Hình ảnh minh họa
NLTT phổ biến nhất là năng lượng gió và mặt trời, đạt tỷ lệ hiệu suất ngày càng tăng cao và giá thành ngày càng giảm. Đối với điện gió, so với 10 năm trước đây, hiệu suất tua bin đã tăng đáng kể, nhiều dự án điện gió - ngay cả những nơi có tốc độ gió thấp hơn chuẩn kinh tế 6m/s trước đây - đã được triển khai. Các dự án điện gió có suất đầu tư trung bình 1.700USD/kW, giảm 640USD/kW so với những năm 2009 - 2010.
Đối với điện mặt trời sử dụng công nghệ PV (pin quang điện), năm 2017, tổng công suất đưa vào vận hành đạt mức 400GW (chiếm khoảng 1,9% sản lượng điện toàn cầu). Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ là những quốc gia đứng đầu thế giới về NLTT. Giá thành NLTT này thấp hơn tới 73% so với năm 2010, có khả năng cạnh tranh với các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống.
Nước ta hiện nay có nhiều cơ hội phát triển NLTT, bởi nhu cầu năng lượng tăng liên tục với tốc độ cao; trong khi các nguồn năng lượng truyền thống (thủy điện, nhiệt điện than) đang dần cạn kiệt hoặc có tác động xấu đến môi trường sinh thái. Nguồn NLTT ở Việt Nam dồi dào, phong phú với trữ lượng lớn và đa dạng, có thể đáp ứng bổ sung nhu cầu năng lượng quốc gia trong các năm tới.
Ông Trần Kỳ Phúc - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) - cho biết, Ban Kinh tế trung ương đã và đang tổ chức các nghiên cứu về cách mạng năng lượng 4.0, an ninh năng lượng, đặc biệt là xu thế phát triển NLTT. Dự báo cho thấy, đến năm 2035, nhu cầu đạt ngưỡng 140 triệu tấn dầu tương đương (TOE), gấp khoảng 2 lần mức tiêu thụ hiện nay (tốc độ tăng bình quân 5%/năm). Nhu cầu điện dự báo tăng ở mức khá cao (8%/năm) giai đoạn 2018 - 2035.
Theo nghiên cứu khảo sát sơ bộ, tổng tiềm năng kỹ thuật NLTT nước ta khá lớn, ước khoảng 500.000MW, gấp hơn 10 lần so với nhu cầu hệ thống hiện nay; trong đó, tiềm năng điện mặt trời 340.000MW; điện gió khoảng 27.000MW... "Mặc dù còn nhiều thách thức như vấn đề giá mua - bán, đấu nối vào hệ thống, tính phát không đều của điện gió và điện mặt trời..., nhưng việc phát triển đồng bộ và hiệu quả các dự án NLTT sẽ ghi tên Việt Nam trên bản đồ năng lượng sạch của thế giới" - ông Trần Kỳ Phúc khẳng định.
Chính phủ Việt Nam quan tâm đặc biệt đến phát triển NLTT, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thể hiện với Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời và Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg hỗ trợ phát triển dự án điện gió tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ.