Tin thế giới

Năng lượng tái tạo ở Texas

Thứ ba, 21/9/2010 | 10:20 GMT+7

Texas lâu nay vẫn là biểu tượng của ngành công nghiệp dầu khí nước Mỹ, nhưng bước vào thập kỷ mới, bang này của nước Mỹ giờ đây lại đóng vai trò người dâng cao ngọn cờ tiên phong khai thác một nguồn năng lượng mới, đó là năng lượng gió.

 
Với quy mô 100 nghìn acre (khoảng 405 km2), trải rộng trên bốn hạt của bang Texas, trại gió Roscoe có 627 tuabin gió với tổng công suất lắp đặt là 781 MW. Điều này khiến cho công trình năng lượng này của E.ON Climate & Renewables trở thành trại gió lớn nhất thế giới và là niềm tự hào lớn đối với một bang luôn thích làm những gì lớn hơn mọi ai khác.

Với trại gió Roscoe này và nhiều dự án năng lượng sạch khác đang triển khai hoặc đã lên kế hoạch, bang Taxas trở thành nơi thích hợp để tổ chức sự kiện hàng đầu về nguồn năng lượng tái tạo ở Bắc Mỹ. Hội nghị toàn cầu và Triển lãm Bắc Mỹ về năng lượng tái tạo đã được tổ chức tại thành phố Austin, thủ phủ bang Texas từ 23 đến 25 tháng 2 năm 2010.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh nguồn năng lượng tái tạo đang trên đà phát triển ở Bắc Mỹ. Cụ thể như ở Mỹ, chính quyền Obama coi năng lượng sạch là một trong những cột trụ chính trong kế hoạch vực dậy nền kinh tế nước Mỹ, có tiềm năng tạo ra việc làm mới đòi hỏi trình độ cao, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, thay thế cho những việc làm trong ngành chế tạo đã bị cắt giảm trong thời gian gần đây. Kèm theo đó là nguồn vốn kích thích và tín dụng thuế trị giá nhiều tỉ đô la. Thực sự là cộng đồng năng lượng tái tạo thấy như chính họ bị cuốn theo làn sóng kỳ vọng tốt đẹp trong những tháng đầu cầm quyền của tổng thống Obama với hy vọng rằng một dự luật nhìn xa trông rộng về khí hậu của Mỹ cũng như hành động quốc tế tại Copenhagen sẽ đưa ra được khung pháp lý rõ ràng cũng như đề ra được các mục tiêu bền vững cho nguồn năng lượng tái tạo ở Hoa Kỳ và nhiều nước khác.

Tuy nhiên, cả dự luật về khí hậu và hiệp ước Copenhagen đều đã không trở thành hiện thực. Có những mối e ngại rằng dự luật này đã bị tụt lại sau quá xa trong chương trình nghị sự chính trị, trong khi đó giờ đây vấn đề y tế, nền kinh tế chung và chính sách ngoại giao đang nổi lên cận kề trong năm bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Vào tháng giêng vừa qua, những người ủng hộ một dự luật toàn diện về năng lượng và môi trường vẫn còn nuôi hy vọng rằng dự luật này sẽ được thông qua trong năm 2010. Một số bình luận viên dự kiến vấn đề sẽ được giải quyết từng bước với các biện pháp cụ thể như nâng cấp lưới điện, thay vì một chính sách toàn diện qui định mức trần và mua bán phát thải.
Động lực khác về phát triển năng lượng tái tạo có thể là Cơ quan bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ  với việc quyết định khí nhà kính là mối nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng, và vì thế có thể cần áp đặt quy định

Chính sách về biểu giá bán điện năng cho lưới điện (feed-in-tariff - FIT), khá phổ biến ở châu Âu, cũng đang giành được chỗ đứng ở Bắc Mỹ. Tỉnh Ontario (Canađa) đã áp dụng hàng loạt FIT với giá rất hào phóng trong năm 2009, kết quả là thu hút nhiều nhà phát triển năng lượng gió và mặt trời về tỉnh này. Bang New York và các bang khác của Mỹ liền kề với Ontario tại Mỹ tỏ ra ghen tị với vấn đề này và New York đã bắt đầu xem xét khả năng áp dụng FIT riêng cho bang này. Tại một số bang của Mỹ như Vermont, Oregon, Florida, Washington, Texas, Hawaii và California, trên phạm vi toàn bang hoặc một số khu vực của bang, FIT đang được áp dụng ở hình thức này hay hình thức khác.

Mặc dầu những thách thức lớn vẫn còn đó, không còn mấy người nghi ngờ về vai trò hàng đầu của năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế năng lượng Hoa Kỳ từ nay trở đi. Cụ thể như Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ dự kiến tới năm 2035, năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới 41% mức tăng trưởng nguồn điện nước này.

