Ký kết dự án đầu tư lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hiện, nhiều doanh nghiệp (DN), tập đoàn Hoa Kỳ đang ráo riết thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.
Thu hút nhiều dự án
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hoa Kỳ đang là nhà đầu tư thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, hơn 1.000 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9,4 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như khách sạn, công nghiệp chế biến, chế tạo. Bên cạnh đó, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam thông qua các công ty con, chi nhánh tại nước thứ 3 cũng rất nhiều. Đặc biệt, các tập đoàn công nghệ lớn của Hoa Kỳ đều có đầu tư vào Việt Nam qua các DN sản xuất theo loại hình ODM/OEM (thiết kế sản phẩm gốc/sản xuất theo thiết kế, thông số kỹ thuật được chỉ định bởi khách hàng) trong chuỗi cung ứng của họ.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink chia sẻ, bên lề Diễn đàn DN Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương diễn ra vừa qua tại Việt Nam, 6 trong 7 thỏa thuận mà các đại diện phía Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết tại Diễn đàn thuộc về hợp tác phát triển năng lượng và hạ tầng năng lượng. Các dự án điện khí mà DN Hoa Kỳ cam kết triển khai tại Việt Nam trải khắp 3 miền đất nước.
Cụ thể hóa cam kết này, Delta Offshore Energy - đơn vị thực hiện điện khí từ Khí hóa lỏng Bạc Liêu - đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 3 tập đoàn Hoa Kỳ là Bechtel Corporation, General Electric và McDermott để phát triển dự án trên, sử dụng thiết bị và dịch vụ của Hoa Kỳ trị giá hơn 3 tỷ USD. Đây là dự án sử dụng LNG sản xuất điện đầu tiên do khu vực tư nhân sở hữu và vận hành, được phê duyệt trong Quy hoạch Tổng thể phát triển điện lực quốc gia với hình thức 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài theo Luật Đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư lên đến 50 tỷ USD trong vòng 25 năm, và dự kiến nhập khẩu đến 3 triệu tấn khí hóa lỏng/năm.
Thêm chuyển động khác về dòng vốn Hoa Kỳ đổ vào ngành năng lượng đó là, General Electric và VinaCapital đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Dự án Điện khí hóa lỏng tại Long An. Theo đó, VinaCapital và chính quyền tỉnh Long An sẽ hợp tác để phát triển dự án điện khí này với công suất 3.000MW. Đồng thời, VinaCapital sẽ hợp tác với General Electric về cung ứng các tourbin khí và các thiết bị, dịch vụ liên quan. Đây là một trong những dự án điện lớn nhất tại miền Nam, hứa hẹn mang lại giải pháp ưu việt cho tình trạng thiếu điện của khu vực, đồng thời, xử lý được các lo ngại về tác động đối với môi trường. Dự án này ước tính sẽ đáp ứng khoảng 8% nhu cầu năng lượng của quốc gia khi đi vào vận hành.
Ngoài ra, ở phía Bắc, Công ty Năng lượng ExxonMobil Hải Phòng Energy (Hoa Kỳ), UBND TP. Hải Phòng và Công ty Điện lực JERA của Nhật Bản cùng ký biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Dự án điện khí chạy bằng LNG tại Hải Phòng. Tập đoàn AES và Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) ký thỏa thuận liên doanh nhằm phát triển Dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ ở miền Trung, với giá trị khoảng 1,4 tỷ USD. Kho cảng LNG Sơn Mỹ được đặt tại tỉnh Bình Thuận với tổng công suất 450 TBtu, có chức năng cung cấp khí cho các nhà máy điện khí mới xây dựng, công suất khoảng 4.500MW, cũng như các nhà máy điện khí khác đang hoạt động và khách hàng công nghiệp.
Tăng trưởng đầu tư bền vững
Có thể thấy, nhiều tập đoàn, DN Hoa Kỳ đã và đang đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam. Đây chính là nền tảng quan trọng để gắn kết mối quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó, mở đường và thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước theo hướng bền vững, phát triển sản phẩm, sản xuất và xây dựng thương hiệu trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo đánh giá của TS. Phùng Đức Tùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, tương lai đầu tư từ Hoa Kỳ vào Việt Nam không có gì thay đổi, bởi chiến lược đầu tư của Chính phủ Hoa Kỳ hay của các tập đoàn là nhất quán, dựa trên tiềm năng, thế mạnh, lợi ích kinh tế từ hai phía.
Để đón dòng FDI chất lượng cao cũng như thu hút FDI của các tập đoàn lớn trên thế giới, trong đó, có các DN Hoa Kỳ, Việt Nam đã thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài và đang chủ động chuẩn bị những điều kiện đầu tư như đất đai, mặt bằng sạch, đẩy nhanh quá trình đảm bảo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu của DN FDI, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
TS Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - nhấn mạnh, một động lực quan trọng, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có DN Hoa Kỳ là trong thời gian tới, một loạt các bộ luật liên quan đến đầu tư và kinh doanh, như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được thông qua với nhiều điểm mới, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, tăng cường phân cấp, minh bạch, bổ sung cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các tiêu chí sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, sử dụng tiết kiệm đất, chuyển giao công nghệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, những dự án đầu tư lớn liên quan năng lượng của Hoa Kỳ vào Việt Nam thuộc Quỹ an ninh năng lượng cho khu vực trị giá 80 tỷ USD được thành lập bởi liên minh 3 nước Hoa Kỳ - Úc - Nhật. Mục đích của liên minh này là giúp bình ổn, an toàn và an ninh cho thị trường năng lượng, trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được các nhà đầu tư quan tâm thực hiện.
Link gốc