Ban công có lắp pin mặt trời tại Tây Ban Nha. Ảnh: Tornasol Energy
Dù không phải là bối cảnh của một câu chuyện tình lãng mạn như Romeo và Juliet song ban công ở Tây Ban Nha đang thu hút sự chú ý đáng kể nhờ các tấm pin năng lượng mặt trời tự chế (DIY) - xu hướng xuất phát từ "tình yêu" của người Đức. Các tấm pin kiểu này đã được lắp đặt trên khoảng 1,5 triệu ban công ở Đức, phổ biến đến mức ra đời cả thuật ngữ "Balkonkraftwerk" (nhà máy điện trên ban công). Dễ lắp đặt và giúp tiết kiệm năng lượng là hai điểm mạnh nhất của xu hướng này.
Các nhà sản xuất cho biết chỉ cần lắp 2 tấm pin 300 Watt là có thể tiết kiệm tới 30% hóa đơn tiền điện của một gia đình bình thường. Theo tờ The Guardian, với chi phí 400-800 euro và không tốn phí lắp đặt, các tấm pin có thể "tự hoàn vốn" trong vòng 6 năm.
Tại Tây Ban Nha, nơi 2/3 dân số sống trong các căn hộ, việc lắp đặt các tấm pin trên mái nhà cần phải được đa số cư dân trong tòa nhà đồng thuận nên bộ kit năng lượng mặt trời ban công là lựa chọn đầy triển vọng. Lắp pin mặt trời ngoài ban công không cần sự đồng ý của bất kỳ ai, trừ khi mặt tiền của tòa nhà được công nhận là có giá trị lịch sử hoặc có một lệnh cấm cụ thể của chính quyền địa phương. Hơn nữa, hệ thống không vượt quá 800 Watt nên sẽ không cần giấy phép - loại giấy phép này có thể tốn 100-400 euro tùy theo khu vực.
"Điều tuyệt vời của công nghệ nói trên là linh hoạt, rẻ và có thể kết nối trực tiếp vào mạng điện gia đình thông qua bộ chuyển đổi" - ông Santiago Vernetta, Giám đốc điều hành của Tornasol Energy - một trong những nhà cung cấp chính hệ thống này ở Tây Ban Nha, tâm đắc.
Cũng như các hệ thống năng lượng mặt trời khác, các tấm pin ban công chỉ hoạt động vào ban ngày, vì vậy cần thêm hệ thống lưu trữ. Theo bà Raquel Paule, Giám đốc Fundación Renovables - trụ sở tại Madrid, bên cạnh các hệ thống năng lượng cộng đồng lắp đặt trên mái trường học, trung tâm thể thao…, năng lượng mặt trời từ ban công là một bước tiến nữa hướng tới việc sử dụng môi trường xây dựng để tạo ra điện. Bà nhấn mạnh khả năng tự sản xuất điện - dù trong hộ gia đình hay quy mô cộng đồng - là một phần quan trọng của chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là với các thành phố vốn phụ thuộc vào nguồn cung cấp bên ngoài để đáp ứng 97% nhu cầu điện của mình.
Ông Vernetta nhận định các bề mặt thẳng đứng trong đô thị có diện tích lớn hơn rất nhiều so với mái nhà, do đó lượng điện năng thu về cũng cao hơn. Theo The Guardian, một số thành phố, như Helsinki - Phần Lan, đã bắt đầu thử nghiệm lắp đặt lớp ốp pin năng lượng mặt trời lên bề mặt các tòa nhà.
Đức, quốc gia dẫn đầu châu Âu về lắp đặt năng lượng mặt trời, đặt mục tiêu cung cấp 80% điện năng từ các nguồn tái tạo vào năm 2030. Mục tiêu của EU là 42%. Xếp sau Đức là Tây Ban Nha, Ý và Ba Lan. Tại Pháp, năng lượng mặt trời từ ban công cũng ngày càng phổ biến trong khi Bỉ sắp dỡ bỏ lệnh cấm các thiết bị năng lượng mặt trời kết nối.
"Điều cần thiết nữa hiện nay là kết nối mạnh mẽ hơn giữa năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các nguồn tái tạo khác" - ông Schmela nhìn nhận.
Link gốc