Muốn đạt được mức tăng trưởng đó thì quy mô phải lớn. Hiện nước Mỹ đang bắt đầu xem xét các dự án năng lượng tái tạo đã hoàn thành, đang triển khai cũng như đã lên kế hoạch, có khả năng đứng vững được trong liên đoàn lớn của ngành công nghiệp năng lượng rộng mở hơn này.

Roscoe chỉ là một ví dụ về sự tăng trưởng đầy ấn tượng của nguồn năng lượng gió. Hoa Kỳ đã đuổi kịp nước Đức để trở thành nhà sản xuất năng lượng gió lớn nhất thế giới và tham vọng của họ không dừng lại ở việc phát điện trên đất liền. Hiện nay đã có các dấu hiệu cho thấy nước Mỹ đã sẵn sàng tham gia lĩnh vực năng lượng gió xa bờ.

Pin mặt trời và các công nghệ năng lượng tái tạo khác cũng có thể đưa ra những ví dụ để tự hào của riêng mình. Cho dù tình hình chính trị có đổi thay ra sao thì xu hướng đang ngả về năng lượng tái tạo mạnh hơn bao giờ hết. Nếu cần phải chứng minh thì Hội nghị toàn cầu và Triển lãm Bắc Mỹ về năng lượng tái tạo chắc chắn sẽ có thể cung cấp.

Danh sách các diễn giả và khách tham dự các phiên họp của sự kiện tại thành phố Austin này cho thấy uy tín của chính sự kiện cũng như vị thế ngày càng cao của năng lượng tái tạo như một sức mạnh đang giành vai trò trung tâm chứ không phải bên lề của ngành năng lượng rộng mở hơn này.

Tại phiên họp chính, nhiều diễn giả hướng sự chú ý vào cơ sở hạ tầng truyền tải được coi là vấn đề chủ chốt ảnh hưởng tới việc triển khai dự án. Đó là: Jon Wellinghoff, chủ tịch Uỷ ban Điều tiết Năng lượng Liên bang là cơ quan liên bang chủ chốt của Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về xây dựng và phê chuẩn chính sách truyền tải; Barry Smitherman, chủ tịch Uỷ ban các Tiện ích công cộng bang Texas đồng thời là nhà lãnh đạo có tín nhiệm về chính sách điều tiết bang liên quan tới truyền tải; và Martin Gross, trưởng ban Hệ thống điện của ABB Inc. tại Bắc Mỹ. Tham dự phiên họp chính còn có Roger Duncan, giám đốc điều hành của Austin Energy, cơ quan đăng cai tổ chức sự kiện. Duncan có tiếng là một trong những người có ảnh hưởng nhất của ngành điện ủng hộ năng lượng tái tạo.

Các đại biểu tham gia hội nghị năm nay có thể tùy chọn dự 24 phiên họp riêng thuộc tám lĩnh vực là năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt, sinh khối, thủy năng, sáp nhập các công ty điện lực và hai lĩnh vực chính sách và tài chính.

Chủ đề cũng rất rộng, từ làm cách nào mà lưới điện thông minh có thể tạo điều kiện thực hiện nguồn điện phân bố thông qua năng lượng tái tạo, tới việc cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo trong môi trường sau khi được hưởng kích thích kinh tế từ phía liên bang, các ứng dụng điện năng sinh học cũng như các nghiên cứu cụ thể về dự trữ năng lượng.

Trong chương trình nghị sự còn có hai phiên họp lớn. Phiên thứ nhất về “Chính sách và tài chính thời kỳ hậu kích thích”, trong đó có cuộc thảo luận nhằm rút ra những bài học từ chính sách kích thích, nhận diện những lĩnh vực cần quan tâm và thảo luận về tình hình các thị trường tài chính để đầu tư bền vững.

Phiên họp thứ hai với chủ đề “Tính chất cấp thiết của vấn đề truyền tải” đề cập tới các vấn đề lớn về chính sách, phát triển, tài chính và điều tiết ảnh hưởng tới mọi nguồn năng lượng tái tạo.

Một điểm mới của Hội nghị toàn cầu Bắc Mỹ về năng lượng tái tạo trong năm nay là Hội thảo thế giới và Triển lãm về Pin mặt trời, được tổ chức ở cùng địa điểm và bàn về những tiến bộ mới nhất trong công nghệ pin mặt trời và các quy trình sản xuất.

Thông tin được trình bày ở hai tuyến hội thảo riêng rẽ và bảy phiên họp kéo dài trong ba ngày. Một gian hàng triển lãm dành riêng để trưng bày các sản phẩm phong phú và đa dạng về pin mặt trời từ nhiều nhà cung cấp.

Theo: QLNĐ số 8/2010