Tin thế giới

Ngôi làng “thánh địa” của năng lượng tái sinh

Thứ năm, 3/5/2012 | 08:24 GMT+7
Ngôi làng nhỏ Feldheim, nằm cách thủ đô Berlin (Đức) khoảng 60km về phía tây nam, gần đây nổi tiếng là "thánh địa" của năng lượng tái sinh. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đang ồ ạt đổ về ngôi làng bình yên này để thưởng lãm sự thành công của người dân nơi đây.



Làng Feldheim với số lượng tuabin gió nhiều hơn cả nhà dân.
 
Werner Frohwitter dừng xe ngay trên con đường duy nhất dẫn vào ngôi làng Feldheim, ngay trước chiếc container dùng làm văn phòng dã chiến. Phía sau con đường là một cánh đồng, nơi có 43 tuabin gió như tốp vệ sĩ khổng lồ canh giữ cho 37 ngôi nhà trong làng. Frohwitter làm việc cho Energiequelle Gmbh, công ty sở hữu khu công viên gió này.

Ngôi làng có 150 nhân khẩu này nằm tách biệt trong vùng nông thôn Brandenburg, cách thủ đô Berlin chỉ khoảng 60km về hướng tây nam, không giống như một điểm du lịch bình thường. Nơi đây không có quán rượu, nhà bảo tàng hay nhà hàng. Nhưng kể từ khi trận động đất gây thảm họa cho nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản xảy ra hồi năm ngoái, Feldheim bỗng trở thành "điểm nóng", nhiều thành phố lớn trên thế giới muốn chuyển đổi nguồn năng lượng của họ thành nguồn năng lượng có thể tái sinh.

Feldheim là nơi duy nhất ở Đức có lưới điện riêng và sử dụng mọi thiết bị điện bằng nguồn điện tái sinh tại địa phương, chủ yếu là gió và khí đốt sinh học (biogas). Nguồn năng lượng hỗn hợp tự cung có thể tái sinh này đã thu hút hơn 3.000 khách tham quan trong năm 2011. Du khách đến từ nhiều nước trên thế giới như CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Nam Mỹ, Canada, Iran, Iraq và Australia - hơn phân nửa số khách đó đến từ Nhật Bản.

Câu chuyện Feldheim bắt đầu từ năm 1995 với những chiếc cối xay gió. Rồi một loạt sự kiện tình cờ xảy đến đã biến Feldheim từ một thị trấn chán ngắt ở miền Đông nước Đức trở thành một thành phố năng lượng tái sinh kiểu mẫu. Gió mạnh quanh năm và đất rộng thoáng của Feldheim là lý do duy nhất khiến cho Michael Raschermann, Giám đốc Công ty Energiequelle Gmbh, quyết định đặt một tuabin gió ở đây. Và giờ đây, khu công viên gió này có số tuabin gió nhiều hơn cả nhà dân.

Tới năm 2008, 2 năm sau kế hoạch, Feldheim xây dựng nhà máy khí sinh học trị giá 1,7 triệu euro dùng để sưởi và được vận hành bằng bùn than từ bắp và phân heo. Feldheim được một chương trình của Liên minh châu Âu hỗ trợ 1/2 chi phí ban đầu. Vì dân làng Feldheim chuyên trồng bắp và nuôi heo nên nhà máy khí sinh học cũng đem lại nhiều lợi ích cho nông nghiệp địa phương.

Năm 2008, Feldheim quyết định kiểm soát hệ thống điện riêng khi đã sản xuất được đủ năng lượng cung cấp cho cả thị trấn, nhưng công ty điện liên bang Đức từ chối bán hoặc cho thuê lưới điện. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ từ Energiequelle, Feldheim đã xây dựng riêng một hệ thống lưới điện thông minh. Lưới điện của Feldheim hoàn tất vào tháng 10/2010 với sự đóng góp 3.000 euro từ mỗi người dân trong làng. Hiện nay, người Feldheim đã giảm 31% chi phí cho điện sinh hoạt và 10% cho sưởi ấm. Energiequelle hiện đang quản lý nhà máy điện với khả năng trữ điện đủ cung cấp cho cả khu vực trong 2 ngày.
 


Lưới điện thông minh riêng của làng được hoàn tất vào tháng 10/2010.
 
Thị trưởng của thành phố Treuenbrietzen, mà Feldheim là một phần trong đó cho biết, luật và hoàn cảnh chính trị của Đức ngăn cản các thành phố tự trị muốn tiến hành giải pháp riêng. Feldheim đã phải đối đầu với các công ty dịch vụ công cộng để tạo hệ thống riêng. Dù không có luật nào hoàn toàn cấm việc này, nhưng phản ứng đầu tiên của chính quyền là phản đối dự án Feldheim.

Cuối cùng, họ cũng được thuyết phục rằng, mạng lưới điện địa phương sẽ vượt hơn những tiêu chuẩn công cộng. Ví dụ: Feldheim phải cam kết rằng nguồn điện cung cấp không bị gián đoạn - quy định quan trọng đối với các nhà máy lớn, nhưng không là gì với gia dụng vì hiếm ai để ý chuyện bị ngắt điện trong 1 giây. Vấn đề chỉ là nếu thành phố nào muốn tự kiểm soát lưới điện riêng thì phải tính toán chính xác lượng điện sử dụng và sản xuất.

Feldheim đã làm được việc "bắt sét bỏ vào chai", nhưng liệu khách đến thăm có thể tái lập được thành công như họ không thì vẫn còn là dấu hỏi lớn. Bất chấp những thách thức, nhiều thành phố ở khắp nước Đức đang bàn nhau cách kiểm soát được nguồn điện thay vì phải ngồi chờ chính quyền liên bang. Ngay cả ở Berlin, nhiều tổ chức đang thu thập chữ ký để đệ đơn kiến nghị thành phố này lấy lại quyền quản lý mạng lưới điện từ Vattenfall khi hết hạn hợp đồng vào năm 2014. Nhóm này mong muốn thành phố hướng tới sử dụng nguồn năng lượng tốt hơn cho môi trường sinh thái.


Bộ Nông nghiệp Đức đã chấp nhận đơn xin tổ chức cuộc thi "Ngôi làng năng lượng sinh học" lần 2 với giải thưởng 10.000 euro cho dự án khả thi về năng lượng tái sinh. Feldheim là 1 trong 3 làng được công nhận trong cuộc thi lần 1 hồi năm 2010. Theo Marko Bobzien, một thành viên trong Ban tổ chức cuộc thi, hiện có khoảng 300 làng đang gấp rút hoàn tất dự án của họ với ít nhất 60 làng đủ điều kiện dự thi năm nay.

Karl Josef Ullrich, Thị trưởng thành phố Collenberg thuộc bang Bavarian, đã tới thăm Feldheim hồi năm 2011. Ông này khẳng định rằng mặc dù rất khâm phục Feldheim, nhưng giải pháp áp dụng tại đây lại không hiệu quả với thành phố của ông. Bởi vì thành phố của Ullrich không chuyên canh bắp hay hoa màu khác để có thể vận hành nhà máy khí sinh học. Tuy vậy, chuyến viếng thăm đã khích lệ Ullrich tìm phương pháp khác để tận dụng nguồn năng lượng tái sinh và ông công nhận: "thành tựu của Feldheim cho thấy không có gì là không thể".
 
ST