Phối cảnh Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Sau khi thỏa thuận xong, sẽ tiến hành đóng tài chính và chuyển sang giai đoạn khởi công, dự kiến vào cuối quý II/2018. Theo kế hoạch, Dự án sẽ vận hành thương mại vào năm 2022, với sản lượng điện hàng năm là 8,1 tỷ kWh, đóng góp khoảng 3% cho hệ thống điện.
Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2 đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) đã đạt được các thỏa thuận về thu xếp tài chính, phục vụ việc xây dựng nhà máy.
Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) giữa tháng 4/2018 đã loan báo về thỏa thuận cho vay trị giá 560 triệu USD cho Công ty TNHH Điện lực Nghi Sơn 2 (NS2PC) - một doanh nghiệp Việt Nam được đầu tư bởi Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) và các đối tác khác.
Khoản vay này phục vụ việc xây dựng Nhà máy Nhiệt điện than Nghi Sơn 2 đặt tại Thanh Hóa, có công suất 1.200 MW và bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong thời gian 25 năm.
Tuy nhiên, JBIC chỉ là một trong các nhà thu xếp tài chính cho Dự án BOT Nghi Sơn 2, bên cạnh các tổ chức tài chính khác, gồm Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM - 560 triệu USD), Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (132,4 triệu USD), MUFG Bank, Ltd. (132,4 triệu USD), Mizuho Bank, Ltd. (99,3 triệu USD), Shinsei Bank, Ltd. (99,3 triệu USD), Oversea-Chinese Banking Corporation, Ltd. (132,4 triệu USD), DBS Bank, Ltd. (99,3 triệu USD), Malayan Banking Berhad (99,3 triệu USD), với tổng số tiền đồng tài trợ là 1,869 tỷ USD.
Sự có mặt của JBIC và KEXIM còn có mục đích cung cấp bảo lãnh rủi ro cho phần khoản vay được tài trợ bởi các tổ chức tài chính tư nhân.
Dự án BOT Nghi Sơn 2 cũng đã được đề cập trong Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản hồi tháng 6/2017 và là một phần trong nỗ lực tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai bên.
Dự án BOT Nghi Sơn 2 từng được kỳ vọng là dự án kiểu mẫu về chọn nhà đầu tư triển khai đối với loại hình BOT trong ngành điện thông qua phương pháp đấu thầu quốc tế với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB), thông qua Công ty Tài chính quốc tế (IFC).
Mục tiêu khi đó được đặt ra là rút ngắn thời gian triển khai dự án BOT điện khi đã có một bộ quy trình chuẩn mực quốc tế. Tuy nhiên, tính từ khi bộ hồ sơ mời thầu quốc tế được IFC đưa ra vào năm 2008 tới nay, đã 10 năm trôi qua.
Theo công bố của JBIC, mục đích của khoản vay từ phía JBIC là nhằm hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở nước ngoài mà công ty Nhật Bản tham gia với tư cách là nhà đầu tư và sử dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, cũng như góp phần duy trì và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của các ngành công nghiệp Nhật Bản.
Trước BOT Nghi Sơn 2, năm 2003, JBIC cũng đã tham gia tài trợ vốn ở Dự án BOT Nhiệt điện khí Phú Mỹ 3 - nơi Tổ hợp nhà thầu Kyushu và Nissho Iwai của Nhật Bản góp vốn đầu tư.
“Là tổ chức tài chính dựa trên chính sách của Nhật Bản, JBIC sẽ tiếp tục hỗ trợ tài chính để trợ giúp công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng ở nước ngoài”, đại diện của JBIC cho biết.
Trước đó, tháng 9/2017, bộ hợp đồng của Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 bao gồm Hợp đồng thuê đất, Hợp đồng mua bán điện và Hợp đồng BOT đã được ký chính thức giữa chủ đầu tư với các bên liên quan.
Xa hơn nữa, vào năm 2011, Dự án Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đã tiến hành đấu thầu quốc tế để chọn nhà phát triển. Vào tháng 3/2013, Tổ hợp nhà thầu Marubeni (Nhật Bản) và Kepco (Hàn Quốc) đã trở thành người chiến thắng.
Sau hơn 6 năm kể từ khi tiến hành đấu thầu, vào tháng 6/2017, Dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với quy mô hơn 2,793 tỷ USD.
Được biết, Doosan Heavy Industries (Hàn Quốc) là nhà tổng thầu EPC cho dự án điện BOT này.