Như vậy, sau 11 năm chờ đợi, cuối cùng thì dự án nhiệt điện BOT thuộc diện “trường kỳ chờ đợi” nhất ở Việt Nam đã chính thức có được cái gật đầu của Chính phủ Việt Nam. Dự án nhiệt điện đốt than này có công suất 1.320 MW.
Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đề xuất đầu tư từ năm 2006, với công suất 2.640 MW, trên diện tích hơn 350 ha, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I có vốn đầu tư trên 2 tỷ USD. Năm 2009, Chính phủ đã chấp thuận để Dự án được triển khai theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, trong đó có đàm phán hợp đồng BOT, nên đến nay, Dự án vẫn chưa triển khai thực hiện được, thậm chí là chưa thể hoàn thành thủ tục để được cấp chứng nhận đầu tư. Cũng vì vậy, thời hạn triển khai Dự án liên tục được gia hạn, khiến không chỉ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, mà cả người dân quanh vùng cũng vô cùng sốt ruột.
Dự án dự kiến xây dựng trên diện tích hơn 514,79 ha, bao gồm: 178,4 ha nhà máy, 68 ha bãi xỉ, nhà ở chuyên gia rộng 3,4 ha và diện tích mặt nước 265 ha. Quy mô đất sử dụng lớn như vậy nên công tác giải phóng mặt bằng khó khăn. Và cũng vì quy mô sử dụng đất lớn, nên việc đất để hoang kéo dài khiến người dân Khánh Hòa không khỏi sốt ruột.
Tuy nhiên, giờ đây, Dự án đã chính thức có được giấy phép trong tay. Theo kế hoạch, đầu năm 2018, Dự án sẽ được khởi công xây dựng. Kỳ vọng lần này, sẽ không còn thêm một lần lỡ hẹn nào nữa!
Như vậy từ đầu năm tới nay, đã có 3 dự án nhiệt điện BOT được cấp chứng nhận đầu tư. Lớn nhất, là Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD. Dự án cũng do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hoá, với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.
Lớn thứ hai là Nhiệt điện Vân Phong 1. Và thứ ba là Dự án Nhiệt điện BOT Nam Định 1, với tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD.
Nhiệt điện BOT Nam Định 1 do nhà đầu tư Singapore đầu tư, với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Đây cũng chính là lý do vì sao, 11 tháng qua, sản xuất, phân phối điện đã vươn lên vị trí số 2 trong số các ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư nhiều nhất, sau công nghiệp chế biến, chế tạo. Tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực này là 8,37 tỷ USD, chiềm 25,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.