Đại diện Phòng Kỹ thuật PTC3 báo cáo đánh giá UAV được sử dụng trong điều kiện quản lý vận hành tại Công ty.
Tham dự họp còn có đại diện các Ban chuyên môn EVNNPT là thành viên Hội đồng nghiệm thu; phía PTC3 có ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc, cùng đại điện các Phòng chuyên môn có liên quan, Giám đốc các đơn vị truyền tải trực thuộc và đại diện nhà thầu cung cấp thiết bị cùng tham dự.
Dự án Trang bị thiết bị bay UAV cho các đơn vị trực thuộc PTC3 do EVNNPT là chủ đầu tư, giao Công ty Truyền tải điện 3 quản lý dự án với quy mô đầu tư là trang bị 21 thiết bị UAV loại nhỏ kèm phụ kiện cho các đội truyền tải điện thực hiện quản lý vận hành đường dây (01 thiết bị UAV/đơn vị) và 04 thiết bị UAV loại lớn có khả năng mang vác, chụp ảnh nhiệt cho các đơn vị truyền tải điện có quản lý vận hành đường dây 500kV (01 thiết bị UAV/đơn vị). Đồng thời, thực hiện đào tạo hướng dẫn sử dụng thiết bị, chuyển giao công nghệ, cấp chứng chỉ vận hành cho lực lượng vận hành UAV và hoàn thành các thủ tục cấp phép bay theo quy định trên địa bàn các tỉnh thuộc phạm vi quản lý vận hành của PTC3.
Dự án được triển khai với mục đích đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sử dụng thiết bị bay UAV vào công tác quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, tin cậy cho lưới điện truyền tải và tăng năng suất lao động; nâng cao chất lượng trong công tác kiểm tra, nhằm sớm phát hiện khiếm khuyết, kịp thời xác định và ngăn ngừa các yếu tố tiềm ẩn có khả năng gây ra sự cố lưới điện. Đồng thời rút ngắn thời gian xử lý sự cố, sửa chữa lưới điện và thời gian cắt điện, góp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, an toàn trong việc cung cấp điện cho khu vực và hệ thống đồng thời giảm bớt rủi ro cho nhân viên quản lý vận hành; xử lý nhanh khi có sự cố lưới điện, sớm đưa thiết bị vào vận hành do chủ động về phương tiện.
Đại diện các Ban EVNNPT - Thành viên Hội đồng nghiệm thu, phát biểu đánh giá UAV được trang bị theo dự án.
Qua các thông số kỹ thuật của các thiết bị theo hợp đồng cung cấp và đánh giá sau khi triển khai áp dụng thử nghiệm tại các truyền tải khu vực trực thuộc như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, PTC3 nhận thấy các thiết bị UAV Matrice 300 RTK và DJI Mavic 2 Enterprise Advanced RTK phù hợp với các nhiệm vụ công tác trên lưới truyền tải điện như: Kiểm tra định kỳ cả chế độ bay tự động và bay thủ công; Kiểm tra tình trạng phụ kiện, dây dẫn, dây chống sét, cáp quang; Chụp ảnh nhiệt cách điện composite, phát nhiệt tiếp xúc tai lèo, khóa néo; Có khả năng chống nhiễu từ trường và khả năng zoom quang học tới 18x, zoom số đến 200x thích hợp kiểm tra đối với đường dây 500kV; Sử dụng UAV trong việc kiểm tra sự cố đường dây; Ứng dụng UAV chụp ảnh thi công tiếp địa, nghiệm thu cột, dây dẫn đối với các đường dây thuộc dự án mới.
Các mẫu UAV được trang bị theo dự án.
Với các tính năng vượt trội của các UAV được trang bị và đánh giá phù hợp sử dụng đối với các công việc triển khai trên lưới điện truyền tải khu vực do PTC3 quản lý của các thành viên Hội đồng nghiệm thu, ông Trương Hữu Thành đã đồng ý thống nhất đưa các thiết bị UAV được trang bị theo dự án đưa vào sử dụng tại PTC3, đồng thời yêu cầu PTC3 cần phối hợp với nhà thầu cung cấp thiết bị hoàn thiện các hồ sơ quy trình hướng dẫn bay, quy trình sử dụng và bảo quản pin, cũng như triển khai đào tạo sử dụng mở rộng cho CBCNV các đơn vị tại các đội và trạm biến áp để các thiết bị được trang bị theo dự án hỗ trợ tốt hơn nữa trong công tác quản lý vận hành lưới điện tại Công ty.
Cũng trong sáng ngày 27/11/2022, ông Trương Hữu Thành đã chủ trì họp rà soát tiến độ và phương án tháo gỡ khó khăn cắt điện thi công đối với dự án “Thay dây chống sét thứ 2 trên ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1 bằng dây chống sét có kết hợp cáp quang OPGW”, được EVNNPT giao nhiệm vụ PTC3 làm quản lý.
Các đơn vị truyền tải trực thuộc PTC3 phát biểu đánh giá mức độ phù hợp của UAV với điều kiện quản lý vận hành.
Dự án “Thay dây chống sét thứ 2 trên ĐZ 500kV Bắc - Nam mạch 1 bằng dây chống sét có kết hợp cáp quang OPGW" có điểm đầu từ TBA 500kV Thường Tín đến điểm cuối là TBA 500kV Phú Lâm, có tổng chiều dài 1.554,542 km trên đường dây 500kV Thường Tín - Nho Quan mạch 2 và đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1, gồm 9 cung đoạn đường dây 500kV. Năm 2022, PTC3 đã tổ chức thi công được hơn 500 km, nâng tổng khối lượng đã thi công hoàn thành được 78%, khối lượng còn lại chưa thi công khoảng hơn 300km, gồm các cung đoạn đường dây 500kV Bắc – Nam đang vận hành mang tải cao, đặc biệt là các tháng cuối năm, do đó lịch cắt điện sẽ được bố trí sang kế hoạch năm 2023.
PTC3 và các đơn vị thi công đã sẵn sàng để thi công ngay theo lịch cắt điện của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia bố trí. Do đó, Công ty cũng đề xuất phương án bố trí cắt điện và thi công ngay sau Tết nguyên đán Quý Mão, đây là thời điểm các đường dây chưa mang tải cao, đề nghị lãnh đạo EVNNPT quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ để đăng ký lịch cắt điện được phù hợp với kế hoạch phương án đề ra.
Ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT, thống nhất nghiệm thu UAV được trang bị theo dự án đưa vào sử dụng trong quản lý vận hành tại PTC3.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trương Hữu Thành, Phó Tổng Giám đốc EVNNPT ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng tổ chức thi công dự án của PTC3 năm 2022 mặc dù luôn phải đối mặt với khó khăn do công trình theo tuyến kéo dài, trong khi lịch cắt điện đường dây 500kV mạch 1 khó và cắt điện giao chéo nhiều, cũng như tình hình thời tiết thay đổi bất thường tại các tỉnh miền Trung.
Phó Tổng Giám đốc EVNNPT cũng đã đồng ý thống nhất với phương án kế hoạch thi công ngày sau Tết nguyên đán 2023 của PTC3, đồng thời yêu cầu Công ty phối hợp chặt chẽ với các Ban chuyên môn của EVNNPT để triển khai nhiệm vụ được giao đảm bảo chất lượng và an toàn lao động.