Tin trong nước

Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong vận hành hồ thủy điện và kiểm soát lũ

Thứ sáu, 27/10/2017 | 16:55 GMT+7
Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Kyushu (Nhật Bản) tổ chức Hội thảo quốc tế “Công nghệ Nhật bản trong vận hành hồ thủy điện và kiểm soát lũ”.

 
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Cường Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết: Đến nay tổng công suất đặt của các nhà máy thủy điện tại Việt Nam trên 18.000 MW. Nguồn thủy điện đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.. Các công trình thủy điện của EVN đã tạo ra tổng dung tích trên 30 tỷ m3 trên các bậc thang thủy điện lớn như sông Đà, sông Sê San, sông Đồng Nai… 
 
Để đảm bảo vận hành an toàn và hiệu quả, EVN luôn chỉ đạo các nhà máy thủy điện đáp ứng đúng quy trình vận hành liên hồ chứa, góp phần tích cực vào việc cắt/giảm lũ vào mưa mưa, giúp bổ sung nước về mùa kiệt, đảm bảo an toàn cho hạ du.
 
Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Cường Lâm cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, công tác vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ tại các công trình thủy điện của EVN luôn đảm bảo an toàn cho công trình, đảm bảo hài hòa lợi ích sử dụng nước. EVN cập nhật công nghệ của thế giới để tính toán, dự báo quản lý vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Để chủ động công tác vận hành hồ chứa, các công ty thủy điện của EVN, bên cạnh tiếp nhận số liệu dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương và của khu vực, cũng đẩy mạnh công nghệ đo mưa theo hướng tự động hóa để đảm bảo cung cấp kịp thời số liệu phục vụ công tác dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ, từ đó có phương án vận hành hồ chứa tối ưu, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn trong mùa lũ trong PCLB. 
 
“Hội thảo hôm nay với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và dự báo khí tượng thủy văn, đây là cơ hội để EVN học hỏi, trao đổi để tiếp thu những khoa học công nghệ mà Nhật Bản đã và đang áp triển khai tại các nhà máy thủy điện”, ông Nguyễn Cường Lâm cho biết.  
 
Tại Hội thảo, ông Hà Ngọc Tuấn – Kỹ sư trưởng Tập đoàn Điện lực Kyushu cho biết, tại Nhật Bản, để vận hành hồ chứa thủy điện hiệu quả, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã xây dựng chương trình điều khiển dòng chảy (HNT). Chương trình được thiết kế nhằm cung cấp thông tin theo thời gian thực hỗ trợ các NMTĐ trong công tác vận hành hồ chứa hiệu quả và kiểm soát lũ.
 
Các tính năng của chương trình gồm: Dự báo thời tiết và tính toán dòng chảy; thông báo tự động qua email và tin nhắn sms khi lũ được dự báo ở mức độ cảnh báo, mô phỏng vận hành nhà máy, bộ mô phỏng lũ, công cụ tính toán cải thiện vận hành. 
 
“Đặc biệt, HNT tính toán theo thời gian thực là chức năng cốt lõi của chương trình cho phép kiểm soát dòng chảy. Chương trình tính toán lưu lượng vào và lưu lượng ra trong quá trình vận hành. Thông tin này được hiển thị bằng đồ thị giúp kỹ sư vận hành nắm bắt toàn diện tình hình hồ chứa và xu hướng dòng chảy vào hồ để tối ưu hóa chi phí. Chức năng này cũng đặc biệt hữu ích trong giám sát diễn biến lũ để vận hành xả lũ an toàn”, ông Hà Ngọc Tuấn cho biết.
 
Theo ông Tuấn, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng chương trình điều khiển dòng chảy HNT do chi phí đầu tư không tốn kém, hỗ trợ vận hành an toàn ở mức tốt nhất có thể điều đó giúp tăng thu nhập nhờ vận hành hiệu quả. Ngoài ra, không cần đòi hỏi kiến thức nâng cao và đã được kiếm chứng thành công tại hồ thủy điện Thắc Xăng (Lạng Sơn).
 
Kết luận tại Hội thảo, ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết: Việt Nam là đất nước có nhiều sông suối với nhiều nhà máy thủy điện trải dài từ miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên với hàng trăm nhà máy thủy điện lớn, nhỏ, trong đó có nhiều nhà máy thủy điện lớn do EVN quản lý như Hòa Bình, Sơn La, Ialy… Các NMTĐ của Việt Nam đóng góp quan trọng trong hệ thống diện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
“Việc Tập đoàn Điện lực Kyushu chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam cho công tác vận hành hồ chứa, kiểm soát lũ là điều rất cần thiết để giúp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm hay trong vận hành, những ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để vận hành tối ưu nhà máy thủy điện, tiết kiệm nước, đảm bảo an toàn cho công trình cũng như hạ du. Sau Hội thảo, Hiệp hội Năng lượng sẽ tổng hợp các ý kiến gửi Chính phủ xem xét nghiên cứu để đưa ra quyết định có nên áp dụng tại Việt Nam hay không”, ông Ngãi cho biết.
Kim Thái/Icon.com.vn