Công nhân điện lực huyện Mỹ Lộc gỡ diều, khắc phục sự cố chập điện xảy ra ngày 18-3-2015 tại xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.
Cách đây không lâu, chỉ trong một ngày, hệ thống lưới điện do Điện lực huyện Nam Trực (Công ty Điện lực Nam Định) quản lý, vận hành liên tiếp xảy ra ba sự cố mất điện do diều vướng vào dây điện, làm ảnh hưởng gần 100 nghìn khách hàng thuộc các huyện Nam Trực, Trực Ninh và Nghĩa Hưng. Cụ thể, một chiếc diều làm chập mạch, gây mất điện trên hệ thống lưới điện thuộc lộ 473 - Trạm biến áp 110 kV (E372). Điện lực Nam Trực phải huy động toàn bộ lực lượng đi khắc phục.
Trong khi cán bộ, nhân viên Điện lực Nam Trực đang dồn sức khắc phục sự cố trên lộ 473, lại thêm một chiếc diều mắc vào đường dây điện thuộc lộ 373-E372. Sự cố thứ ba, một chiếc diều mắc vào đường dây gây mất điện trên lộ 977-E372. Ngày 18-3- 2015, tại xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc liên tiếp xảy ra hai lần chập điện do diều vướng vào đường dây làm cháy một máy cắt mạch đầu nguồn trị giá 300 triệu đồng, đe dọa sự an toàn của 5 km đường dây trung áp do Điện lực huyện Mỹ Lộc quản lý, vận hành và mất điện trên diện rộng tại các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Phúc.
Trước đó, chiều tối 31-5- 2014, đúng thời điểm chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014, đã xảy ra sự cố điện nghiêm trọng, do diều vướng vào đường dây, dẫn đến cháy máy biến áp 5.600 KVA ở trạm trung gian Cổ Lễ. Sự cố gây thiệt hại trực tiếp cho ngành điện Nam Định gần mười tỷ đồng.
Trên đây chỉ là bốn trong gần 200 sự cố lưới điện do thả diều, vật bay gây ra từ năm 2014 đến nay. Điều đáng nói là tình trạng này đang lan nhanh vào cả khu vực TP Nam Định, với hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Đã có nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi tôm công nghiệp của người dân gặp không ít khó khăn, thậm chí mất trắng cả mẻ trứng đang ấp. Hiện nay, các doanh nghiệp đều đầu tư công nghệ hiện đại, tự động hóa, có độ chính xác cao nên khi mất điện không chỉ sản xuất bị ngừng trệ mà máy móc, thiết bị, sản phẩm cũng bị ảnh hưởng. Một lãnh đạo Công ty CP dệt nhuộm Thiên Nam Sunine (Khu công nghiệp Bảo Minh, huyện Vụ Bản) cho biết, hai lần mất điện đột ngột (ngày 25-1 và ngày 4-3-2015) đã làm thiết bị, máy móc, sản phẩm của công ty hư hỏng, tổng thiệt hại ước tính hơn 20.000USD. Công ty đã nhiều lần kiến nghị với ngành điện Nam Định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định trong những lần tiếp xúc cử tri, song chưa được cải thiện.
Đây cũng là nỗi trăn trở, bức xúc của ngành điện Nam Định. Nghị định số 134/2013/NĐ-CP, ngày 17-10-2013; Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, ngày 26-2- 2014 của Chính phủ có nội dung "nghiêm cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện, có khả năng gây sự cố lưới điện" và quy định chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Song ngành điện lại không có thẩm quyền xử phạt. Để hạn chế tình trạng mất an toàn lưới điện do thả diều gây ra, Điện lực Nam Định thường xuyên phối hợp các ngành công thương, giáo dục và đào tạo, công an, các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, không thả diều, vật bay gần đường dây và trạm điện. Nhưng do hiểu biết và ý thức của một số người dân còn hạn chế nên tình trạng thả diều gây mất an toàn lưới điện vẫn xảy ra. Để ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi phạm an toàn hành lang lưới điện, rất mong có sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành ở Nam Định cùng ngành điện thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng điện an toàn, liên tục phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân.
"Trong những năm gần đây, việc chơi diều ngày một biến tướng. Để chứng tỏ mình là người chơi diều sành điệu, người ta thường làm những chiếc diều lớn, cánh dài, dây thả diều bằng lõi kim loại. Trong khi đó, không gian để thả diều ở các vùng nông thôn ngày một thu hẹp, nằm xen kẽ với khu dân cư, có hệ thống lưới điện đi qua. Vì vậy, những cánh diều trở thành mối nguy hiểm cho ngành điện và người dân".
(Phạm Minh Liệu- Thị trấn Nam Giang, Nam Trực, Nam Định)
"Nghị định 134/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện quy định: "Thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây ra sự cố lưới điện sẽ bị xử phạt từ 1 đến 5 triệu đồng" xem ra còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên sự cố đường điện do thả diều ở Nam Định vẫn chưa được khắc phục".
(Trần Mạnh Sỹ- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định)
"Trên thực tế, các hành vi thả diều, vật bay gây sự cố lưới điện rất khó xử lý triệt để. Bởi trước khi rơi vào công trình điện, các con diều đều bay lơ lửng trên không trung, xa nơi thả diều hàng cây số. Khi sự cố xảy ra, ngành điện và chính quyền cấp xã đều lập biên bản, nhưng vật chứng là các con diều hầu như "vô chủ".
(Trần Sỹ Nghị- Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Nam Định)
|