Nhà máy điện hạt nhân Rooppur đang được Nga hợp tác xây dựng tại Bangladesh. Ảnh: Alamy.
Mới đây, ông Boris Titov, đặc phái viên của Điện Kremlin về hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững, đã khẳng định Liên bang Nga muốn củng cố vị thế là "một trong những quốc gia xây dựng nhà máy điện hạt nhân lớn nhất thế giới".
Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Titov cho biết Nga dự kiến ngành điện hạt nhân sẽ chứng kiến nhu cầu mạnh mẽ từ các nước đang phát triển, cũng như từ các công ty công nghệ khai thác trí tuệ nhân tạo AI.
"Chúng tôi đang xây dựng hơn 10 lò hạt nhân khác nhau trên khắp thế giới. Thế giới cần rất nhiều năng lượng, nhưng chúng tôi sẽ không thể cung cấp năng lượng này nếu không sử dụng hạt nhân. Chúng tôi biết rằng điện hạt nhân rất an toàn, không thải ra khí nhà kính, vì vậy nó rất sạch", ông Titov chia sẻ.
Ông Titov cũng chỉ ra nhà máy Paks 2 của Hungary cũng như các nhà máy điện hạt nhân ở Bangladesh và Thổ Nhĩ Kỳ là những công trình mang tính hứa hẹn trong thời gian tới.
Tuyên bố của ông Titov được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) dự báo rằng công suất phát điện hạt nhân thế giới sẽ tăng 155%, đạt mức 950 gigawatt vào năm 2050.
Trong khi đó, Nga đang đẩy mạnh đầu tư vào các ngành năng lượng hạt nhân quốc tế, và hiện đang xây dựng lò phản ứng và cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho hơn 54 quốc gia trên toàn cầu, theo tạp chí Nature Energy của Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy.
Ngoài những dự án được ông Titov chia sẻ, Moscow cũng đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran và dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy với các lò phản ứng mô-đun nhỏ ở Uzbekistan.
Đầu năm nay, tờ Financial Times thông tin rằng Nga đã tham gia vào hơn 33% dự án điện hạt nhân đang được xây dựng trên toàn thế giới, kể cả khi ngành dầu khí của quốc gia này đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine bắt đầu.
Trong khi đó, nhiều chính phủ phương Tây đã cố gắng đẩy lùi vị thế ngày càng lớn trong ngành điện hạt nhân của Nga. Đầu tháng 5 năm 2024, Mỹ đã cấm nhập khẩu urani làm giàu của Nga. Nhiều nước Đông Âu sau đó đã ký hợp đồng với công ty Westinghouse của Mỹ để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng hạt nhân của mình.
Liên minh châu Âu cũng đang mong muốn sớm đạt được mục tiêu giảm 100% nhập khẩu nhiên liệu, trong đó có nhiên liệu hạt nhân, từ Nga vào năm 2027. Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Dan Jørgensen, thanh viên ủy ban năng lượng EU, cho biết ông muốn xem xét "toàn bộ chuỗi cung ứng hạt nhân" của khối này.
Ngược lại, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Slovakia Robert Fico gần đây đã tuyên bố rằng họ sẽ chặn mọi bước đi của EU nhằm hạn chế ngành năng lượng hạt nhân của Nga. Trong khi đó, nhiều quốc gia đang phát triển đang tìm kiếm các đối tác nước ngoài tiềm năng để để đáp ứng các yêu cầu về xây dựng ngành năng lượng sạch.
Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Nik Nazmi Nik Ahmad, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Bền vững Malaysia, khẳng định rằng nước này đang "nghiên cứu việc đưa hạt nhân vào sử dụng". Ông cho biết tất cả "các bên liên quan chính" đều đã thảo luận với Chính phủ Malaysia về các dự án điện hạt nhân tiềm năng, nhưng không đề cập đến quốc gia cụ thể nào.
Link gốc