Như một cuộc thử thách lòng người

Thứ bảy, 19/6/2021 | 15:47 GMT+7
Những ngày tháng 5, nắng hè trong bối cảnh El Nino mạnh và kéo dài như làn lửa bao chụp mọi vật. Ngược xuôi bất tận trên đường, người nào cũng kín bưng trong quần áo, mũ nón, găng tay, khẩu trang, kính râm. 
Truyền tải Điện Khánh Hoà lắp đặt Camera AI cảnh báo cháy tại hành lang đường dây 220kV: Nha Trang - KrôngBuk. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn
 
Từ nửa buổi sáng đến tận xế chiều, nắng nóng lên tới hơn 40 độ C, phả hơi nóng khắp các ngõ ngách từ thôn quê đến thành thị, nhu cầu sử dụng điện tăng vượt đỉnh liên tục trong nhiều ngày và lưới điện truyền tải luôn ở ngưỡng cảnh báo đầy tải. Để đảm bảo vận hành an toàn thiết bị trên lưới điện truyền tải, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi máy biến áp, kháng điện, biến dòng, biến điện điện áp, tổ chức soi phát nhiệt kẹp cực, mối nối trên đường dây, trạm biến áp. Trong đó, đặc biệt lưu ý các máy biến áp 500kV đầy tải như Việt Trì, Hoà Bình, Nho Quan, Thường Tín, PleiKu 2, Đắk Nông, Vĩnh Tân và các đường dây 500kV Bắc – Trung.
 
Gian nan mùa nắng nóng
 
Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) Hồ Công cho biết, đến tháng 5-2021, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối các Công ty Điện lực trong khu vực các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông đã lên tới 4.093MW, chiếm 36% tổng công suất đặt nguồn điện đấu nối lưới truyền tải và lưới điện phân phối trong khu vực này. Trong đó, đấu nối ở cấp điện áp 500kV là 600 MW, ở cấp điện áp 220kV là 753 MW, ở cấp điện áp 110kV là 940 MW và điện mặt trời trang trại và áp mái đấu nối ở cấp điện áp dưới 22kV là 1.801MW.
 
Với tốc độ phát triển rất nhanh của các Nhà máy điện mặt trời, điện mặt trời trang trại, điện mặt trời mái nhà trong thời gian ngắn làm cho một số đường dây 220kV khu vực Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông luôn vận hành trong tình trạng đầy tải, xảy ra quá tải khi vào mùa mưa Tây Nguyên. Đặc biệt là các đường dây 220kV: Sinh Khối An Khê - Pleiku (100%); Sinh khối An Khê –  NMTĐ An Khê (100%); Quy Nhơn – NMTĐ An Khê (99%);  Quy Nhơn - Tuy Hòa (96%);  Thiên Tân – Nha Trang (98%); Nha Trang – Krông Buk (87%); Krông Búk - Pleiku 2: (88%) Đắk Nông –  Buôn Tuashar (102%); Đắk Nông – Buôn Kuốp (99%) và máy biến áp AT1 (97,%), AT2 (96%) trạm 500kV Đắk Nông; máy biến áp AT1 (94%), AT2 (95%) trạm 500kV Pleiku 2; máy biến áp AT1 (100%), AT5 (94%) trạm 500kV Pleiku…
 
Khi lưới điện vận hành trong tình trạng đầy tải, quá tải, PTC3 phải yêu cầu các đơn vị tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát thiết bị, máy biến áp, đường dây và hành lang tuyến để kịp thời khắc phục, xử lý các hiện tượng bất thường. Ngoài ra, một số công tác sửa chữa, bảo dưỡng cần cắt điện hoặc thí nghiệm định kỳ phải bố trí vào ban đêm khi điện mặt trời ngừng phát. Việc thực hiện các biện pháp an toàn, cũng như quá trình giám sát thi công, giám sát các thiết bị chịu lực, kiểm soát an toàn tại các khoảng cột có giao chéo với đường dây trung thế, hạ thế và đường giao thông lúc trời tối, vào ban đêm sẽ rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Sử dụng  thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa (UAV) kèm thiết bị ghi nhận hình ảnh và Camera chuyên dụng trong quản lý, vận hành lưới điện tại Truyền tải Điện Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn.
 
