Nhà máy xử lý nước thải Cầu Ngà sử dụng năng lượng mặt trời để hoạt động. Ảnh: MINH HÀ
Tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh năng lượng cho cả xã hội.
Để nâng cao nhận thức tiết kiệm năng lượng trong cộng đồng doanh nghiệp, năm 2017, thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình đánh giá, công nhận danh hiệu Doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh. Lần đầu tổ chức, nhưng chương trình đã thu hút được 51 đơn vị tham gia. Trong đó có 35 doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm và 16 công trình xây dựng.
Nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc tiết kiệm điện, Công ty TNHH Ðiện Stanley Việt Nam (Khu công nghiệp vừa và nhỏ Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã thành lập Ban Quản lý năng lượng, ban hành chính sách năng lượng và kế hoạch tiết kiệm điện hằng năm và 5 năm. Nhiều giải pháp hợp lý, hiệu quả đã được doanh nghiệp này triển khai. Trong đó quan trọng nhất là đầu tư đổi mới công nghệ, cắt giảm các đèn chiếu sáng, sử dụng 100% hệ thống chiếu sáng bằng đèn led tiết kiệm điện, cài đặt điều khiển sự hoạt động của động cơ hệ thống theo nhiệt độ của nước làm mát, lắp đặt biến tần cho quạt thông gió nhà máy... Nhờ đó, mỗi năm doanh nghiệp đã tiết kiệm được gần ba triệu kW giờ, trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng mỗi năm. Ðại diện doanh nghiệp cho biết, với nền tảng công nghệ hiện tại và hệ thống phần mềm sẵn có, công ty đang hướng đến việc tự động hóa cao, kết nối mạng điều khiển, ứng dụng công nghệ “công nghiệp thế hệ 4.0” trong sử dụng năng lượng. 5 năm tiếp theo, đơn vị có kế hoạch tiết kiệm khoảng 13,5 triệu kW giờ (tương đương tiết kiệm số tiền 21,8 tỷ đồng).
Ngoài việc tiết kiệm điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp còn quan tâm việc tiết kiệm năng lượng khi vận hành các tòa nhà. Phó Chánh Văn phòng Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) Lê Văn Tùng cho biết, khi đưa vào vận hành tòa nhà EVN (số 11 phố Cửa Bắc, Hà Nội), EVN đã triển khai thay bóng đèn T8, bóng đèn com-pắc bằng bóng đèn led tiết kiệm điện, cải tạo hệ thống điều hòa, vận hành tối ưu hệ thống bơm nước, dán phim cách nhiệt tòa nhà, lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời… Nhờ đó, chi phí vận hành tòa nhà mỗi năm đã tiết kiệm được khoảng 700 triệu đồng. Hiện, tòa nhà này đang xây dựng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO: 50001, kế hoạch trong 5 năm tới sẽ tiết kiệm được khoảng 1,5 triệu kW giờ.
Tòa nhà Conerstone (số 16 phố Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) thuộc Công ty TNHH Daibiru CSB có tổng diện tích hơn 48.000 m2. Ba năm qua, đơn vị vận hành tòa nhà này đã triển khai các kế hoạch tiết kiệm điện. Tòa nhà đã sử dụng phần mềm quản lý kinh doanh BMS, phần mềm tự động hóa kết nối với hệ thống máy tính, giám sát điều khiển tất cả các hệ thống như điều hòa không khí, chiếu sáng, thang máy, an ninh... Toàn bộ hệ thống chiếu sáng đã được thay thế bằng đèn led tiết kiệm điện, tiết giảm chiếu sáng các khu vực không cần thiết... Mỗi năm, các giải pháp này giúp tòa nhà tiết kiệm được 130 nghìn kW giờ, trong khi thời gian hoàn vốn trung bình của các giải pháp chỉ mất chưa đầy hai tháng.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Ðàm Tiến Thắng, việc quản lý sử dụng năng lượng tốt giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp, đồng thời giảm thấp nhất tiêu thụ năng lượng trong toàn xã hội, đem lại những lợi ích lớn hơn cho môi trường chung. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình chọn Doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh được hỗ trợ đánh giá hiệu quả năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, đánh giá ứng dụng đổi mới trang thiết bị, kỹ thuật có mức tự động hóa cao. Các doanh nghiệp đạt danh hiệu sẽ được cấp giấy công nhận và quảng bá hình ảnh trên trang web của Sở Công thương Hà Nội và tiếp tục được xem xét hỗ trợ kỹ thuật trong các khâu kiểm toán năng lượng, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, chỉ số năng lượng; tư vấn đổi mới trang thiết bị kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng…, nhằm thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.