Thiết bị này hoạt động dựa trên nguyên tắc của các lỗ phun nước. Lỗ phun là một hiện tượng địa chất tự nhiên khi nước biển phun lên thông qua các lỗ hang trên bờ biển nhờ chênh lệch áp suất.
Tìm kiếm một nguồn năng lượng có thể tái tạo luôn là một lĩnh vực được quan tâm của thế giới công nghệ. Ngày nay, các nhà nghiên cứu đang tìm ra những cách thức để có thể cải thiện các nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió, và mới đây, một nhóm nhà nghiên cứu đã tiên phong trong việc chế tạo một công nghệ có thể cung cấp năng lượng "vô bờ" từ thủy triều.
Vừa thu năng lượng bền vững
Về cơ bản, thiết bị này có cấu tạo tương tự như các lỗ phun nước được hình thành tự nhiên tại các ghềnh đá ven biển.
Wave Swell Energy - công ty sản xuất thiết bị mang tên UniWave chia sẻ thiết bị này có một đường ống để sóng đi vào buồng rỗng ở giữa. Khi nước tăng lên giảm xuống trong buồng thì không khí được đẩy qua một tuabin, từ đó tuabin quay tạo ra điện.
Bên cạnh đó, thiết bị này còn có một điểm nổi bật là có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Không giống như sự thiếu ổn định của các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc tuabin gió, các con sóng thường xuyên vỗ vào bờ, và sự thay đổi duy nhất là về mặt độ cao. Vì vậy thiết bị này có thể tạo ra năng lượng trong bất kỳ thời điểm nào.
Công nghệ này dự kiến sẽ tạo ra cuộc cách mạng thật sự trong ngành sản xuất năng lượng tái tạo vì thiết bị gần như không hề có tác động xấu nào đến môi trường. Trong cuộc phỏng vấn với trang tin CNET, Giám đốc điều hành của Wave Swell Energy cho biết khuyết điểm duy nhất của nó là thu hút rất nhiều sinh vật biển.
Về tính hiệu quả, thiết bị này được xếp hạng ngang bằng với những công nghệ mà chúng ta biết đến trước đó. Gần đây, công nghệ mới này đã thực sự gây chú ý nhờ vào cuộc kiểm tra kéo dài 1 năm về khả năng hoạt động của thiết bị. Sau hơn 1 năm hoạt động, người ta đã nhận thấy rằng phương án năng lượng tái tạo mới này khả thi và có hiệu quả cao.
Theo báo cáo của tạp chí PV, thiết bị thử nghiệm được đặt tại hòn đảo King, Australia, có thể tạo ra sản lượng điện ổn định là 200kW trong suốt cả năm. Cũng theo tờ World Today News, công nghệ này đạt hiệu suất 50% (ngang bằng với hiệu suất của tuabin gió) và mức độ sẵn có là 80% (tương đương với việc thời gian hoạt động đạt mức 80%).
Điểm đáng chú ý nằm ở chỗ những con số này chỉ mới được tính toán từ một mô hình thử nghiệm được thiết kế để kiểm tra khả năng tồn tại, chứ chưa tính đến chỉ số hiệu suất cao nhất. Điều này có nghĩa rằng ở lần thử nghiệm tiếp theo, thiết bị này có thể tạo ra nhiều năng lượng hơn nữa, thúc đẩy cuộc cách mạng tìm kiếm năng lượng tái tạo tiến xa hơn.
Vừa làm rào chắn sóng, "hộ vệ" cho bờ biển
Không những thế, giá trị của thiết bị này không chỉ dừng lại ở một đơn vị chuyển đổi năng lượng. Bên cạnh những số liệu thống kê ấn tượng về sản lượng điện mà UniWave tạo ra, thiết bị này còn đóng vai trò như một hệ thống máy móc gắn liền với tường chắn sóng, vừa giúp cung cấp hàng rào cản sóng vừa có thể thu năng lượng từ chúng.
Nói cách khác, chúng có thể vừa sử dụng để phối hợp bảo vệ đường biển trước những tác động như xói mòn, xâm nhập mặn hay sóng lớn, vừa trực tiếp thu năng lượng.
Bên cạnh việc tạo ra năng lượng, thiết bị này còn tạo thành hàng rào chắn sóng.
Wave Swell Energy khẳng định rằng bộ phận duy nhất chuyển động trong thiết bị mới này là một cấu trúc nằm trong bộ tuabin. Bộ phận này không hề yêu cầu việc sử dụng chất bôi trơn hay bất cứ loại chất bổ sung nào có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, do đó, việc bảo trì thiết bị trở nên vô cùng đơn giản, và các kỹ thuật viên chỉ phải làm việc với phần nổi trên mặt nước mà thôi.
Nhìn chung, đây là một công nghệ đáng chú ý vì giúp tạo ra hàng rào bảo vệ bờ biển cũng như cung cấp năng lượng, đặc biệt là cho các quốc đảo Thái Bình Dương. Những tín hiệu tốt đến từ thiết bị thử nghiệm đầu tiên đã báo hiệu những điều tuyệt vời cho tương lai của công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo và môi trường biển.