Nhà máy điện sinh học đầu tiên của Cuba sẵn sàng thử nghiệm đồng bộ với nhà máy đường Ciro Redondo. (Nguồn: ACN)
Hãng thông tấn quốc gia Cuba ACN mới đây cho biết nhà máy điện sinh học đầu tiên của nước này đã sẵn sàng thực hiện các thử nghiệm đồng bộ hóa với nhà máy đường Ciro Redondo ở tỉnh miền Trung Ciego de Ávila.
Theo Phó chủ tịch công ty liên doanh Biopower Carmen Taboada Hernández, một nhóm chuyên gia Trung Quốc, đã hỗ trợ Cuba nghiên cứu và thực hiện một số sửa đổi nhằm cải thiện việc cung cấp bã mía cho nồi hơi và từ đó đảm bảo vận hành ổn định nhà máy.
Bà Taboada Hernández cho hay nhà máy điện sinh học dự kiến sẽ sử dụng nguyên liệu sinh khối từ bã mía và cây marabú, một loại cây bụi gai rễ chùm có khả năng sinh trưởng và phát tán mạnh trong nhiều địa hình, chịu được nhiều loại điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Nhà máy đường Ciro Redondo sẽ cung cấp bã mía và nước ngưng tụ, sau đó nhận điện và nhiệt năng cần thiết cho quá trình sản xuất công nghiệp.
Nhà máy điện sinh học đầu tiên của Cuba sử dụng công nghệ Trung Quốc và có chi phí đầu tư khoảng 140 triệu USD. Đây là một trong những công trình quan trọng nhất của đất nước, nằm trong chiến lược quốc gia mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhà máy dự kiến tiêu thụ 2.100 tấn bã mía trong mỗi 24 giờ trong vụ thu hoạch mía đường và từ 1.200-1.500 tấn marabú trong thời gian nhà máy đường ngừng hoạt động.
Hiện nay, nhà máy điện sinh học tiên phong trong việc sử dụng marabú làm nhiên liệu này đã tích trữ được khoảng 34.000 tấn marabú.
Mặc dù được thiết kế với công suất 60MW, nhà máy điện sinh học này sẽ chỉ đóng góp khoảng 45MW vào lưới điện quốc gia bởi phần còn lại sẽ được sử dụng để đáp ứng nhu cầu của nhà máy đường trong vụ thu hoạch. Theo dự kiến, nhà máy sẽ sử dụng 70% nguyên liệu sinh khối từ bã mía và 30% từ cây marabú.
Các chuyên gia tính toán rằng khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định sẽ tiết kiệm được 100.000 tấn dầu mỗi năm, đồng thời giảm phát thải 300 tấn CO2 vào khí quyển.
Theo: VietnamPlus