Nhiên liệu và vật liệu từ sinh khối

Thứ năm, 23/4/2020 | 14:19 GMT+7
Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và bước đầu đã có những thành công trong việc chế tạo các vật liệu và năng lượng từ nguồn sinh khối.
 
Năng lượng sinh khối không chỉ thay thế năng lượng hoá thạch mà còn góp phần xử lý ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, năng lượng có nguồn gốc sinh khối hiện đang được sử dụng theo bốn cách: Sử dụng trực tiếp như than, củi, rơm, rạ dùng làm chất đốt; khí biogas từ rơm rạ, chất thải chăn nuôi; bioetanol từ sắn, mía, ngô và biodiesel từ hạt có dầu, mỡ cá, mỡ động vật. Trong đó phổ biến nhất vẫn là sử dụng trực tiếp và khí biogas. Các loại hình khác vẫn còn ở trong giai đoạn thử nghiệm. Vật liệu từ sinh khối đã được sử dụng hàng ngàn năm nay như gỗ, tre, nứa, lá, mây làm nhà, lụa, vải, đồ thủ công mỹ nghệ... Cấu tạo chính của sinh khối là cenllulose, hemicenllulose, lignin. Các chất này chiếm tỷ lệ trên 70% và là nguồn nguyên liệu chính cho ngành công nghiệp vật liệu không dầu mỏ.
 
Về nhiên liệu sinh khối, các nhà khoa học đã hoàn thiện công nghệ sản xuất biodiesel từ dầu thực vật  và cho kết quả tốt khi ứng dụng cho xe ô tô, xe máy và máy phát điện. Những kết quả nghiên cứu thăm dò của Viện cho thấy khả năng chuyển hóa sinh khối thành hydro carbon dạng xăng (sunfuel) trên hệ xúc tác oxit kim loại có cấu trúc nano, mở ra khả năng sản xuất nhiên liệu từ các loại thực vật của rừng ngập mặn hay các sản phẩm của rừng phòng hộ chống cát như rừng dương… mà không qua con đường chuyển hóa sinh học.
 
Đối với vật liệu đi từ sinh khối, các nhà nghiên cứu đã xây dựng được công nghệ ổn định sản xuất vật liệu biopolymer phân huỷ sinh học từ nguyên liệu tinh bột và sợi tự nhiên là phế thải nông nghiệp và thuỷ sản. Công nghệ này được ứng dụng thực tế để chế tạo thành chất dẻo phân huỷ sinh học làm màng giữ hoa quả tươi lâu và bọc phân NPK hấp thụ, giữ nước tốt, nhả chậm theo thời gian mong muốn.

Link gốc
Theo: Khoa học và đời sống