Nhiều giải pháp giảm tổn thất điện năng trong năm 2021

Thứ tư, 5/5/2021 | 16:56 GMT+7
Những năm gần đây, công tác giảm tổn thất điện năng (TTĐN) của Điện lực Cẩm Lệ (PC Đà Nẵng) được triển khai tích cực, quyết liệt. 

Điện lực Cẩm Lệ triển khai tích cực, quyết liệt nhiều giải pháp để giảm tổn thất điện năng năm 2021.
 
Điện lực đã thực hiện đầu tư, củng cố lưới điện, rút ngắn bán kính cấp điện, nâng tiết diện dây, công suất máy biến áp phù hợp với yêu cầu phụ tải và giảm TTĐN. Bên cạnh đó, các giải pháp trong quản lý vận hành, quản lý kinh doanh đã được thực hiện nhằm góp phần vào mục tiêu hoàn thành kế hoạch TTĐN mà PC Đà Nẵng giao năm 2021.
 
Để thực hiện kế hoạch giảm tổn thất điện năng do Công ty giao là 3,06% và phấn đấu thực hiện đạt 2,74%, ngay từ đầu năm 2021, Điện lực Cẩm Lệ đã tổ chức họp để tính toán, phân tích tình trạng hệ thống điện, phân loại TTĐN trên lưới điện thuộc quản lý của Điện lực Cẩm Lệ nói riêng và EVN nói chung để chia ra TTĐN kỹ thuật và TTĐN phi kỹ thuật.
 
Tổn thất điện năng kỹ thuật là tiêu hao điện năng tất yếu xảy ra trong quá trình truyền tải và phân phối điện. Còn tổn thất điện năng phi kỹ thuật hay còn gọi là TTĐN thương mại là do tình trạng vi phạm trong sử dụng điện như: lấy cắp điện dưới nhiều hình thức (câu móc điện trực tiếp, tác động làm sai lệch mạch đo đếm điện năng, gây hư hỏng, chết cháy công tơ, các thiết bị mạch đo lường... ); do chủ quan của người quản lý khi công tơ chết, cháy không thay thế kịp thời, bỏ sót hoặc ghi sai chỉ số; do không thực hiện đúng chu kỳ kiểm định và thay thế công tơ định kỳ theo quy định… dẫn đến điện năng bán cho khách hàng đo được qua hệ thống đo đếm thấp hơn so với điện năng khách hàng sử dụng.
 
Xác định được nguyên nhân đó, Điện lực Cẩm Lệ đã phân công nhiệm vụ thực hiện tính toán TTĐN kỹ thuật của từng trạm biến áp, từng đường dây bằng phần mềm PSS/ADEPT, từng khu vực để quản lý, đánh giá và đề ra các biện pháp giảm TTĐN phù hợp. Các bộ phận của Điện lực tổ chức theo dõi thông số vận hành lưới điện, tình hình tăng trưởng phụ tải để có kế hoạch “cấy” TBA công cộng mới vào trung tâm phụ tải, cải tạo lưới điện, tăng cường các mạch đường dây hạ áp vào các công trình đầu tư xây dựng 2021 và lộ trình đến năm 2025, duy trì mỗi năm đều có 5% TBA công cộng trên tổng số TBA được xây dựng. 
 
Hàng tuần, Điện lực căn cứ từ chương trình quản lý dữ liệu công tơ điện tử từ xa IFC và chương trình quản lý kỹ thuật - AMI để thực hiện cân pha đảm bảo các TBA công cộng có chỉ số không đối xứng – Kkđx <15%.
 
Ngoài ra, Điện lực Cẩm Lệ thực hiện giám sát tình trạng vận hành máy biến áp qua các phần mềm để thay đổi nấc phân áp, cân pha TBA một cách hợp lý; duy trì điện áp trong giới hạn cho phép theo quy định hiện hành (Kout<20%). 
 
