Trung tâm điều khiển hệ thống điện đã sẵn sàng cho việc vận hành thương mại tổ máy số 1.
Hiện nay, Nhà máy đang vận hành thử nghiệm một số thiết bị và sẽ đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 vào tháng 10/2017 và tổ máy số 2 vào tháng 4/2018.
Nhà máy nhiệt điện Thái Bình có công suất 600MW, gồm 2 tổ máy, mỗi tổ công suất 300MW do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là nhà máy được trang bị công nghệ, thiết bị hiện đại, được thiết kế và xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ môi trường với nhà thầu chính là Tập đoàn Marubeni Nhật Bản có tổng mức đầu tư 26.584 tỷ đồng.
Đến nay khối lượng công việc đã được nhà thầu thực hiện cơ bản đáp ứng hợp đồng, các hạng mục nhà máy chính (EPC) đã đạt 97,98%, trong đó công tác thiết kế đạt 99,95%, chế tạo và mua sắm đạt 99,99%, công tác xây dựng đạt 98,63%, công tác lắp đặt đạt 88,72%, công tác chạy thử đạt 56,28%. Đến nay nhà thầu đang tập trung thực hiện các công tác chạy thử của dự án, các hệ thống thiết bị đã hoàn thành lắp đặt phục vụ vận hành. Các nhiên liệu phục vụ cho công tác chạy thử nghiệm như than, dầu, đá vôi đã và đang thực hiện cung cấp theo tiến độ, trong đó đã cấp vào kho khoảng 42.000 tấn than, 7.000 tấn HFO và 1.000 tấn DO, 4.000 tấn đá vôi. Trong tháng 8, nhà thầu tiến hành đốt than lần đầu cho lò hơi số 1 và tiến hành vận hành thử nghiệm tại các phụ tải khác nhau của tổ máy, đốt lại lò hơi tổ máy số 2 và thực hiện kiểm tra các phần kỹ thuật, an toàn trước khi hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia.
Trước đó, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 5, Nhà máy đã tiến hành đốt lần đầu và hòa đồng bộ lần đầu bằng dầu HFO thành công. Đối với tổ máy 2 cũng đã thực hiện đốt dầu HFO trong đầu tháng 7, vượt kế hoạch đề ra hơn 1 tháng và đang chuẩn bị hòa đồng bộ lần đầu trong tháng 8. Đến nay, lực lượng quản lý vận hành đã đào tạo xong, đang được nhà thầu chuyển giao vận hành.
Đặc biệt, các thiết bị bảo vệ môi trường như ống khói, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống giám sát khí thải, hệ thống xử lý nước thải đã lắp đặt và đưa vào vận hành thử nghiệm ở các tổ máy. Đối với hệ thống quan trắc tự động, nhà thầu đã lắp đặt và thử nghiệm xong hệ thống giám sát online đối với khí thải và đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống giám sát nước thải. Dự kiến trong quý IV/2017 sẽ hoàn thiện công tác lắp đặt và chạy thử.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án tiếp tục đôn đốc tổng thầu Marubeni hoàn thiện việc gửi các số liệu giám sát về Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời thống nhất với các bên liên quan trong việc thực hiện lắp đặt màn hình điện tử cỡ lớn ở một số vị trí của tỉnh. Cùng với đó, Ban Quản lý dự án đã ký quy chế phối hợp giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường với các sở, ngành và chính quyền địa phương do Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì. Hàng tháng, Ban Quản lý dự án sẽ cập nhật kế hoạch vận hành thử nghiệm và thông báo kế hoạch chạy thử tới lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương và người dân được biết. Như vậy, đến nay mọi công đoạn về công tác an toàn môi trường của dự án đều được thực hiện nghiêm túc và không gây ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, Nhà máy cũng đã có kế hoạch xử lý tiêu thụ tro xỉ và các chất thải nguy hại. Để dự trữ và tiêu thụ lượng tro xỉ thải ra khoảng 570.000 tấn/năm, Nhà máy đã xây dựng bãi xỉ khoảng 27ha nằm bên cạnh nhà máy chính đồng thời ký kết thỏa thuận nguyên tắc và việc xử lý, chế biến toàn bộ lượng tro bay, xỉ đáy lò và thạch cao FGD phục vụ sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Phong. Theo thỏa thuận, đơn vị tiêu thụ sẽ nhận bao tiêu toàn bộ số lượng tro xỉ thải ra khi nhà máy đi vào vận hành. Hiện Công ty đang lập đề án xử lý tro xỉ để báo cáo Bộ Công Thương theo quy định hiện hành.
Sau khi đi vào vận hành thương mại, hàng năm Nhà máy nhiệt điện Thái Bình sẽ cung cấp 3,276 tỷ kWh cho hệ thống điện quốc gia, đóng góp cho ngân sách tỉnh 600 tỷ đồng/năm.