Theo văn bản số 795/TTg-CN ngày 25-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực, các dự án nhà máy điện gió khu vực Tây Nguyên có tổng công suất 2.358MW (chiếm 21% tổng công suất đặt nguồn điện đấu nối lưới truyền tải và lưới điện phân phối trong khu vực này) đang trong quá trình thi công, lắp đặt, việc đưa các dự án này vào vận hành tháng 11-2021 sẽ tạo thêm áp lực lên lưới điện truyền tải hiện hữu vốn đã đầy và quá tải ở các tỉnh: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông. Đặc biệt, tại khu vực Gia Lai, có tổng công suất 1.242,4MW (cấp điện áp 500kV: 200MW, 220kV: 650MW, 110kV: 392.4MW); khu vực Đắk Lắk có tổng công suất 685,8MW (cấp điện áp 500kV: 400MW, 220kV: 200MW, 110kV: 85.8MW); khu vực Đắk Nông có tổng công suất 430 MW (cấp điện áp 220kV: 380MW, 110kV: 50MW), khi đưa vào vận hành sẽ tiếp tục gây quá tải lên các đường dây 220kV Nhà máy điện gió Yang Trung –  Pleiku 2; Sinh Khối An Khê -  Pleiku,  Sinh khối An Khê –  NMTĐ An Khê; NMTĐ An Khê –  Quy Nhơn; Krông Búk – Pleiku 2, Đắk Nông –Buôn Tua shar, Đắk Nông – Buôn Kuốp và các máy biến áp AT1, AT2 trạm 500kV Đắk Nông; AT1, AT2 trạm 500kV Pleiku 2. 
 
Đã là lính đường dây thì nắng cũng ra tuyến, mưa cũng ra tuyến, là lính trạm thì lũ lụt, hay nắng nóng đều phải trực 24/24. Để việc huy động nguồn có hiệu quả, trong điều kiện hiện nay, EVN yêu cầu các Công ty Truyền tải điện phải truyền tải   công suất huy động tối đa của cụm nhà máy điện là 100% cho tới khi tình trạng nghẽn mạch hoặc quá tải liên quan được giải trừ. 
 
Với yêu cầu này, tình trạng vận hành mới của lưới điện PTC3  thường xuyên bị rơi vào tình trạng đầy tải 100%. Như vậy, đồng nghĩa với việc, phải giữ cho dòng điện thông suốt trong mọi tình huống, nhất là những ngày nắng nóng. Với địa bàn “nóng” như PTC3, anh em các đơn vị, không kể trực ca hay đã xuống ca đều phải tập trung nhân lực để  rà soát các điểm nghẽn mạch của lưới điện, những điểm có nguy cơ phát nóng cao, những điểm tiết diện đường dây bị nhỏ so với cả đường dây, dòng định mức của thiết bị trong ngăn lộ nhỏ hơn đường dây, các điểm có độ võng dây lớn nguy cơ vi phạm khoảng cách khi tải cao..vân vân và vân vân những vấn đề có thể xảy ra sự cố khi mà nhiệt độ lên tới hơn 40 độ C và kéo dài trong nhiều ngày. Có thể nói, những ca trực của truyền tải trong những đợt nắng nóng không khác gì trực hộ để vào mùa lũ. Phát hiện nguy cơ rồi thì phải đề xuất xin giảm dòng định mức của đường dây; nếu nhiệt độ môi trường tăng cao đột biến cần theo dõi nhiệt độ dây dẫn không vượt mức cho phép; lập phương án xử lý tạm thời và phương án xử lý lâu dài các điểm nghẽn mạch của lưới điện, xác định thời gian khắc phục trình về Công ty. 
 
Đơn cử như đợt nắng nóng tháng 5 vừa qua, các đơn vị truyền tải phải thống kê số lần kiểm tra tăng cường từ đầu năm 2020, từ đó đề xuất phương án bố trí nhân lực hợp lý cho tình hình vận hành mới; đề xuất bổ sung trang thiết bị, dụng cụ sản xuất phục vụ công tác quản lý vận hành trong tình hình vận hành mới, lập danh sách các thiết bị đề xuất cần bổ sung ngay.
      
Nơi thử thách lòng người
 
Sử dụng  thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa (UAV) kèm thiết bị ghi nhận hình ảnh và Camera chuyên dụng trong quản lý, vận hành lưới điện tại Truyền tải Điện Lâm Đồng. Ảnh: Ngọc Hà/Icon.com.vn.
 
Trưởng phòng Điều độ PTC3 Nguyễn Mạnh tường cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện nhận lưới điện truyền tải PTC3 quản lý vận hành đạt 23.918.261.392 kWh, tăng 16,30% so với cùng kỳ 2020; sản lượng điện giao đạt 23.445.807.704 kWh, tăng 16,10% so với cùng kỳ 2020; sản lượng điện nhận trên lưới 500kV đạt 17.223.481.412 kWh, tăng 26,40% so với cùng kỳ 2020; sản lượng điện giao trên lưới 500kV đạt 17.000.463.190 kWh, tăng 26,26% so với cùng kỳ 2020; sản lượng điện nhận trên lưới 220kV đạt 13.549.084.784 kWh, tăng 29,86% so với cùng kỳ 2020; sản lượng điện giao trên lưới 220kV đạt 13.299.649.317 kWh, tăng 30,08% so với cùng kỳ 2020.
 
