sở hạ tầng kèm theo, như mạng lưới truyền tải hay tích trữ điện.
 
Bộ Năng lượng Mỹ sẽ tiếp tục định hướng chiến lược đầu tư nhằm chuyển đổi sang sản xuất năng lượng an toàn và sạch hơn. Đến nay, việc sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo không ngừng gia tăng, các thống đốc bang tại Mỹ đang thúc đẩy phát triển công nghệ năng lượng sạch.

Link gốc
Theo: Năng lượng Sạch VN