Với mục tiêu không để các mối nối, tiếp xúc xúc không tốt gây phát nhiệt dẫn đến tăng TTĐN, Điện lực cũng đã tổ chức nhiều nhóm kiểm tra lưới điện đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật vận hành: hành lang lưới điện, tiếp địa, mối tiếp xúc bằng máy ảnh nhiệt Fluke Ti200, FLIR E75, cách điện của đường dây, thiết bị…
 
Bên cạnh đó, các giải pháp kỹ thuật khác cũng được Điện lực chú trọng thực hiện như: lắp đặt và vận hành tối ưu tụ bù công suất phản kháng, kiểm tra đối với khách hàng có khả năng gây méo điện áp (Nhà máy nước Cầu Đỏ, Dệt may Hòa Thọ…)  trên lưới điện để hạn chế các thành phần không cân bằng và sóng hài bậc cao; từng bước loại dần các thiết bị không tin cậy, kết cấu dư thừa, hiệu suất kém, tổn thất cao bằng các thiết bị mới có hiệu suất cao, tổn thất thấp. Đặc biệt, Điện lực cũng đã có kế hoạch thay thế các MBA vận hành lâu năm (trên 15 năm) bằng máy biến áp có lõi thép vô định hình.
 
Song song đó, các biện pháp quản lý kinh doanh cũng được Điện lực thường xuyên triển khai như hoàn thành 100% việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử có kết nối mạng, có thể truyền dữ liệu thông qua SPIDER GRID.
 
Ngay từ đầu năm, Điện lực đã tổ chức rà soát, quán triệt đảm bảo chất lượng kiểm định ban đầu công tơ để công tơ đo đếm chính xác trong cả chu kỳ làm việc; xây dựng và thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt, kiểm tra và nghiệm thu công tơ để đảm bảo không có sai sót trong quá trình lắp đặt, nghiệm thu hệ thống đo đếm.
 
Ngoài ra, Điện lực Cẩm Lệ luôn thực hiện kiểm định, thay thế định kỳ công tơ đúng thời hạn quy định; thường xuyên thực hiện chế độ quản lý, kiểm tra định kỳ ngày, đêm để kịp thời phát hiện và thay thế ngay thiết bị đo đếm bị sự cố (công tơ cháy, TU, TI cháy hỏng…) cũng như những hư hỏng hoặc bị can thiệp trái phép trên lưới điện; từng bước áp dụng công nghệ mới, lắp đặt thay thế các thiết bị đo đếm có cấp chính xác cao, rà soát các vị trí đo đếm rời (TI, TU riêng lẽ) để có kế hoạch thay thế bằng bộ đo đếm hợp bộ - MOF khi đến định kỳ; củng cố và nâng cao chất lượng ghi chỉ số công tơ, đặc biệt chú ý khả năng sai số do công tơ cháy, hỏng mà không phát hiện được.
 
Điện lực cũng đã khoanh vùng kiểm tra, theo dõi các TBA có tổn thất >5% và các TBA có tổn thất >4,5% để phát hiện vị trí gây thất thoát điện năng từ đó có các biện pháp xử lý kịp thời; chuyển các TBA chuyên dùng có nhiều điểm đo thành thành TBA công cộng có công tơ tổng; theo dõi đánh giá biến động TTĐN của từng xuất tuyến, từng TBA công cộng hàng tháng đồng thời so sánh kết quả lũy kế với kết quả tính toán TTĐN kỹ thuật để đánh giá thực tế vận hành cũng như khả năng có TTĐN thương mại thuộc khu vực đang xem xét.
 
Điện lực Cẩm Lệ tích cực kiểm tra, xử lý nghiêm và tuyên truyền ngăn ngừa các biểu hiện lấy cắp điện; phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm theo đúng quy định đối với các vụ vi phạm lấy cắp điện.
 
Với sự nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trong 3 tháng đầu năm 2021, Điện lực Cẩm Lệ đạt tổn thất lũy kế là 2,19%, giảm 2,45% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 2,38% so với kế hoạch PC Đà Nẵng giao.
Yên Bình