Các chuyên gia đến từ Bộ Năng lượng Mỹ đều đánh giá cao tiềm năng nền kinh tế hydrogen ở Việt Nam - Ảnh: N.BÌNH
Ngày 1-12, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, Sở Công Thương TP.HCM và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đã tổ chức hội thảo "Hydrogen, thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh", một hoạt động trong Dự án năng lượng phân tán đô thị Việt Nam tại TP do USAID tài trợ.
Dự án nhấn mạnh vai trò của công nghệ hydrogen trong việc chuyển đổi năng lượng xanh.
Được coi là công nghệ dẫn đầu cho nỗ lực khử carbon trên toàn cầu, nhiều nhà nghiên cứu đánh giá Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng dẫn đầu về hydrogen, một trong những nguồn nguyên liệu thay thế sạch nhất khi được sản xuất từ năng lượng gió và mặt trời.
Hydrogen sạch có thể trộn với các nhiên liệu truyền thống như khí đốt để giảm lượng khí thải, với các ứng dụng trong nhiều ngành công nghiệp như thép, hóa chất, phân bón và vận tải. Hydrogen cũng có thể được sử dụng cho mục đích lưu trữ năng lượng, cung cấp dự phòng sạch nếu cần.
Nằm trong xu hướng toàn cầu tập trung vào tiềm năng giảm phát thải nhà kính của hydrogen, Việt Nam đang tích cực tìm kiếm các phương pháp mới để giảm phát thải carbon.
Bà Susan Burns, tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, đánh giá Việt Nam có cơ hội lớn để dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất hydrogen sạch. Rất ít quốc gia trong khu vực có vị trí đắc địa để dẫn đầu về sản xuất nguyên liệu hydrogen, sản xuất được nguồn năng lượng tự nhiên như Việt Nam.
Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể tăng lên tới 160GW trong dài hạn và là một trong những nguồn cung ứng dồi dào nhất khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi tự hào được hợp tác với Việt Nam, cụ thể là TP.HCM để thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các nguồn năng lượng tái tạo. Hai bên sẽ cùng nhau thu hút các khoản đầu tư xanh nhằm mang lại môi trường sạch hơn cho cư dân, hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang ngành năng lượng sạch, an toàn và định hướng thị trường", bà Susan Burns nói tại sự kiện ngày 1-12 ở TP.HCM.
Dự án "An ninh năng lượng đô thị Việt Nam" phối hợp với TP Đà Nẵng, TP.HCM cùng các đối tác khu vực tư nhân, mục tiêu cải thiện môi trường chính sách ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khai thác các giải pháp năng lượng sạch, huy động nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng và triển khai các giải pháp năng lượng đổi mới sáng tạo.
Với xu hướng giá năng lượng đang tăng lên trên toàn cầu, cần thiết phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh.
Việt Nam là một trong sáu quốc gia hàng đầu chịu nhiều tổn thương trước biến đổi khí hậu. Nhận thấy những rủi ro này, Mỹ cam kết là đối tác của Việt Nam trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu và sự ấm lên của toàn cầu.
Cũng theo đại diện Tổng lãnh sự quán Mỹ, thông qua USAID, Chính phủ Mỹ đã công bố Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) trị giá 36 triệu USD và kéo dài trong 5 năm, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Việt Nam.
Ngoài ra, một loạt dự án về phát triển bền vững khác cũng đưa số vốn Mỹ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng xanh, phát triển bền vững lên đến 90 triệu USD.