Trước tình hình vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn thách thức, dự báo năm 2020 và thời gian tới, mỗi năm các nhà máy điện than luôn hướng đến chỉ tiêu vận hành 7000h/năm, trong đó vận hành mùa khô là 4000h/năm. Để đáp ứng yêu cầu này, các NMĐ phải đảm bảo sẵn sàng, hệ số khả dụng của các tổ máy, không sự cố theo hiệu suất, công suất thiết kế. Bài toán khó đặt ra là phải có chương trình sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến, với công tác vận hành để thực hiện quản trị tối ưu tài sản các nhà máy.
Thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3), Công ty Dịch vụ Sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS) đã thực hiện nghiên cứu các chiến lược sửa chữa bảo dưỡng, rút ngắn thời gian sửa chữa, tăng số giờ vận hành tổ máy cao hơn, hoạt động sản xuất điện có hiệu quả, trong đó nổi bật là giải pháp bảo dưỡng sửa chữa theo độ tin cậy tổ máy (RCM) tại NMĐ Vĩnh Tân 2. Đây cũng là giải pháp bảo dưỡng sửa chữa tiên tiến theo quy trình quốc tế đầu tiên được áp dụng cho nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam.
RCM là phương pháp nhận diện và lựa chọn chiến lược quản lý hư hỏng tối ưu nhằm đảm bảo cho hệ thống thiết bị đạt được các yêu cầu về an toàn, độ sẵn sàng và hiệu quả kinh tế trong vận hành. Chính vì thế, để thực hiện phân tích RCM đạt hiệu quả cao nhất đòi hỏi phải thực hiện phân tích, đánh giá về phân cấp thiết bị mà cụ thể là xác định các hệ thống quan trọng, thiết yếu của các tổ máy cần thực hiện RCM.
Đối với hệ thống thiết bị có nguy cơ, rủi ro cao gây hậu quả, ảnh hưởng đến môi trường hoặc an toàn thì việc phân tích, đánh giá RCM cho hệ thống thiết bị đó là bắt buộc. Đối với hệ thống thiết bị có nguy cơ, rủi ro cao gây hậu quả, ảnh hưởng đến vận hành thì việc phân tích, đánh giá RCM cho hệ thống thiết bị đó là cần thiết. Trong khi đó các hệ thống thiết bị không có nguy cơ, rủi ro cao gây hậu quả, ảnh hưởng đến vận hành thì việc phân tích, đánh giá RCM cho hệ thống thiết bị đó cần xem xét hiệu quả kinh tế của việc áp dụng RCM.
Dựa trên các nhận định về tầm quan trọng, cũng như ảnh hưởng của hệ thống, thiết bị đến độ khả dụng các tổ máy, Công ty EPS và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đã thống nhất lựa chọn hệ thống lò hơi của NMĐ Vĩnh Tân 2 để thực hiện đánh giá, phân tích RCM với mục tiêu sẽ xây dựng được kế hoạch sửa chữa bảo dưỡng toàn diện, rút ngắn thời gian sửa chữa, giảm thiểu sự cố không mong muốn, kéo dài chu kì sửa chữa bảo dưỡng của nhà máy.
Mặt khác, RCM là một lộ trình liên tục và tuần hoàn lập lại, được cải tiến và hoàn thiện liên tục nên sau mỗi chu kỳ phân tích đánh giá RCM sẽ cho kết quả là các khuyến cáo cải tiến nâng cấp và hoàn thiện lịch sửa chữa bảo dưỡng dựa trên các đánh giá kinh tế - kỹ thuật phù hợp với bối cảnh vận hành hiện tại.
EPS thực hiện phân tích, đánh giá RCM cho hệ thống lò hơi NMĐ Vĩnh Tân 2.
Theo đó, sau quá trình phân tích, đánh giá các nguyên nhân hư hỏng tiềm ẩn và trực quan theo phương pháp RCM cho hệ thống lò hơi cho Nhà máy điện Vĩnh Tân 2, đội ngũ RCM EPS đã đưa ra các khuyến cáo về việc nâng cấp cải tiến một số thiết bị thuộc hệ thống này như vòi thổi bụi, linner máy nghiền.
Việc này nhằm đảm bảo yếu tố an toàn và thân thiện với môi trường, tối ưu hoá, hợp lý hoá về chi phí cho công tác sửa chữa bảo dưỡng và nâng cao độ tin cậy và tính ổn định cho tổ máy. Đồng thời dựa trên kết quả phân tích RCM, lịch sửa chữa bảo dưỡng của nhà máy điện Vĩnh Tân 2 được phân bổ lại theo thời gian như biểu đồ sau:
Không chỉ dừng lại ở việc đánh giá phân tích, hiện tại, Công ty EPS và Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân đang tích cực phối hợp áp dụng các kết quả này vào thực tế. Dựa trên các khuyến cáo về tần suất hư hỏng thiết bị và cần thực hiện CBM cho thệ thống, thiết bị khả dĩ, đội ngũ RCM EPS sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về hư hỏng phục vụ công việc đánh giá, rà soát các phân tích RCM đã thực hiện.
Trong đó chú trọng đến việc xây dựng cơ sở dữ liệu về giản đồ P-F (giản đồ thể hiện khoảng thời gian từ khi hư hỏng được phát hiện đến khi hư hỏng thực sự xảy ra), qua đó triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI giúp chuẩn đoán sớm các ảnh hưởng trực tiếp đến tần suất giám sát tối ưu cho hệ thống, thiết bị.
Dự kiến trong thời gian tới, sau khi hoàn tất việc sửa chữa theo tình trạng thực tế thiết bị, Công ty EPS tiếp tục triển khai áp dụng công tác sửa chữa bảo dưỡng định kì theo thời gian (TBM) và các khuyến cáo của kết quả RCM để đánh giá hiệu quả và triển khai cho các hệ thống khác tại nhà máy điện Vĩnh Tân 2.
Đồng thời giới thiệu chương trình sửa chữa bảo dưỡng tập trung vào độ tin cậy và ổn định cho các đơn vị như Genco 1, Nhà máy điện Vĩnh Tân 4, Công ty Nhiệt điện Thái Bình, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải… Ngoài ra, Công ty EPS sẽ tiếp tục nghiên cứu triển khai ứng dụng RCM cho các nhà máy nhiệt điện khí, hỗ trợ đào tạo nhân thức về RCM theo điều kiện thực tế của từng nhà máy.