Mặc dù sản lượng vậy, sản lượng điện truyền tải của Công ty Truyền tải điện 3 (các Truyền tải điện Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận) giao cho các Công ty Điện lực thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), miền Nam (EVNSPC) và các Nhà  máy điện (NĐ, TĐ, ĐMT, ĐG) trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt 2.826.264.307 kWh, giảm 37,85% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 49,18% sản lượng điện thương phẩm của 9 Công ty Điện lực. Sản lượng điện truyền tải cao nhất trong tháng 5 là ngày 16-5-2021 là 22.436.520 kWh.
 
Nguyên nhân chủ yếu sản lượng điện truyền tải sụt giảm là do tình hình thực hiện sản lượng điện thương phẩm của các Công ty Điện lực Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận thuộc Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và miền Nam (EVNSPC) 5 tháng đầu năm 2021 đạt 5,746 tỷ kWh, tăng trưởng thấp, chỉ đạt 0,67% so với cùng kỳ năm 2020.
 
Trong khi đó, sản lượng điện của nguồn điện mặt trời 110kV, mặt trời trang trại 22kV, mặt trời mái nhà 0,4kV, thủy điện vừa và nhỏ phát lên lưới điện phân phối của 9 Công ty Điện lực Nam miền Trung và Tây Nguyên thuộc EVNCPC, EVNSPC tăng cao trong 5 tháng đầu năm 2021, là 5,010 tỷ kWh. 
 
Sản lượng truyền tải của nguồn năng lượng tái tạo, thủy điện vừa và nhỏ từ lưới điện phân phối ngoài việc đáp ứng nhu cầu phụ tải của các Công ty Điện lực còn phát lên lưới truyền tải tại các trạm biến áp 220kv thuộc các Truyền tải điện Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Bình Thuận 5 tháng đầu năm 2021 là 2,090 tỷ kWh, có nghĩa là sản lượng điện năng lượng tái tạo phát ngược lên lưới truyền tải từ lưới điện phân phối của các Công ty điện lực.
 
 
Như vậy, lưới điện truyền tải thuộc phạm vi PTC3 quản lý, ngoài việc nhận điện hệ thống 500kV và các Nhà máy điện 220kV trong khu vực cung cấp cho phụ tải, còn tiếp nhận sản lượng phát ngược từ lưới điện phân phối qua các máy biến 220kV hòa vào lưới điện Quốc Gia gây ra đầy tải, quá tải lưới điện 220kV. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lên tình trạng đầy tải cho lưới điện truyền tải khu vực, đồng thời cùng đem lại nghịch lý trong công tác vận hành của PTC3 là lưới điện truyền tải do PTC3 quản lý luôn vận hành trong tình trạng đầy tải, quá tải, nhưng sản lượng điện thương phẩm lại không đạt kế hoạch giao. Điều này cho thấy, đã xuất hiện bất cập khi sản lượng điện truyền tải kế hoạch giao không được tính khi sản lượng nguồn năng lượng tái tạo phát ngược lên lưới. 
 
Tuy khó khăn là vậy nhưng CBCNV PTC3 vẫn luôn một lòng gắn bó, tâm huyết với lưới điện, trách nhiệm với công việc. Họ thuộc lòng đặc điểm từng khu vực lưới điện truyền tải, từng ngăn lộ trạm biến áp. Mùa khô, những khoảng cột nào có nguy cơ cháy do cây cối ngoài hành lang. Mùa mưa, móng trụ nào dễ bị sạt lở. Khu vực dân cư nào thường hay thả diều, căng bạt phơi nông sản… 
 
Mới sang ngày thứ 3 đợt nóng thứ 2 của mùa hè 2021, công suất tiêu thụ điện toàn quốc trưa ngày 18-6-2021, đã lập đỉnh mới là 41.709 MW, những người lính truyền tải PTC3 lại căng mình với khí hậu khắc nghiệt của các tỉnh Nam miền Trung và Tây Nguyên, với lưới điện truyền tải luôn trong tình trạng đầy tải 100% nhưng không được để xảy ra sự cố do chủ quan - đó là nhiệm vụ và cũng là mệnh lệnh từ trái tim người lính truyền tải điện. Dòng điện phải giữ được thông suốt mặc cho những bất cập chưa được giải quyết, bởi lẽ câu chuyện về cơ chế, để tháo gỡ thì còn phải bàn, phải cân nhắc, phải phù hợp…và nhiệm vụ của người lính truyền tải thì dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải giữ vững dòng điện. Bởi những khó khăn mà PTC3 đang trải qua cũng là để thử thách lòng người.
Thanh Mai