Tin thế giới

Nhà máy quang điện nổi được triển khai tại mỏ đá ở Pháp

Thứ tư, 14/10/2020 | 14:02 GMT+7
Sergies, đơn vị năng lượng tái tạo thuộc Tập đoàn Sorégies, đã hoàn thành một nhà máy quang điện nổi công suất 27 MW trên một mỏ đá ngập nước ở Saint-Maurice-la-Clouère, ở Nouvelle-Aquitaine, Pháp.
 

Nhà máy quang điện nổi tại Pháp.
 
Nhà máy quang điện nổi này do nhà thầu GSM của Pháp xây dựng. Nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời VMH Energies có trụ sở tại Pháp đã cung cấp các mô-đun PV. Dự án được xây dựng trên một mỏ đá cũ thuộc sở hữu của GSM.
 
Các tấm pin mặt trời do VMH lắp ráp tại Châtellerault, hoàn toàn có thể tháo rời và tái chế. Công việc kỹ thuật điện – cũng như lắp đặt các cấu trúc và mô-đun – do Bouygues Energies Services, một đơn vị thuộc Tập đoàn Bouygues SA của Pháp đảm trách. Các cấu trúc nổi do Ako Industries cung cấp, trong khi Novanautic/Nautischaphe xử lý việc lắp đặt và neo.
 
Theo thông tin từ Sergies, nhà máy quang điện nổi này sẽ sản xuất hơn 3,3 GWh điện mỗi năm. Tổng chi phí của dự án là 3 triệu euro (tương đương 3,5 triệu USD).
 
Cư dân của một số thành phố ở địa phương đã ủng hộ dự án bằng nỗ lực huy động vốn cộng đồng vào mùa hè năm ngoái trên nền tảng Lumo, kết quả là thu được 150.000 euro. Khoảng một trăm người đăng ký đã tham gia vào sáng kiến này. Các dự án được xây dựng với tỷ lệ tài chính nhất định từ huy động vốn cộng đồng cũng được hưởng lợi từ một khoản khuyến khích bổ sung trên mức được cấp theo kế hoạch đấu thầu của quốc gia.
 
Sergies cho biết, nếu tất cả các hồ nhân tạo ở Pháp đều có hệ thống quang điện, chúng có thể đáp ứng nhu cầu của 3 triệu ngôi nhà – bao gồm cả hệ thống sưởi và nước nóng sinh hoạt.
 
Vào tháng 6 năm 2019, Công ty Compagnie Nationale du Rhône (CNR) của tập đoàn năng lượng khổng lồ Engie (Pháp), đã khánh thành nhà máy năng lượng mặt trời nổi đầu tiên của mình, trên Lac de la Madone, thuộc vùng Rhône miền Nam nước Pháp. Cuối tháng 3 năm nay, CNR cho biết họ đã bắt đầu lên kế hoạch xây dựng một nhà máy quang điện nổi công suất 30 MW tại thành phố Châteauneuf-du-Rhône, Drôme.
 
Năng lượng mặt trời nổi đang được nhiều quốc gia quan tâm chú ý. Từ Nhật Bản là nước đầu tiên triển khai, điện mặt trời nổi đã được phát triển tại nhiều quốc gia, như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Pháp, Brazil, Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia, Lào, Việt Nam… Công nghệ này cho phép đặt các tấm pin quang điện tiêu chuẩn lên trên cấu trúc nổi tại các hồ nước công nghiệp, hồ mỏ, hồ thủy lợi, hồ giữ nước, các trang trại nuôi trồng thủy sản, kênh đào và đập, hồ chứa khử muối… Ngoài những lợi ích trực tiếp như tạo ra nguồn điện sạch mà không chiếm diện tích đất, hệ thống năng lượng mặt trời nổi còn mang đến nhiều lợi ích về môi trường. Do các tấm pin mặt trời bao phủ một diện tích mặt nước, hệ thống giúp giảm bay hơi nước, bảo tồn lượng nước và các hệ sinh thái dưới mặt nước. Hệ thống điện mặt trời nổi còn giúp hạn chế xói mòn kè hồ chứa bằng cách giảm tác động của sóng. Ngược lại, nhờ hiệu ứng làm mát tự nhiên của nước, các tấm pin năng lượng mặt trời cũng hoạt động hiệu quả hơn. Hiệu suất phát điện của các giàn pin mặt trời lắp trên mặt nước tăng trung bình khoảng 10-12%.
 
Tại Việt Nam, hiện có 7.000 hồ thủy lợi và đầm phá có tiềm năng phát triển điện mặt trời nổi. Một số nhà máy điện mặt trời nổi đã hoàn thiện, được đưa vào vận hành tại Việt Nam như:  Nhà máy điện mặt trời Đa Mi (Bình Thuận) công suất 47,5 MW, nhà máy điện mặt trời hồ Gia Hoét 1 công suất 35 MWp, Nhà máy điện mặt trời hồ Tầm Bó công suất 35 MWp… Mới đây, hồi tháng 7/2002, 2 dự án điện mặt trời nổi đã được UBND tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực: điện mặt trời nổi hồ Vực Mấu công suất lắp đặt 200 MWp, điện mặt trời hồ Khe Gỗ công suất 250 MWp.
 
Sự phát triển của các nhà máy quang điện nổi đang được xem là một giải pháp tối ưu bên cạnh các trang trại điện mặt trời mặt đất truyền thống, trong bối cảnh diện tích đất ngày càng hạn hẹp như hiện nay.
 
Theo: Năng lượng News