Tin trong nước

Nguy hiểm khi thi công gần đường điện

Thứ tư, 1/7/2020 | 14:26 GMT+7
Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay đã xảy ra một số vụ tai nạn do thi công, lao động gần đường điện, vi phạm hành lang an toàn lưới điện. 
Hiện trường xảy ra sự cố phóng điện trên đường dây 220kV do vi phạm khoảng cách an toàn ngày 12-5 tại xã Phú Vinh (H.Định Quán). Ảnh: Truyền tải điện miền Đông 1 cung cấp.
 
Gần nhất vào chiều 24-5, tại TT.Vĩnh An (H.Vĩnh Cửu), người dân tự ý cưa cây gòn (nằm ngoài hành lang an toàn lưới điện) đã làm cây ngã đổ vào đường dây 110kV Trị An - Kiệm Tân gây mất điện của hơn 28,8 ngàn hộ dân tại 2 huyện Thống Nhất và Định Quán.
 
Trước đó, vào chiều 12-5, tại xã Phú Vinh (H.Định Quán), một xe cẩu tập kết các cây giá tỵ trong hành lang an toàn đường dây 220 kV Bảo Lộc - Sông Mây vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện (với vi phạm này, chủ xe sau đó bị xử phạt hành chính 25 triệu đồng).
 
Nghiêm trọng hơn, trưa 18-3, tại P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) trong quá trình bốc dỡ hàng, do bất cẩn nên một người đã bị điện giật tử vong. Nguyên nhân là do cây sắt của khung bạt xe tải bị vướng vào dây điện của trạm biến áp lưới điện trung thế ven đường gây phóng điện.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn chủ quan khi thi công, làm việc gần đường điện. Cụ thể như hiện nay, một công trình xây dựng ngay tại giao lộ Phạm Văn Thuận - Trần Quốc Toản (thuộc P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) dù có lưới chắn phía trước nhưng khu vực thi công có khoảng cách rất gần đường dây điện. Tình trạng nhiều người treo
băng-rôn, cắm cờ, treo bảng quảng cáo gần đường điện nhưng không hề có biện pháp đảm bảo an toàn; thậm chí đi làm việc này một mình, không có người giữ thang, canh chừng bên dưới diễn ra rất phổ biến.
 
Ông Trần Long (chủ một cơ sở lắp đặt bảng quảng cáo tại P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) giải thích: “Do không gian thi công tại các nhà mặt phố quá chật, hẹp lại gần đường điện nên để lắp đặt các bảng quảng cáo đúng vị trí, có lúc chúng tôi phải chồng các giàn giáo qua đường điện. Giờ nghĩ lại thấy quá nguy hiểm”.
 
* Chủ động phòng ngừa tai nạn do phóng điện
 
Thời gian qua, các đơn vị thuộc ngành điện hoạt động trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên hệ thống báo đài, phát tờ rơi tuyên truyền cho khách hàng...; đồng thời thường xuyên rà soát, thống kê các tuyến đường mới phát sinh dưới hành lang an toàn lưới điện; vận động và hỗ trợ các hộ dân cắt tỉa khống chế chiều cao cây trồng trong và ngoài hành lang an toàn lưới điện... Tuy nhiên, để giảm thiểu và ngăn chặn các tai nạn liên quan đến điện ảnh hưởng đến sản xuất, sức khỏe, tính mạng người dân thì việc quan trọng nhất vẫn là ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa tai nạn do phóng điện của mỗi người dân.
 
Ông Trần Thanh Sang, Trưởng phòng An toàn, Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai khuyến cáo, để đảm bảo an toàn trong việc chặt, tỉa cây cũng như việc khai thác, thu hoạch nông sản..., các tổ chức, cá nhân phải tuân thủ quy định về độ cao của cây trồng trong hoặc gần hành lang an toàn lưới điện theo Điều 12 của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định số 14) ngày 26-2-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.
 
“Khi chặt cây, tỉa cành có khả năng cây ngã, rơi vào đường dây, phải liên hệ trước với đơn vị quản lý vận hành để được hướng dẫn, hỗ trợ các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho cả hai bên. Không được chặt, tỉa cây khi có gió cấp 4 (từ 20-28km/giờ) trở lên. Để tránh cây ngã, đổ về phía đường dây khi chặt, tỉa cần dùng dây thừng buộc và kéo cây về phía đối diện với đường dây” - ông Sang lưu ý.
 
Hiện nay Nghị định số 14 đã quy định rõ khoảng cách an toàn phóng điện theo từng cấp điện áp. Ngoài ra, tại Điều 15, Nghị định 134/2013/NĐ-CP ngày 17-10-2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng nêu rõ, phạt tiền từ 1-50 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định an toàn điện và bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu; đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm...
 
Ông Trịnh Đình Chính - Giám đốc Truyền tải điện miền Đông 1 (đơn vị quản lý đường điện 220-500kV tại khu vực Đồng Nai) cho biết, trong trường hợp tổ chức, cá nhân có yêu cầu thi công tạm thời gần các đường điện trên phải có sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện về các biện pháp bảo đảm an toàn, người giám sát cần thiết.
 
Theo Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, trong năm 2019, trên hệ thống thuộc công ty quản lý đã xảy ra 5 sự cố lưới điện do vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp do người dân tác động, gồm: 4 sự cố do người dân chặt cây ngoài hành lang an toàn lưới điện cao áp ngã đổ vào đường dây; 1 sự cố lắp biển quảng cáo vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2020, xảy ra 6 sự cố an toàn lưới điện cao áp, nguyên nhân do cháy lan (2 vụ), lốc xoáy bay vật lạ vào đường dây (2 vụ), cưa cây ngoài hành lang an toàn lưới điện ngã đổ vào đường dây (1 vụ), câu cá làm dây câu móc lên đường dây (1 vụ).
 
 
Theo: Báo Đồng Nai